.

Trạm xe Sư đoàn 304 trong chiến dịch Thượng Đức

.

Cứ điểm Thượng Đức cách Đà Nẵng 40km về phía tây, là tiền đồn bảo vệ căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng.

Sau Hiệp định Paris được ký (ngày 27-1-1973), Thượng Đức trở thành căn cứ xuất phát các cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Thượng Đức nằm trên địa hình rất hiểm yếu: 3 mặt là núi cao dốc đứng, phía đông bằng phẳng là nơi hợp điểm của sông Côn và sông Vu Gia, nước sông chảy xiết. Lợi dụng thế hiểm của địa hình, địch đã xây dựng hệ thống phòng thủ hầm ngầm nằm sâu dưới lòng đất để đặt sở chỉ huy, đặt điện đài thông tin và làm kho dự trữ vũ khí. Những năm 1968-1970, ta đã nhiều lần đánh Thượng Đức nhưng chưa thành.

Đầu năm 1974, một bộ phận của Sư đoàn 304 từ Quảng Trị nhận nhiệm vụ vào tỉnh Quảng Đà mở chiến dịch giải phóng Thượng Đức, trong đó có trạm xe của sư đoàn. Nhiệm vụ của trạm xe Sư đoàn 304 do tôi phụ trách là bảo đảm cho các phương tiện vận tải trên bộ và trên sông chở pháo, đạn, gạo, quân trang đến từng vị trí tập kết, dự trữ cho bộ binh đánh chiếm cứ điểm. Những người lính kỹ thuật xe máy chúng tôi theo các tuyến đường để sửa chữa ô-tô trên bộ; chế tạo chân vịt, lắp máy vào thuyền chở đạn, gạo trên đường sông phục vụ chiến dịch. Việc sửa chữa ô-tô thì đã quen, nhưng việc gia công những chân vịt và lắp động cơ xe xuống thuyền chở đạn, gạo là nhiệm vụ hoàn toàn mới.

Với kiến thức cơ khí đã được đào tạo, cộng với tinh thần đoàn kết, hợp đồng tác chiến, lao động sáng tạo, say mê của người lính kỹ thuật trạm xe và trạm quân giới sư đoàn đã gia công lắp đặt thành công nhiều xuồng máy chạy trên sông Vu Gia, sông Côn. Nhờ có thêm xuồng máy, nên binh khí, đạn, gạo được tiếp tế kịp thời cho bộ đội tiến công, giải phóng hoàn toàn Quận lỵ Thượng Đức.

Sau khi Thượng Đức được giải phóng (ngày 7-8-1974), lính kỹ thuật trạm xe đã lên chốt thu hồi chiến lợi phẩm các loại thiết bị máy nổ, ô-tô, máy phát điện để bảo dưỡng, sửa chữa vận hành phục vụ nhân dân vùng giải phóng và làm nguồn dự trữ binh khí kỹ thuật tham gia chiến dịch tiếp theo.

Những ngày chiến đấu, phục vụ chiến dịch giải phóng Thượng Đức, chúng tôi không quên sự hợp tác và giúp đỡ hiệu quả của nhân dân vùng Thạnh Mỹ, bến sông Bung, khu vực Bến Hiên; sự kết hợp của Ban hậu cần tỉnh đội Quảng Đà, Trạm dân Y10, Ban Thương nghiệp, Nông trường Chiến Thắng và nhân dân vùng giải phóng huyện Đại Lộc. Sự liên kết đó là sức mạnh giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, gian khổ và chiến thắng. Tết năm 1975, đơn vị chúng tôi đóng quân ở Thạnh Mỹ đón xuân rất vui vẻ.

Đơn vị tôi lập bàn thờ có bánh chưng do các chiến sĩ tự gói; có thịt nai, thịt lợn, rau rừng, uống trà Kim cúc Kỳ chủng - loại trà thơm ngon của vùng Thạnh Mỹ. Đặc biệt, xung quanh doanh trại có các giò phong lan “tai trâu” do các chiến sĩ đi lấy củi, hái trong rừng về, hoa nở rộ suốt mấy ngày Tết rất đẹp, báo hiệu một mùa xuân đại thắng. Kỷ niệm chiến dịch giải phóng quận lỵ Thượng Đức có nhiều niềm vui. Song, người lính trạm xe F304 không khỏi bùi ngùi tưởng nhớ tới đồng đội đã hy sinh trên mảnh đất này…

Sau khi làm chủ quận lỵ Thượng Đức, chúng tôi tiếp tục phục vụ chiến dịch chốt giữ các điểm cao 109, 126, 633, 1062… Sự gian khổ, hy sinh nhiều, nhất là các chiến sĩ chốt giữ điểm cao 1062. Song, chúng tôi càng thêm quyết chí, siết chặt đội ngũ, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới: Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng và Sài Gòn.

TRẦN MINH THUẦN

(Nguyên Trưởng trạm xe F304, Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nhân tỉnh Thái Bình)
 

;
.
.
.
.
.