Ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Quân khu 5 có chiếc túi xách nhỏ bằng da mềm màu xám được chủ nhân của nó trao tặng cách đây không lâu. Đó chính là chiến lợi phẩm của ông Đặng Văn Lái (hiện ở 359 Lê Văn Hiến, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) thu được từ Thiếu tá Hà Văn Lầu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 79 biệt động quân tại chiến dịch Thượng Đức.
Ông Đặng Văn Lái (trái) trao đổi với đồng đội về trận Thượng Đức. |
Trong trận Thượng Đức, nhằm hỗ trợ các đơn vị chủ lực đánh vào trung tâm quận lỵ, Tiểu đoàn 10 Quảng Đà do ông Trần Văn Tảo làm Tiểu đoàn trưởng, cùng ông Đặng Văn Lái làm Tiểu đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng, được giao đánh hai hướng đồi Gò Cấm và lực lượng bảo an của địch từ thôn 11-15, xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Sáng 2-8-1974, hai hướng đảm nhiệm đều đã hoàn thành nhiệm vụ. Lúc này, ở chi khu, tiếng súng pháo vẫn không dứt. Tiểu đoàn 10 thu quân, tiếp tục vận động nhân dân giao nộp lính chế độ Sài Gòn đang trà trộn. Sau đó, một trung đội đưa hàng trăm hộ gia đình sơ tán qua An Điềm nhằm tránh tên bay đạn lạc trong những ngày trận mạc. Lực lượng còn lại chờ đợi phối hợp với Sư đoàn 304 và 324 đánh dứt điểm Thượng Đức.
5 giờ ngày 7-8-1974, các trận địa pháo từ xa của ta bắn vào Tiểu đoàn 79 biệt động quân. Cả chi khu chìm trong biển lửa. Sau này, ông Lái và ông Tảo biết rằng, sở dĩ Thượng Đức thắng lợi sau nhiều đợt tấn công không thành là nhờ Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định đưa pháo chống tăng loại 76,2mm và cao xạ 37mm lên đồi cao, bắn thẳng vào lỗ châu mai địch.
Để làm được việc này, huyện Đại Lộc đã huy động 300 dân cùng bộ đội đưa pháo lên điểm cao 500 mét. Dân còn có sáng kiến khai thác cây mây song to như ngón chân cái ở rừng núi Lộc Vĩnh, về làm dây chằng, làm kít, ròng rọc, đốn cây làm đòn khiêng. Khi địch đã lui vào cố thủ trong hầm ngầm, lô cốt, pháo của ta trên đồi hạ tầm và được lệnh bắn thẳng vào các lỗ châu mai của địch, làm chúng hết đường chống cự. Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng tử trận. 8 giờ 30 ngày 7-8-1974, cờ giải phóng tung bay trên căn cứ “cánh cửa thép” của Mỹ-ngụy, báo hiệu Thượng Đức đã hoàn toàn giải phóng.
Dự báo địch thất thủ sẽ mở đường máu qua cầu Hà Tân, xuống thôn 11, Tiểu đoàn 10 Quảng Đà được giao đón lõng. Khoảng 9 giờ, từng tốp lính của Tiểu đoàn 79 biệt động quân, đại đội pháo binh, lính thủy, biệt kích, địa phương quân lũ lượt kéo qua cầu. 2 khẩu B41 liên tục khạc đạn tiêu diệt hàng trăm tên. Tàn quân địch lọt được qua cánh đồng và đường 14 bỏ chạy xuống động Hà Nha bị Đại đội 1 truy kích, tóm gọn. Số đầu hàng và bị ta bắt sống cả hai hướng lên đến hơn 400 tên.
Lúc đang chỉ huy cánh quân ở cầu, ông Lái nghe điện từ đồng chí Nga ở Gò Cấm báo tin bắt được Thiếu tá Hà Văn Lầu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 79 biệt động quân, ông Lái vội vã chạy về. Đó là tên sĩ quan to béo đến 90kg, khoảng 35 tuổi, bị quân ta bắn bị thương ở mông và đã được băng bó. Anh em cho biết, Hà Văn Lầu bị bắt, khám trong túi xách có quả mìn clay-mo.
Cầm chiếc túi xách da mềm, không phải loại của lính chế độ Sài Gòn cung cấp, ông Lái nghi: “Xách này không phải của anh đúng không? Vì sao anh có?”. Hà Văn Lầu cúi gằm mặt, lí nhí: “Trong một lần đi trận ở Quế Sơn, thấy một Việt Cộng mang túi xách này, nghĩ là cán bộ kinh tài có tiền, nên tôi bắn chết và thu giữ xách, rồi mang theo đến bây giờ”.
Nghe vậy, ông Lái luôn ám ảnh phải làm sao tìm được chủ nhân túi xách để trả lại cho gia đình. Vì thế, khi giải quyết số chiến lợi phẩm, ông xin Tiểu đoàn cho mình giữ túi xách. Tuy có mẹ và anh trai chết vì bom đạn quân thù, cha cũng chết do đau ốm không có thuốc chữa…, nhưng đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại, thấy Lầu không thể tự đi được, ông Lái gọi xe bò kéo Lầu xuống thôn 14, ở đó 2 ngày và được bộ đội chăm sóc, băng bó vết thương rồi giao cho thanh niên xung phong đưa về An Điềm…
Từ Thượng Đức, ông Lái về chiến đấu ở Sư đoàn 309 (sau này thuộc Quân khu 7), ở Chu Lai rồi vào Bình Thuận, tiếp tục 10 năm chiến đấu ở chiến trường K. Chiếc túi xách vẫn luôn theo ông, không rời một bước. Có phải nhờ chiếc túi nhiệm màu của đồng đội phù trợ hay không mà có những trận đánh bên đất bạn tưởng chừng đã hy sinh nhưng ông đều thoát chết.
Tại Hội thảo “Chiến thắng Thượng Đức, ý nghĩa và bài học lịch sử” vào tháng 6 vừa qua, ông Lái kể câu chuyện thu giữ chiếc túi xách từ Hà Văn Lầu và chiến công của Tiểu đoàn 10, mọi người càng thêm yêu quý bộ đội đặc công Quảng Đà.
Bài và ảnh: HỒNG VÂN