Tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII MTTQ Việt Nam, Đoàn đại biểu thành phố vinh dự được chia sẻ kinh nghiệm về “Cách làm của Mặt trận Đà Nẵng”. Đó là thực hiện phương châm “Công khai minh bạch-Bàn bạc dân chủ-Đối thoại trực tiếp” trong vận động nhân dân để đi đến đồng thuận mà cốt lõi là giải quyết hài hòa lợi ích các bên: Lợi ích (quyền lợi) của người dân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những cuộc vận động lớn do MTTQ thành phố chủ trì đạt kết quả tốt, với 85% người dân Đà Nẵng dùng hàng Việt Nam. TRONG ẢNH: Người dân thành phố chọn mua hàng Việt tại siêu thị. Ảnh: XUÂN DUYÊN |
Trong suốt chặng đường tăng tốc phát triển của thành phố Đà Nẵng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố rất tự hào với những thành quả mà Mặt trận các cấp thành phố đạt được và có thể gọi đó là “Cách làm của Mặt trận Đà Nẵng”. Trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố khẳng định sẽ chia sẻ bài học kinh nghiệm này tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII (diễn ra từ ngày 25 đến 27-9 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội).
*Thưa ông, tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII MTTQ Việt Nam, Đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng sẽ chia sẻ tại Đại hội về “Cách làm của Mặt trận Đà Nẵng” như thế nào ?
- Ở Đà Nẵng, “Đảng nói dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động dân theo; chính quyền làm, dân ủng hộ”. Đó là phương châm hành động của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Thành ủy đã tạo nên đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân đưa Đà Nẵng tăng tốc phát triển trở thành một điểm sáng về sự phát triển năng động của cả nước.
Trong đó có sự đóng góp quan trọng của Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp của thành phố. Tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII MTTQ Việt Nam, Đoàn đại biểu thành phố vinh dự được chia sẻ kinh nghiệm về “Cách làm của Mặt trận Đà Nẵng”. Đó là thực hiện phương châm “Công khai minh bạch-Bàn bạc dân chủ-Đối thoại trực tiếp” trong vận động nhân dân để đi đến đồng thuận mà cốt lõi là giải quyết hài hòa lợi ích các bên: Lợi ích (quyền lợi) của người dân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư.
Trong công tác vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, và pháp luật của Nhà nước, Mặt trận các cấp không vận động bằng cách hô hào với khẩu hiệu suông. Mặt trận các cấp đã nắm chắc và giải thích cho người dân hiểu đâu là lợi ích chung lâu dài, đâu là lợi ích riêng; đồng thời mạnh dạn có tiếng nói phản biện, lập luận chính xác trên cơ sở chủ trương, chính sách và pháp luật để kiến nghị đúng và và trúng vấn đề nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của người dân.
Trên 100.000 hộ dân đã thực hiện di dời giải tỏa để có được không gian đô thị hiện đại rộng gấp 4 lần như ngày nay là minh chứng rõ ràng nhất. Gần đây, thông qua hoạt động giám sát, Mặt trận đã kiến nghị nâng mức đền bù cho người dân bị giải tỏa để thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ 52 triệu đồng trên/sào đất ruộng lên 102 triệu đồng/sào và được chấp thuận. Hay việc Mặt trận giám sát và đề nghị hỗ trợ nông dân có đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng của thi công các dự án...
Một số rất ít người dân hoặc do mục đích cá nhân hoặc có thể do sự điều khiển, giật dây vì mục đích chống phá từ bên ngoài đã không cùng điểm tương đồng với tuyệt đại đa số nhân dân thành phố cũng là lẽ thường tình, không đáng kể, không thể là lực cản cho sự phát triển của thành phố.
*Vậy thưa ông, kinh nghiệm của Đà Nẵng trong các cuộc vận động lớn do Mặt trận chủ trì là gì ?
- Cùng với phát triển hạ tầng cơ sở làm cho thành phố mở rộng, khang trang hiện đại thì đời sống nhân dân cũng không ngừng cải thiện. Qua triển khai 4 đề án giảm nghèo từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, Đà Nẵng đều về đích trước thời hạn mỗi đề án là 2 năm.
Cho đến nay, thành phố Đà Nẵng không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia (thu nhập dưới 500.000 đồng/người/tháng) và tiếp tục phấn đấu giảm trong tổng số 1.575 hộ nghèo tính đến cuối năm 2013 theo chuẩn thành phố (thu nhập bình quân hàng tháng dưới 600.000 đồng/người ở nông thôn và dưới 800.000 đồng/người ở thành thị).
Trong cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” thành phố cũng có nhiều kinh nghiệm tốt về huy động tối đa nguồn lực của xã hội để giảm nghèo. Đặc biệt là chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo đã huy động được nguồn lực to lớn trong xã hội. Hiện nay thành phố Đà Nẵng không còn hộ nghèo phải ở nhà tạm.
Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, với mục tiêu lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân, Mặt trận thành phố đã phát huy tốt dân chủ trong cộng đồng dân cư để có nhiều mô hình hay về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị... Trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Mặt trận thành phố đã tuyên truyền, vận động tốt, nâng tỷ lệ người dân thành phố dùng hàng Việt Nam lên 85%.
* Nhưng thưa ông, Đà Nẵng cũng nhận ra những bất cập trong công tác Mặt trận. Vậy tại Đại hội lần này, Đoàn đại biểu Đà Nẵng sẽ có kiến nghị gì với Mặt trận Trung ương?
- Nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Chính phủ, mới nhất là Hiến pháp 2013 đã xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên trong thực tế việc thực hiện còn quá bất cập, nếu không nói là bất bình đẳng. Cụ thể là về phát huy vai trò, vị trí của Mặt trận và tôn trọng tính độc lập của Mặt trận trong hệ thống chính trị.
Công tác cán bộ Mặt trận (cả về đào tạo, bố trí, luân chuyển, chế độ, chính sách…) còn bất cập. Chính điều này làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, lòng nhiệt tình, tính trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Chúng tôi sẽ đề nghị Mặt trận Trung ương cần tăng cường tác động đến cấp ủy địa phương nhằm tạo điều kiện tối đa cho Mặt trận hoạt động một cách hiệu quả. Cần có chính sách thu hút đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ tầm để tập hợp, phát huy vai trò tiêu biểu, đại diện của các tầng lớp nhân dân như mong muốn.
Mặt trận cũng cần xem lại để tránh tình trạng “trận nào cũng có mặt nhưng không rõ vai trò” bởi trong thực tế Mặt trận đã tham gia ký kết rất nhiều chương trình phối hợp trong lúc nguồn lực rất hạn chế. Mặt trận cần tập trung cho các chức năng chính như: Giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chúng tôi kỳ vọng mỗi lần Đại hội là MTTQ Việt Nam ý thức được sứ mệnh phải nâng cao vai trò, vị trí lên một tầm cao mới, chiều sâu mới.
* Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
SƠN TRUNG thực hiện