.
KỶ NIỆM 40 NĂM CHIẾN THẮNG THƯỢNG ĐỨC (7-8-1974 - 7-8-2014)

"Điện Biên Phủ" của chiến trường Khu 5

.

Chiến thắng Thượng Đức đã mở ra liên tiếp các chiến thắng ở Tây Nguyên, là tiền đề quan trọng để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu trong thời gian ngắn nhất giải phóng hoàn toàn Khu 5, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngay trong mùa Xuân năm 1975.

Tượng đài chiến thắng Thượng Đức được xây dựng mới trên nền căn cứ xưa. Ảnh: C.T.V
Tượng đài chiến thắng Thượng Đức được xây dựng mới trên nền căn cứ xưa. Ảnh: C.T.V

Giữa năm 1974, Ban Thường vụ Khu ủy và Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch tổng hợp Thu 1974 và xác định chiến trường trọng điểm là Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi với 5 khu chiến, trong đó Quảng Đà có khu chiến Thượng Đức.

“Mắt ngọc của đầu rồng”

Chi khu quân sự Thượng Đức có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Đến giữa năm 1974, địch tăng cường lực lượng tại đây gồm Tiểu đoàn 79 biệt động quân, 1 đại đội bảo an, 1 đại đội cảnh sát dã chiến, 165 đội dân vệ. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tặng cho Thượng Đức danh hiệu “Mắt ngọc của đầu rồng”. Báo cáo tháng 2-1974 của quân đội Mỹ nhận định: “Căn cứ Thượng Đức là tiền đồn chiến lược bảo vệ căn cứ quân sự và phi trường Đà Nẵng, một trong những căn cứ lớn nhất của Việt Nam Cộng hòa”(1). Và, “về chính trị, với việc giải phóng được Thượng Đức, Hà Nội có thể đánh giá được phản ứng của Hoa Kỳ và khả năng tăng viện trợ quân sự cho Sài Gòn. Về quân sự, Hà Nội có thể đánh giá khả năng phản kích, cơ động và hỏa lực yểm trợ của chủ lực Việt Nam Cộng hòa ở Quân khu 1, đặc biệt là lực lượng tổng trừ bị cơ động chiến lược (nhảy dù)”(2).

Đồng thời, Mỹ và chính quyền Sài Gòn theo dõi chặt chẽ những tin tức tình báo, phán đoán được việc ta chuẩn bị đánh chiếm Thượng Đức vào thời điểm giữa năm 1974: “Thấy Hoa Kỳ không có phản ứng, sau khi trao đổi tù binh xong xuôi, có thể Bắc Việt không ngần ngại chuẩn bị dùng võ lực tấn công chi khu quân sự Thượng Đức”(3). “Cộng sản theo dõi chặt chẽ phản ứng của Hoa Kỳ rồi tính toán mở cuộc tấn công vào Thượng Đức. Bắt đầu tung các đơn vị chủ lực vào cuộc xâm lược miền Nam Việt Nam. Bộ đội, pháo binh, cơ giới của Cộng sản ngang nhiên di chuyển hàng hàng, lớp lớp giữa ban ngày, không cần ngụy trang ẩn nấp như xưa”(4). Điều này cho thấy rằng, địch vì quá tin tưởng vào “mắt ngọc của đầu rồng” nên rất chủ quan, mặc dù họ biết ta có những động thái mạnh mẽ chưa hề có trước đó và không cần quá bí mật như ở Điện Biên Phủ năm 1954.

Về phía ta, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xác định nhiệm vụ của chiến dịch: “Chiến dịch này phải thắng cả về quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch tại chỗ, thu hút, giam chân và tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động của địch. Chính trị là giải phóng bảo đảm đời sống cho hơn 10 nghìn dân, đập tan chính quyền cơ sở và tề điệp ác ôn, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại quân địch đến giải tỏa, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiến công tổng hợp của quân khu phát triển và giành thắng lợi”(5).

Cùng lúc này, Khu ủy Trị - Thiên xác định trong năm 1974, hướng tiến công chính là vùng nông thôn, đồng bằng, nhằm đạt mục tiêu cơ bản là tạo thế, tạo lực, tiến lên giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế, tạo ra một gọng kìm hướng Bắc của Đà Nẵng. Bởi vậy, kế hoạch tiến công giải phóng khu vực Thượng Đức (Quảng Nam) sẽ uy hiếp thành phố Đà Nẵng từ hướng Tây Nam, tạo thuận lợi cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 ở địa bàn Quân khu 5. Chiến dịch Thượng Đức được đặt mật danh là K711.

Hầm ngầm còn sót lại tại căn cứ Thượng Đức. Ảnh: C.T.V
Hầm ngầm còn sót lại tại căn cứ Thượng Đức. Ảnh: C.T.V

Chiến thắng mở đầu cho toàn thắng mùa xuân 1975

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, từ ngày 28-7 đến ngày 7-8-1974, lực lượng Quân đoàn 2 gồm Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 phối hợp cùng với quân và dân Quảng Đà, quân và dân huyện Đại Lộc khắc phục mọi khó khăn, nắm vững, vận dụng sáng tạo chủ trương, phương châm tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch đã chiến đấu liên tục và đầy quả cảm. Từ khi chiến dịch bắt đầu, mọi tin tức được các báo phương Tây đăng tải kịp thời. Báo Pháp Paris Press viết: “Bắt đầu đợt tấn công, pháo binh Cộng sản đã hạ nòng bắn tập trung diệt từng lô cốt một của căn cứ. Không quân Việt Nam Cộng hòa gửi phi pháo đến yểm trợ thì gặp phải trọng pháo dữ dội vào các vị trí quân Cộng sản”(6)...

Do được chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng, ta đã tiến công liên tục và tiêu diệt được nhiều địch. Báo New York Times bình luận: “Ngày 30-7-1974, Cộng sản Bắc Việt bắn pháo dữ dội và tấn công trực tiếp vào chi khu Thượng Đức, Chi khu trưởng đã bị thương nặng, có khả năng quân ta không giữ vững được phòng tuyến”(7). Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi đối phương thiếu cả lương thực, đạn dược tiếp tế không vào được căn cứ vì gặp phải sự phản kháng quyết liệt của ta. Theo báo cáo của Sở Chỉ huy chiến dịch tại Đà Nẵng gửi về Sài Gòn: “Tại Thượng Đức, tình hình trở nên nguy kịch khi lính biệt động quân sắp cạn kiệt, đạn dược cũng như lương thực. Không quân Việt Nam Cộng hòa cố gắng thả dù tiếp tế khẩn cấp vào ngày 5-8 nhưng do hỏa lực phòng không ác liệt của Bắc Việt, 8 kiện hàng tiếp tế đều rơi ngoài chu vi phòng thủ”. Đến 8 giờ 30 ngày 7-8-1974, cờ giải phóng tung bay trên căn cứ “cánh cửa thép” của Mỹ - ngụy, Thượng Đức hoàn toàn giải phóng.

Tiếp đó, từ tháng 8 đến tháng 12-1974, quân ta tiếp tục đánh bại các đợt tấn công “tái chiếm” của quân chủ lực ngụy gồm quân dù và thủy quân lục chiến, bẻ gãy xương sống của lực lượng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn.

Chiến thắng Thượng Đức, ta đã phá tan “cánh cửa thép” vào Đà Nẵng, căn cứ xuất phát các cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Thượng Đức giống tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp 1954, nào là nơi “nghiền nát chủ lực Việt Minh”, “siêu Nà Sản”, “Nà Sản lũy thừa mười”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”, “bất khả chiến bại”. Có thể nói, Thượng Đức là “điểm hẹn lịch sử” giữa chủ lực ta với quân ngụy sau Hiệp định Paris. Bởi vậy, chiến thắng Thượng Đức không chỉ có ý nghĩa quân sự và chính trị to lớn, mà còn trở thành biểu tượng của trí tuệ, ý chí, tài thao lược của con người Việt Nam trên chiến trường Quảng Nam trung dũng, kiên cường.

Chiến thắng Thượng Đức đã mở ra liên tiếp các chiến thắng ở Tây Nguyên, là tiền đề quan trọng để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu trong thời gian ngắn nhất giải phóng hoàn toàn Khu 5, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngay trong mùa Xuân năm 1975.

VÕ HÀ


(1)(4) Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, lưu kho lưu trữ Bộ Quốc phòng.

(2)(3) Tài liệu của Việt Nam Cộng hòa, lưu Thư viện Quân đội.

(5) Hồi ký Thượng Đức - cánh cửa thép bị mở toang, Nxb Đà Nẵng, 1994, tr. 68.

(6) Báo Paris Press, số ra ngày 29-7-1974.

(7) New York Times, số ra ngày 30-7-1974.

;
.
.
.
.
.