Trong hai ngày 27 và 28-8, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8-2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2014. |
Trong hai ngày làm việc, Chính phủ nghe báo cáo và tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng Tám và tám tháng đầu năm năm 2014; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2-1-2014 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; Phương án phát hành Trái phiếu quốc tế của Chính phủ; Cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt; Cơ chế thí điểm giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập; Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và dự kiến kế Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp cho thấy, tình hình kinh tế-xã hội trong 8 tháng đầu năm tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực; tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có cải thiện, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi với tốc độ cao hơn so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản phát triển tốt; lĩnh vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khá cao; xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và có xuất siêu; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; giá cả thị trường khá ổn định; an sinh xã hội được đảm bảo.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 5,54%. Tuy nhiên, tình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn; kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó khăn; xử lý nợ xấu còn chậm so với yêu cầu.
Phát biểu gợi ý thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, 8 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đồng đều trên các mặt; nền tảng kinh tế vĩ mô ngày một ổn định vững chắc; tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, dự báo cả năm tăng trưởng 5,8%.
Trong 14 chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2014, dự kiến có 12 chỉ tiêu đạt và vượt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực phấn đấu để đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, tạo nền tảng cho tăng trưởng cao hơn trong năm 2015 và những năm sau.
“Trong 4 tháng còn lại của năm 2014, tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết 01 của Chính phủ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ tập trung thảo luận vào bốn nội dung chủ yếu, trước hết là tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trong cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm là 5,8%.
Trong nhiều giải pháp tháo gỡ, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận giải pháp tăng tổng cầu của nền kinh tế, trong đó chú ý vào việc tăng dư nợ tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, giải quyết nợ xấu; tăng giải ngân đầu tư và chống hàng giả, hàng lậu để bảo vệ và thúc đẩy cho sản xuất trong nước.
Nhóm giải pháp thứ 2 mà Thủ tướng yêu cầu thảo luận là tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp.
Về tái cơ cấu đầu tư công, Thủ tướng cho biết đã có một bước tiến dài song cần tiếp tục thúc đẩy để đầu tư công thực sự hiệu quả, khắc phục dàn trải, chống thất thoát, lãng phí. Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu một tinh thần quyết liệt, cụ thể, chặt chẽ trong chỉ đạo của các Bộ trưởng. “Không chấp nhận doanh nghiệp nhà nước là kém hiệu quả, là thua lỗ, là tiêu cực” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về tái cơ cấu ngân hàng thương mại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu một tinh thần dứt khoát, dứt điểm trong việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém gắn với giải quyết nợ xấu. “Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu ngân hàng vì an toàn của hệ thống, vì lợi ích của người dân. Dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật” - Thủ tướng phát biểu.
Về nhóm giải pháp cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đây là một giải pháp ít tốn kém, trong tầm tay của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, đồng thời tạo ra động lực để thúc đẩy sản xuất, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Từ nay đến cuối năm và năm sau, thủ tục hải quan giảm 1/2 số giờ, thuế giảm từ khoảng 500 giờ xuống 200 giờ; thủ tục bảo hiểm từ hơn 300 giờ xuống dưới 100 giờ. Thủ tục đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận điện giảm từ 1/3 đến 1/2 thời gian so với hiện nay. Các Bộ trưởng đã cam kết với tôi, còn các Bộ trưởng khác tiếp tục rà soát và mạnh dạn cắt giảm thủ tục. Đây là môi trường đầu tư, đây là sức cạnh tranh của nền kinh tế,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Cuối cùng, về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận các giải pháp, biện pháp nhằm đạt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP cao hơn năm 2014, khoảng 6,0-6,2% theo tính toán và đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
TTXVN