.

Kinh nghiệm phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn

.

Chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận liên tiếp xảy ra nhiều cơn bão đã cướp đi hàng trăm sinh mạng người dân, tổng thiệt hại về vật chất ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Trong năm 2014, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển Tổ quốc, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng xác định công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn giúp dân là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, là mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng.

Lãnh đạo thành phố và Bộ đội Biên phòng khảo sát khu neo đậu tàu thuyền tránh bão trên vịnh Đà Nẵng.
Lãnh đạo thành phố và Bộ đội Biên phòng khảo sát khu neo đậu tàu thuyền tránh bão trên vịnh Đà Nẵng.

Đà Nẵng là thành phố nằm trong vùng duyên hải Trung Bộ, hằng năm phải hứng chịu nhiều cơn bão đổ bộ vào đất liền, gây nhiều tổn thất cho nhân dân, nhất là đối với ngư dân vùng biển. Trước tình hình đó, hằng năm, ngay từ đầu năm, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN), giảm nhẹ thiên tai.

Các đơn vị đều có kế hoạch cụ thể được Bộ Chỉ huy phê duyệt và phổ biến quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Ban chỉ đạo PCLB-TKCN của BĐBP thành phố được thành lập do đồng chí Chỉ huy trưởng làm trưởng ban. Các phòng, ban, đồn có 1 tổ gồm 12 CBCS do Phó Chỉ huy quân sự phụ trách, thường xuyên thường trực sẵn sàng cơ động, ứng cứu khi có các tình huống xấu xảy ra, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị bạn tổ chức diễn tập PCLB-TKCN tại đơn vị, địa bàn theo kế hoạch. Khi có mưa bão, áp thấp nhiệt đới, chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, doanh trại, kê kích trang bị, vũ khí, khí tài, bảo quản tài liệu, bảo đảm lượng lương thực, thực phẩm dự phòng.

Liên hệ chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố, Đà Nẵng Radio, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, Trung tâm Hỗn hợp TKCN khu vực II, Hải quân Vùng 3, Ban Chỉ huy Quân sự địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nắm thông tin về thời tiết, khí hậu trên biển; duy trì thông tin liên lạc với ngư dân để nắm tình hình trên biển, chỉ đạo các đồn, trạm nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi tàu thuyền trở về, hướng dẫn các phương tiện tìm nơi trú đậu an toàn, tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới theo quy định.

BĐBP thành phố Đà Nẵng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các ban, ngành của phường, quận, thành phố tuyên truyền giáo dục ngư dân về các quy định phòng tránh tai nạn khi đi biển, nắm vững phạm vi hoạt động trên biển, quy ước thông tin liên lạc để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi có gió bão; tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp thành lập các tổ đánh cá, cụm tàu thuyền an toàn; tổ chức các đợt kiểm tra thường xuyên và đột xuất về đảm bảo an toàn hàng hải, qua đó phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sai phạm, kiến nghị nhiều giải pháp về quản lý tàu thuyền và ngư dân khi tham gia hoạt động trên biển.

Với tinh thần “Tích cực, chủ động phòng ngừa, ứng cứu nhanh và có hiệu quả”, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, các đồn, trạm đã phát huy sức mạnh của nhân dân, huy động tối đa nguồn nhân lực và phương tiện, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện khi ra biển, quy ước cụ thể tần số liên lạc với các tàu để khi bà con đánh bắt ở bất cứ vùng biển nào cũng có thể liên lạc được với BĐBP.

BĐBP thành phố đã kịp thời thông báo, kêu gọi hàng chục ngàn phương tiện hoạt động trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn; cứu kéo, trục vớt hàng trăm phương tiện bị bão lũ đánh chìm, trôi dạt trên biển, góp phần cùng chính quyền và nhân dân ở địa bàn đóng quân giảm bớt những thiệt hại do bão lụt gây ra. Trong bão số 2 vừa qua, BĐBP thành phố đã huy động 300 lượt CBCS, 5 tàu, 7 xuồng, 8 ô-tô làm nhiệm vụ phòng chống bão, duy trì tốt mạng thông tin biển, kịp thời phát hiện và báo cáo đề xuất lãnh đạo thành phố đề ra các biện pháp khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Sau mỗi cơn bão, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã tổ chức rút kinh nghiệm trong nội bộ, chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được. Phân tích kỹ nguyên nhân của những thiếu sót và bổ sung những giải pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả PCLB-TKCN.

Qua thực tiễn công tác, BĐBP thành phố rút ra một số kinh nghiệm sau: Phải xây dựng ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, các quy định liên quan đến người, phương tiện khi ra biển, hậu quả tác hại của thiên tai để hình thành ý thức tự bảo vệ của mỗi người, nhất là ngư dân, các chủ tàu, các thuyền trưởng, trách nhiệm của họ đối với chính mình và đối với người lao động.

Phải có thông tin khách quan, chính xác, kịp thời, nhất là khi có sự cố trên các vùng biển xa để ngư dân có thời gian chuẩn bị, lựa chọn phương án phòng tránh, xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa BĐBP với ngư dân; BĐBP vừa là chỗ dựa, vừa có kiến thức cần thiết để hướng dẫn ngư dân lựa chọn phương án và xử lý một số tình huống đột xuất trên biển. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhất là vào các thời gian trọng điểm, kiên quyết không cho ra khơi những phương tiện không đủ điều kiện về kỷ thuật và an toàn hàng hải.

Tích cực chủ động phối hợp với các ngành, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về việc sơ tán dân và có phương án cụ thể đối với từng hộ, từng cụm, từng khu vực. Thường xuyên rà soát bổ sung các phương án PCLB- TKCN của đơn vị, cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ”, dự kiến các tình huống và cách xử lý. Khi có sự cố về thiên tai, trên cơ sở phương án, kế hoạch đã được phê duyệt, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị được phép huy động tối đa lực lượng, phương tiện có trong biên chế cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời cứu người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại, khắc phục hậu quả bão lũ, coi đó là một mệnh lệnh, một nội dung sẵn sàng chiến đấu.

Đại tá NGUYỄN QUỐC BÌNH

Phó Chỉ huy trưởng BĐBP TP. Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.