Sáng 10-9, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Chính sách nhà ở công vụ là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh |
Công vụ thành “tư vụ”
“Hiện nay quản lý nhà công vụ rất khó khăn. Nhiều người nghỉ hưu rồi, không còn diện được ở nhà công vụ nữa nhưng vẫn cứ giữ nhà. Đòi lại rất khó, vì trong cơ quan nhiều khi đó là ông thủ trưởng cũ, người mới lên ký giấy đòi nhà cũng khó coi”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cũng cho biết “nhiều lãnh đạo đã biến nhà công vụ thành nhà tư vụ, hết nhiệm kỳ về quê hoặc về hưu nhưng vẫn giữ nhà, không chịu trả lại”.
Đáng nói là nhà công vụ không chỉ dành cho những cán bộ khó khăn, chưa có điều kiện về nhà ở, mà còn bị lạm dụng.
“Nhiều cán bộ thừa tiền nhưng vẫn cứ bám lấy nhà công vụ. Rồi có những trường hợp hưởng lợi hàng chục tỷ đồng khi nhà công vụ được hóa giá với giá bèo”, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho hay.
Đối tượng nào được ở nhà công vụ?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, liên quan đến nhà ở công vụ, hiện có 4 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp dụng chế độ này cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác.
Loại ý kiến thứ ba đề nghị chỉ đầu tư xây dựng nhà công vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, còn đối với cán bộ khi được điều động, luân chuyển đến các thành phố lớn thì đưa chế độ nhà ở công vụ vào tiền lương để họ tự thuê nhà ở nhằm tránh lãng phí, dàn trải. Ý kiến khác đề nghị quy định chế độ nhà ở công vụ được áp dụng với tất cả các đối tượng thực hiện công vụ.
Một góc khu nhà ở công vụ của khu công nghiệpkhí-điện -đạm Cà Mau. Ảnh: TTXVN |
Quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho những người này yên tâm công tác, đây cũng là một trong những chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước đang được triển khai trên thực tế theo quy định của Luật nhà ở hiện hành.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật Nhà ở hiện hành thì phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thuê nhà ở công vụ, đồng thời bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật.
Cần thống nhất đầu mối quản lý
Góp ý dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng cần thống nhất đầu mối quản lý thì mới kiểm soát được nhà công vụ.
"Tôi đề nghị ở Trung ương thì giao cho Bộ Xây dựng, ở dưới thì giao cho Sở Xây dựng. Chứ Văn phòng Trung ương cũng quản, Văn phòng Chính phủ cũng quản, Văn phòng Quốc hội cũng quản, rồi bộ cũng quản, nhiều nơi quản quá rất khó, rồi khi người ta nghỉ thì lại nể nang ngại đòi lại” - ông nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Luật phải rõ ràng thì mới đòi được nhà. Bây giờ bảo cưỡng chế, thì một ông chủ nhiệm văn phòng Quốc hội chẳng hạn, có đứng ra mà đi cưỡng chế được không? Trừ những vị trí lãnh đạo cần bảo vệ, tôi đề nghị cần quy hoạch các khu nhà công vụ".
Chủ tịch Quốc hội nói: "Ví dụ Trung ương cần 500 nhà thì có một khu để những người luân chuyển ra làm việc ở đó. Còn đối với những nơi mà việc luân chuyển cán bộ không tập trung, ví như một ông ở huyện về xã làm việc, thì làm gì có khu nhà công vụ, vậy thì nên quy định trong luật nơi tiếp nhận cán bộ có trách nhiệm bố trí nơi ăn chốn ở cho người đến”.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tổng rà soát và báo cáo tình trạng quản lý, sử dụng nhà công vụ thời gian vừa qua để Quốc hội có căn cứ xem xét thông qua Luật nhà ở (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 10 tới đây.
TTO/VOV