.

Sớm hoàn thiện danh mục cấm đầu tư, kinh doanh

.

* Lùi thời gian trình dự án Luật đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt

Sáng 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 30 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, bắt đầu bằng việc cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Dự án này đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng vừa qua, nhưng đến nay, nội dung còn vướng mắc khi xây dựng dự án này là việc xác định danh mục cấm đầu tư, kinh doanh. Các ý kiến của UBTVQH đều bày tỏ Chính phủ cần sớm hoàn thiện, ban hành danh mục cấm đầu tư, kinh doanh vào trong dự thảo Luật và xác định thời gian cụ thể để hoàn thiện danh mục này. “Cần phải rà soát, ban hành gấp hơn, khẩn trương hơn để đưa vào cụ thể trong luật này. Nếu không đưa ra hết được thì Chính phủ rà soát và có quy định về việc bổ sung vấn đề nêu trên qua mỗi thời kỳ”, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nêu ý kiến.

Thay mặt cho cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu yêu cầu các cơ quan có liên quan đang tiến hành rà soát các quy định của pháp luật về ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện, xem xét loại bỏ các quy định bất hợp lý, gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đối với quy định về các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện (Điều 6), ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp mà còn áp dụng đối với các đối tượng khác như hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và các hợp đồng hợp tác kinh doanh, dự án hợp tác công - tư (PPP)…

Thảo luận Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: “Tinh thần đổi mới của dự án luật này là rất lớn”. Tuy nhiên, một số ý kiến của thành viên UBTVQH lo ngại việc quá “mở” cho sản xuất kinh doanh liệu có ảnh hưởng tới việc quản lý của nhà nước không? Có gây thất thu ngân sách hoặc những hệ lụy về tệ nạn xã hội...? Đơn cử như quy định mới trong dự thảo luật: Không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là thể hiện rõ nhất của việc mọi người có quyền tự do kinh doanh những nghề pháp luật không cấm.

Băn khoăn với quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng: “Dự án luật quy định về tự do kinh doanh, nhưng sẽ không để doanh nghiệp, người dân thích làm gì thì làm? Cần phải tính tới khả năng quản lý của Nhà nước và đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội về tiêu thụ sản phẩm”. Đồng tình với mong muốn của ông Nguyễn Văn Hiện về đảm bảo chức năng quản lý Nhà nước, nhưng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, dự án luật đề cao tự do kinh doanh nhưng quản lý rất chặt chẽ bằng danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không thể “thoải mái mà làm được. Những ngành nghề kinh doanh không làm tổn hại cho đất nước thì có thể làm thoải mái”.

● Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thủ tướng Chính phủ kết luận: Việc xây dựng Dự án Luật hành chính - kinh tế đặc biệt với định hướng nhằm tạo khung pháp lý cho việc hình thành các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với các quy định mang tính chất đặc thù về mô hình tổ chức bộ máy hành chính; phương thức đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển vượt trội so với quy định hiện hành và các chính sách, ưu đãi của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán; các quy định nhằm áp dụng cho các khu vực phát triển kinh tế có lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, có khả năng cạnh tranh quốc tế về thể chế hành chính và môi trường đầu tư.

Các vấn đề đặt ra nói trên ở Việt Nam đều chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, chưa được nghiên cứu, đánh giá toàn diện và còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt về tính khả thi của mô hình này khi thể chế hóa trong Dự án Luật. Với yêu cầu đặt ra như vậy, cần tiếp tục nghiên cứu toàn diện các vấn đề nêu trên, đặc biệt là về thể chế và mô hình phát triển của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để có cơ sở xây dựng Dự án Luật.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị lùi thời gian trình Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Chinhphu.vn, ĐCSVN

;
.
.
.
.
.