.

950 mái ấm nghĩa tình

.

950 căn nhà mới cho 950 hộ chính sách là niềm vui nối tiếp niềm vui cùng bao nỗi lo toan, vất vả của các cấp lãnh đạo từ thành phố cho đến địa phương trong việc thực hiện Đề án hỗ trợ, sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công cách mạng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đề án này được triển khai từ đầu năm 2014 đến nay đã hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu 132 nhà.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh kiểm tra tiến độ sửa chữa nhà ở trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh kiểm tra tiến độ sửa chữa nhà ở trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn.

Chính sách nhân văn

Song song với việc thực hiện tốt chính sách trợ cấp ưu đãi đối với người có công cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đà Nẵng luôn chăm lo hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với gia đình chính sách bằng nhiều hình thức khác nhau: hỗ trợ tiền sử dụng đất, sửa chữa nhà, tặng nhà tình nghĩa từ nguồn ngân sách, quỹ Đền ơn đáp nghĩa và nguồn vận động từ các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội…

Trong 5 năm (2009-2013), thành phố đã giải quyết cho 2.571 hộ chính sách sửa chữa, xây mới nhà, tạo điều kiện cho các hộ chính sách có nơi ở khang trang, ổn định, chống chịu được thiên tai. Mục tiêu lâu dài là nâng mức sống của hộ chính sách bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân ở nơi cư trú.

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, UBND thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, UBND các quận, huyện rà soát, lập danh sách người có công có nhà ở xuống cấp cần nâng cấp, sửa chữa theo quy định. Theo đó, toàn thành phố có 900 hộ có nhà ở xuống cấp cần được hỗ trợ để sửa chữa.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 18 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ Trung ương 14,4 tỷ đồng, kinh phí thành phố 3,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2013, Đề án chưa được triển khai thực hiện do chưa được Trung ương hỗ trợ kinh phí theo quy định. Nhưng cũng trong năm ngoái, 82 nhà đã được địa phương vận động từ các nguồn kinh phí khác để sửa chữa, Đề án còn lại 818 nhà.

Không để các gia đình chính sách chờ đợi, tháng 2 năm nay, lãnh đạo thành phố chủ động triển khai thực hiện Đề án bằng cách huy động các nguồn lực khác nhau với tổng kinh phí 25.080 triệu đồng. Trong đó, vận động từ doanh nghiệp được 13.780 triệu đồng cho 253 nhà, ngân sách thành phố chi 5.220 triệu đồng cho 261 nhà, địa phương tự vận động và ngân sách quận, huyện là 6.080 triệu đồng cho 304 nhà.

Theo Đề án, trong năm 2014, Đà Nẵng có tổng cộng 818 hộ chính sách được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Chủ trương ban đầu của thành phố chỉ hỗ trợ sửa chữa, không hỗ trợ xây mới. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, nhận thấy nhiều gia đình chính sách quá khó khăn, nhà ở xuống cấp quá mức, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu với lãnh đạo thành phố hỗ trợ 81 nhà được xây mới, đồng thời nâng mức hỗ trợ từ 20 triệu đồng/hộ theo quy định của Chính phủ lên 60 triệu đồng/hộ.

Không dừng lại ở đó, đến nay, không chỉ 818/818 hộ chính sách có được nơi ở khang trang mà có 950 hộ (vượt chỉ tiêu 132 hộ) được sống trong những mái ấm ân tình mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng chung sức chăm lo.

Cả xã hội vào cuộc

Kết quả nói trên nhờ sự nỗ lực rất lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, từ thành phố đến các địa phương. Trong thời gian triển khai Đề án, lãnh đạo thành phố đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công; trong đó, yếu tố chống bão, chống lũ, chất lượng nhà ở được đặc biệt quan tâm. Sở LĐ-TB&XH đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện tại các địa phương, qua đó nắm bắt kịp thời tiến độ và những tồn tại để kịp thời định hướng xử lý.

Ngoài ra, hằng tuần, Sở LĐ-TB&XH đều có báo cáo với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về tiến độ triển khai, nhanh chóng đề xuất những kiến nghị, vướng mắc để lãnh đạo thành phố xử lý. Tại 5 quận, huyện (trừ quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ tự sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện), trong khi chờ đợi kinh phí từ Trung ương, các địa phương đều phải dùng nhiều nguồn thu khác nhau hoặc “mượn tạm” ngân sách địa phương để kịp thời chuyển kinh phí cho các hộ. Bên cạnh đó, sự nỗ lực, toàn tâm toàn ý của cán bộ chuyên trách LĐ-TB&XH tại các quận, huyện, xã, phường là điều không thể không nhắc đến.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Liên Chiểu cho biết, toàn quận có tổng cộng 121 hộ được hỗ trợ sửa chữa trong năm nay. Ngay từ khi Đề án được triển khai, cán bộ LĐ-TB&XH tại các phường đi từng nhà, rà từng ngõ hơn 200 hộ mới chọn ra 121 hộ. Trong quá trình triển khai, với những hộ có hoàn cảnh quá khó khăn, số tiền hỗ trợ không đủ để sửa chữa hoặc sửa chữa dang dở thì địa phương đều tìm cách hỗ trợ thêm từ 5-20 triệu đồng.

Phường Hòa Hải có số nhà được hỗ trợ nhiều nhất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (có 35 hộ sửa chữa, 7 hộ xây mới) nên áp lực với các cấp lãnh đạo rất lớn. Ông Huỳnh Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho biết, sau giờ hành chính, ông cùng các cán bộ chuyên trách đến từng nhà để xem xét tiến độ thi công trong suốt thời gian sửa chữa. Ngoài 20 triệu đồng/hộ hỗ trợ sửa chữa, tùy tình hình của từng gia đình mà phường Hòa Hải huy động các doanh nghiệp hỗ trợ thêm 20-40 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho các gia đình xây nhà kiên cố, chống bão, lũ.

Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong thời gian tới sẽ thường xuyên vận động các cơ quan, đơn vị, các tổ chức kinh tế-xã hội tích cực thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa nói chung, công tác hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho các hộ chính sách nói riêng để cùng với chính quyền thành phố thực hiện tốt công tác cải thiện chỗ ở cho hộ chính sách. Riêng trong năm 2015, Đà Nẵng sẽ phấn đấu thực hiện 800 nhà sửa chữa và 100 nhà xây mới để chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.