Heather Bowser, người phụ nữ không có chân phải và các ngón tay với hình dạng khác thường, là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2 của Mỹ đã đến Đà Nẵng 4 lần để thăm trẻ em da cam tại đây. Lần này, vào đầu tháng 8, đi cùng Heather trở về “ngôi nhà” Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) còn có cậu con trai (13 tuổi), cũng là nạn nhân thế hệ thứ 3 đang hứng chịu di chứng từ thứ chất độc quái ác này. Heather cho biết, cô đưa con trai đi cùng bởi muốn những thế hệ tiếp theo không lãng quên quá khứ…
Josh cho trẻ em da cam sờ vào cánh tay khiếm khuyết vì chất độc hóa học. |
Tìm thấy hạnh phúc bình dị
Vẫn khắc khoải khi nhắc về cha, một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam năm 1968-1969, để rồi sau đó ông mang theo thương tật trở về cùng di chứng cho đứa con gái mang tên Heather Bowser, khiến cô sinh ra đã bị thiếu chân và tay; nhưng khác với Heather những lần mới đến Hội NNCĐDC Đà Nẵng, không chỉ có xúc động, ngỡ ngàng, Heather lần này còn tự tin hoạt náo với trẻ em da cam ngay từ giây phút đầu. Cô lên sân khấu điều khiển trò chơi, hát hò hồn nhiên như được trở về tuổi thơ của mình. Bởi như chia sẻ của cô, ở Mỹ không có các Trung tâm hay trường lớp dành cho NNCĐDC như tại Đà Nẵng, Việt Nam. Cô ước mình có những nơi tương tự thế này để giao lưu và quan trọng hơn là cảm thấy được chia sẻ. Vì vậy, mỗi khi được “trở về” Hội NNCĐDC, Heather như tìm thấy những niềm vui bình dị mà thật khó có được với người bị phơi nhiễm chất độc hóa học như cô.
Thêm một niềm vui khác của Heather, đó là sự có mặt của cậu con trai Luke Bowser. Luke hầu như rất ít nói, mà chỉ ngồi quan sát các bạn cùng trang lứa, đồng thời là nạn nhân như mình vui chơi, học tập. Mọi thứ với cậu bé 13 tuổi đến từ nước Mỹ xa xôi thật nhiều bỡ ngỡ. Từ cách làm hương, may vá, làm hoa vải đến cách các bạn nhỏ da cam tại Đà Nẵng sinh hoạt với nhau đều lạ lẫm trong đôi mắt của Luke. Dù không phát biểu bất kỳ điều gì, nhưng theo như lời chia sẻ của mẹ, con trai nói rằng thật sự rất yêu Việt Nam qua chuyến đi này. Và đó cũng là mong muốn của Heather, bởi tình yêu trong sáng này sẽ giúp Luke có cái nhìn lạc quan hơn về bản thân khi cậu bé là NNCĐDC thế hệ thứ 3 tại Mỹ. Hơn hết, nếu một ngày mẹ già yếu, không thể tiếp tục hành trình nói lên tiếng nói của người trong cuộc, kêu gọi hòa bình thì Luke sẽ thay mẹ làm điều đó.
Khi hai mẹ con lặng người trước bức ảnh được treo tại Trung tâm Hội NNCĐDC, đó là hình ảnh hai chị em Nhân - Thương (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) dù 15 và 16 tuổi nhưng chỉ bé ngang đứa trẻ 3 tháng, Heather hiểu rằng cô đã gieo vào trong lòng con trai một điều ý nghĩa.
“Đừng gục ngã”
Ngoài con trai, Heather còn đưa những người bạn đồng cảnh trở về Việt Nam. Nếu Heather cười thật tươi suốt hành trình tại Đà Nẵng, thì trên gương mặt Josh Kelly, người bạn thân của cô, cũng là NNCĐDC thế hệ thứ 2 tại Mỹ, luôn là nỗi trầm mặc. Josh không có hai tay và thiếu một chân. Người đàn ông này cho biết suốt chuyến bay về Việt Nam, anh cứ miên man buồn vì nghĩ đến thân phận những con người cũng bị di chứng chất độc dioxin như mình. “Tôi đã đi qua những tháng ngày kinh khủng nhất trong cuộc đời khi không có hình hài bình thường. Thế nên, tôi rất hiểu những đứa trẻ sẽ đau khổ thế nào khi chúng cũng là nạn nhân chiến tranh như tôi. Có lúc, tôi muốn hủy hoại bản thân để không phải tồn tại trên cõi đời nữa, nhưng rồi tôi đã không thể gục ngã”, Josh nói. Ánh mắt u buồn, Josh nhắc về cha, một cựu binh thuộc thủy quân lục chiến Mỹ, nhiễm chất độc hóa học và sinh ra những đứa con không lành lặn. Có điều, người cha ấy luôn là điểm tựa tinh thần lớn nhất và luôn đứng bên cạnh nhắc nhở Josh: “Không! Con không được từ bỏ”.
Không thể vẽ tranh, bởi không có hai cánh tay, nhưng Josh đã cất công mang rất nhiều bức tranh từ Mỹ đến tặng cho trẻ em da cam Đà Nẵng. Món quà đặc biệt này được Josh nhờ hàng xóm vẽ giúp với rất nhiều ngôi sao, trái tim, bông hoa và nụ cười.
Heather, Josh và những người bạn còn có một món quà muốn gửi đến NNCĐDC, đó là: Chúng ta hãy mạnh mẽ, tự hào về bản thân và nhất là đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình.
Theo suốt hành trình xuyên Việt (trong tháng 8-2014), trong đó có điểm dừng chân là Hội NNCĐDC Đà Nẵng của đoàn nạn nhân chất độc da cam Mỹ, nhà làm phim Vahid Faraji Ghahreman (Iran) chia sẻ: “Tôi đã đi rất nhiều nơi có nạn nhân chiến tranh, tôi đã tìm hiểu nhiều tài liệu nói về chất độc hóa học, và hôm nay tôi hạnh phúc khi được gặp các nạn nhân da cam tại Đà Nẵng, bởi chứng kiến các bạn được quan tâm và chăm sóc như thế nào. Iran, Iraq cũng là những miền đất của chiến tranh, đặc biệt với sự tham gia của phương Tây. Do đó, tôi muốn làm phóng sự về nạn nhân chiến tranh như một minh chứng cho tội ác không thể chối cãi của hành động này. Tôi mong toàn thế giới hiểu hậu quả chiến tranh, chất độc da cam để cùng bảo vệ hòa bình”. |
Bài và ảnh: THU HOA