.
Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020

Tập trung phân tích, dự báo, chủ động cho các phương án

.

“Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm tới là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết trong quản lý, điều hành KT-XH nước ta. Việc triển khai tại thời điểm này là kịp thời, chủ động nhằm chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp, do đó chúng ta phải khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể ngay từ bây giờ”.

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức, khai mạc ngày 7-8.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. 				     Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Về phía lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ; Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến.

Phải thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động tính toán kế hoạch

Đề cập đến các nội dung cụ thể về triển khai xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc triển khai xây dựng kế hoạch là việc làm quan trọng, cần thiết và việc triển khai ở thời điểm này là kịp thời, thể hiện tính chủ động cao. Về căn cứ xây dựng kế hoạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Việc xây dựng kế hoạch ở cấp Trung ương và địa phương phải được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương trên cơ sở căn cứ vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 đã được Đại hội XI của Đảng thông qua; các nghị quyết chuyên đề của Trung ương; chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020…

Cùng với việc căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015, phải căn cứ vào quan điểm phát triển đã được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020), trong đó có 5 quan điểm phát triển lớn là: Phải đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị để tạo động lực mạnh, huy động cao nhất mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Phải phát triển bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tăng trưởng, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Quán triệt và thực hiện quan điểm kinh tế thị trường định hướng XHCN, trước hết phải thực hiện đầy đủ các quy luật, nguyên tắc của thị trường, đồng thời Nhà nước có công cụ, chính sách để điều tiết, đảm bảo công bằng xã hội; quan điểm về Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, phát huy quyền làm chủ của người dân. Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực cho xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, chúng ta triển khai xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến khó lường; bên cạnh những thuận lợi, ở trong nước cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần tập trung phân tích, dự báo, chủ động có các phương án phù hợp trong quá trình xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020. Để xây dựng được kế hoạch cho 5 năm 2016-2020 sát, đúng, các bộ, ngành địa phương phải thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động tính toán kế hoạch; hết sức nỗ lực bằng các giải pháp để đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu KT-XH đã đề ra cho năm 2014 và 2015 cũng như nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh, thành phố… đã đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, chúng ta đã bước đầu xây dựng, triển khai thực hiện và bước đầu mang lại kết quả tích cực trong các kế hoạch đầu tư trung hạn. Trên cơ sở đó, tinh thần chung là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Kế hoạch đầu tư trung hạn phải được thực hiện cả ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở, đảm bảo đầu tư công hiệu quả hơn, khắc phục được đầu tình trạng đầu tư dàn trải, những thủ tục hành chính rườm rà.

Về nguồn vốn, các nguồn vốn cũng phải là trung hạn, trong đó có nguồn vốn ngân sách của cả Trung ương và địa phương; nguồn trái phiếu, có trái phiếu Chính phủ và trái phiếu địa phương, phát hành trên cơ sở tính toán an toàn nợ công, nợ quốc gia; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Về định hướng đầu tư trung hạn, phải nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển KT-XH đặt ra trong 5 năm, đặc biệt là bám sát, phục vụ đầu tư cho các khâu đột phá chiến lược, đó là hoàn thiện thể chế, đầu tư hạ tầng KT-XH, trong đó lưu ý dùng ngân sách đầu tư cho những công trình quan trọng thiết yếu, phục vụ đắc lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cho đời sống người dân…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng phải tính toán trung hạn, tức là kế hoạch 5 năm, không phải xin cho từng năm; 16 chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang thực hiện có biểu hiện dàn trải, trùng lẫn, Chính phủ sẽ trình Trung ương thu hẹp các chương trình này và chỉ còn thực hiện 2 chương trình là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bảo đảm tính chất căn cơ, lâu dài của đầu tư công

Quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận: Việc chuyển từ công tác kế hoạch hàng năm sang làm kế hoạch 5 năm sẽ bảo đảm tính chất căn cơ, lâu dài của đầu tư công, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo cân đối vĩ mô của nền kinh tế; đảm bảo tính công khai, minh bạch, góp phần giảm thiểu tiêu cực trong đầu tư công; khắc phục một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, dự án chậm tiến độ so với quyết định phê duyệt góp phần nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nêu: “Lâu nay, chúng ta vẫn làm theo kiểu kế hoạch hóa chứ không phải theo cơ chế thị trường. Số lượng các dự án dù là trọng điểm song vẫn được phê duyệt dàn trải. Bởi vậy, trong kế hoạch trung hạn, chúng tôi muốn biết nguồn kinh phí bao nhiêu trong 3-5 năm để có thể phân bổ các chương trình quốc gia trọng tâm. Tôi cho rằng sự thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ cơ sở là quan trọng nếu không các văn bản đưa ra sẽ kém hiệu lực; nếu không kế hoạch trung hạn sẽ khó thực hiện”.

Nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm thống nhất các dự thảo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với các chỉ thị; đồng thời nêu ý kiến đóng góp nhằm xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH hợp lý nhất, phù hợp với thực tiễn, bối cảnh trong nước. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng: Đồng hành với kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm, Bộ Tài chính cần có kế hoạch tài chính 5 năm kèm theo. Đối với đầu tư công và trung hạn, mỗi địa phương cần đặt ra mục tiêu xã hội, lập kế hoạch đầu tư 5 năm. Khi đã xác định được mức đầu tư công thì cần đưa ra các giải pháp để huy động nguồn thu. Ông Thảo kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành cần phối hợp để đưa ra các kế hoạch và cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp.

Về một số vấn đề liên quan đến việc phân bổ ngân sách, trong đó có ngân sách trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị: Từ năm 2015, cho phép các bộ, ngành tự chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm phân bổ ngân sách và từ kế hoạch trung hạn kiên quyết phải thực hiện theo cơ chế này. Liên quan đến Luật Đấu thầu, Bộ Công thương cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi một số nội dung như cho phép các doanh nghiệp, tổng công ty tham gia nhiều hơn nhằm giảm bớt lệ thuộc đối với “bên ngoài”.

Tham gia thảo luận một số vấn đề cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến bày tỏ sự thống nhất với kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và kế hoạch trung hạn. Về tăng trưởng GDP bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020, ở phạm vi địa phương, đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét bỏ việc tính toán và công bố chỉ tiêu tăng trưởng GDP do bất cập trong phương pháp tính toán, sử dụng số liệu. Bất cập đó là hằng năm hầu hết các địa phương đều có mức tăng trưởng GDP cao hơn 8%, song ở phạm vi cả nước mức tăng chỉ đạt trên dưới 5%.

Về giải pháp tập trung triển khai thực hiện trong 5 năm, ông Văn Hữu Chiến đề nghị ngoài ngân sách Nhà nước, cần tập trung mạnh hơn để huy động và khai thác các nguồn vốn ngoài ngân sách, phấn đấu giảm tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước trong cơ cấu đầu tư phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến công tác dự báo. Việc dự báo càng chính xác sẽ càng tạo ra sự ổn định trong mục tiêu phát triển KT-XH. Ngoài ra, việc thực hiện 3 đột phá sẽ tác động tốt đến thu hút đầu tư.

Hôm nay (8-8), hội nghị sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với nội dung tập tủng thảo luận về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2016-2020, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020; phổ biến các nội dung chính của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu; tham gia góp ý vào dự thảo nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; phổ biến và hướng dẫn cách tính toán chỉ tiêu giá trị gia tăng trong nước của các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương…

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.