.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Đổi thay ở thôn Nam Thành

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thôn Nam Thành (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) là nơi đầu tiên của tỉnh Quảng Đà (cũ) bắt giữ lính Mỹ. Về Nam Thành hôm nay, đời sống của người dân đã đổi khác nhiều.

Trưởng thôn Nam Thành, ông Nguyễn Trung, cho biết Nam Thành sẽ là thôn đầu tiên của xã Hòa Phong hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. “Đến nay đã hoàn thành 19 tiêu chí, trong năm nay sẽ được công nhận thành tích ấy. Hiện còn chút băn khoăn về 2 hộ nghèo nhưng đã tìm ra giải pháp để họ thoát nghèo. Về tiêu chí môi trường, Nam Thành thực hiện nghiêm túc và hiệu quả mô hình CLB môi trường, thường xuyên vận động người dân tham gia vệ sinh môi trường, ở 4 tổ đều có hố rác tự hoại”.

Quả thật, đi qua các đường bê-tông liên tổ, tôi không khỏi ngạc nhiên về sự sạch sẽ tại một thôn cách trung tâm xã gần 5km.

Ông Nguyễn Trung cho biết, sự vươn lên của Nam Thành là thành quả của quá trình tiếp thu, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; vận dụng hiệu quả các mô hình VAC để phát triển kinh tế. “Đất đai cằn cỗi, người dân vốn quen sản xuất các loại giống truyền thống nên dần bị lụi. Mình quyết định đi tìm hiểu, tìm tòi cách làm của các địa phương khác để mở ra hướng đi mới. Thuê máy cày sâu để “xào chín đất”, thử nghiệm các loại giống mới, cách chăm bón theo thời kỳ đúng quy trình. Và đất “nở hoa”, đem lại hiệu quả kinh tế trong các loại giống mới như: mít, chanh, bơ... Chưa kể, hiện mô hình nuôi cá diêu hồng đem lại hiệu quả rất cao, với 7ha diện tích mặt nước toàn thôn. Chăn nuôi bò phát triển nhất, là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của thôn, với trên 200 con bò, trong đó hộ nhiều nhất trên 30 con”, ông Trung nói.

Thôn Nam Thành cũng là nơi có đường bê-tông kiệt xóm, nội đồng lớn đã hoàn thành. Để làm được như vậy, theo ông Trung, phải có “mẹo”, hộ có điều kiện níu kéo hộ khó khăn hơn theo kiểu “trâu béo kéo trâu gầy” mới dễ dàng làm xong tuyến đường dài. “Bây giờ, Nhà nước hỗ trợ cao hơn. Năm 2012, Nhà nước hỗ trợ 40%, nhân dân đóng góp 60% nên có chút khó khăn trong vận động. Tuy nhiên, với sự hợp sức nâng đỡ lẫn nhau, chúng tôi cũng làm xong 90% số tuyến đường kiệt xóm, nội đồng”.

Về việc các ngôi nhà cao tầng, khang trang mọc lên, ông Trung cho biết, chủ nhân của những ngôi nhà này là người trong thôn. “Trước đây thi giàu bằng việc ai nuôi nhiều bò hơn, bây giờ thi ai làm nhà to hơn. Đã có 14 “biệt thự” được xây dựng, mỗi cái trên tỷ đồng. Sắp tới xây thêm khoảng 4 căn nữa, nhà tôi đang chuẩn bị “lên một cái” cho bằng xóm bằng làng”, ông Trung nói vui.

Trong danh sách các tổ trưởng, trưởng thôn tiêu biểu năm 2013 được Sở Nội vụ đề nghị thành phố tuyên dương, khen thưởng, có ông Nguyễn Trung. Nhưng ông Trung cho biết, trước mấy ngày được khen thưởng thì ông không có tên trong danh sách nữa, nghe đâu chuyển phần tuyên dương, khen thưởng này lại cho thôn khác của xã Hòa Phong. “Lần đó, không chỉ tôi mà nhân dân trong thôn đều được phen mừng hụt. Nghĩ lại thấy buồn vì sự cố gắng của toàn thôn được ghi nhận “nhầm”. Nhưng thôi, quan trọng là đời sống dân tôi thực sự đi lên”...

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.