Nhằm giải quyết việc khiếu nại kéo dài, vượt cấp các nội dung liên quan đến việc thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất và bố trí tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân của 62 hộ dân ở khu vực Cồn Dầu, sáng 17-9, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Nguyễn Văn Yên chủ trì buổi đối thoại với đại diện 62 hộ dân khu vực Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT, Phó Trưởng đoàn công tác liên ngành phát biểu tại buổi đối thoại. |
Mặc dù đã được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các ban, ngành, địa phương có liên quan trao đổi, giải thích chân tình, cởi mở trên cơ sở các căn cứ đúng theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng 10 hộ dân đại diện cho 62 hộ dân ở khu vực Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ vẫn có những đòi hỏi vô lý, thiếu căn cứ pháp luật; đồng thời lấy lý do “trình độ có hạn” nên không tranh luận với các cấp, các ngành tại địa phương mà vẫn tiếp tục trình đơn, đề nghị Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương trình lên Chính phủ.
Người dân nêu đầy đủ ý kiến
Tại buổi đối thoại, đại diện 62 hộ dân ở khu vực Cồn Dầu nêu ý kiến của mình về các vấn đề khiếu nại. Cụ thể: bà Huỳnh Thị Thu Khẩn, tổ 22, (do ông Huỳnh Ngọc Anh ủy quyền) khiếu nại việc UBND quận Cẩm Lệ thu hồi đất của gia đình là không đúng, sai sót về số tờ, số thửa bản đồ, diện tích sử dụng; giá bồi thường về đất nông nghiệp quá thấp (50.000 đồng/m2) trong khi nhà đầu tư phân lô, bán nền với giá rất cao. Bà đề nghị được bồi thường thiệt hại về tài sản và hoa màu từ năm 2010 đến nay. Ông Nguyễn Đức Luyện, tổ 21 cho rằng, việc UBND quận Cẩm Lệ cưỡng chế thu hồi đất của các hộ dân để giao cho nhà đầu tư là không đúng pháp luật; ông yêu cầu được bố trí tái định cư tại chỗ và bồi thường thiệt hại về tài sản, tinh thần do hậu quả của việc cưỡng chế mang lại.
Ông Huỳnh Ngọc Trung, tổ 21, đề nghị được hỗ trợ đền bù về đất cho người dân theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ. Việc tái định cư về đất phải được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ. Liên quan đến việc áp giá đền bù, ông Trung cho rằng, năm 2011, UBND thành phố có quyết định thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư nhưng lại áp giá đền bù cho các hộ vào thời điểm năm 2008 là không đúng; đề nghị việc áp giá đền bù phải sát với giá thị trường tại thời điểm bàn giao mặt bằng; đồng thời đề nghị UBND thành phố trả lời cho các hộ dân được biết lý do tại sao từ năm 2008 đến năm 2010, UBND thành phố có quyết định thu hồi đất nhưng đến năm 2013 mới giao quyết định cho các hộ dân.
Ông Trần Thanh Cát, tổ 21, khiếu nại việc UBND quận Cẩm Lệ cưỡng chế di dời mồ mả của gia đình ông và các hộ là không đúng quy định của pháp luật; khiếu nại giá bồi thường thấp. Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, tổ 20, khiếu nại việc UBND quận Cẩm Lệ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của gia đình bà là không đúng quy định của pháp luật. Do gia đình bà không chấp hành việc giải tỏa, di dời, bàn giao mặt bằng nên UBND quận Cẩm Lệ đã không cứu trợ lũ lụt đối với gia đình bà.
Ông Trần Hữu Chậm, tổ 21, khiếu nại việc UBND quận Cẩm Lệ cưỡng chế thu hồi đất là không đúng quy định của pháp luật, đồng thời đề nghị bố trí đất tái định cư tại chỗ theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ; đền bù thiệt hại về tài sản và hoa màu cho gia đình; việc đền bù, hỗ trợ phải thực hiện theo quy tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ.
Ông Trần Quang Anh, tổ 21, khiếu kiện việc UBND quận Cẩm Lệ thu hồi đất của gia đình để giao cho nhà đầu tư phân lô, bán nền với giá cao trong khi giá đền bù về đất cho các hộ thấp. Đây là dự án phát triển kinh tế, căn cứ khoản 2 Điều 34 của Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ, gia đình ông phải được bố trí đất tái định cư tại chỗ. Ông Anh cho rằng, đất gia đình ông là đất ở thổ cư lâu đời thì không thể gọi là đất khuôn viên.
Ông Nguyễn Quý, tổ 23 cho rằng, năm 2010, tất cả đất sản xuất của các hộ dân bị san lấp, rất nhiều hộ gia đình không có đất sản xuất, rơi vào cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, từ năm 2010, UBND thành phố chưa xem xét hỗ trợ về việc làm và chuyển đổi ngành nghề. Ông Huỳnh Ngọc Trường, tổ 22, (do bà Lê Thị Trượng ủy quyền), khiếu nại việc UBND quận Cẩm Lệ cưỡng chế di dời mồ mả không đúng quy định của pháp luật; đề nghị giải thích cho gia đình ông và các hộ được biết cơ quan nào giải quyết khiếu nại liên quan đến mồ mả.
Ông Nguyễn Cứ, tổ 23 (do bà Trần Thị Huệ ủy quyền) khiếu nại việc UBND quận Cẩm Lệ thu hồi đất của gia đình để giao cho nhà đầu tư phân lô, bán nền với giá cao trong khi giá đền bù về đất cho các hộ thấp. Đây là dự án phát triển kinh tế, căn cứ khoản 2 Điều 34 của Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ, gia đình ông phải được bố trí đất tái định cư tại chỗ.
Ông Huỳnh Ngọc Trung, một trong 10 người đại diện cho 62 hộ khiếu kiện phát biểu trong buổi đối thoại. Ảnh: V.NỞ |
Chính quyền giải thích rõ ràng, đúng sự thật
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, cho rằng: Việc tổ chức đối thoại hôm nay được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Liên quan đến nội dung khiếu nại của các hộ dân đã được các cơ quan, ban, ngành của thành phố, UBND quận Cẩm Lệ, UBND phường Hòa Xuân giải thích theo đúng nội dung đã thực hiện và theo quy định của pháp luật. Đối với dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cho rằng, đây là chủ trương lớn của thành phố nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển khu vực phía tây nam thành phố trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị và an sinh xã hội. Vì sự phát triển chung của thành phố Đà Nẵng, đề nghị các hộ chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành chủ trương của thành phố để cùng góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển. |
Sau khi nghe đại diện các hộ dân phát biểu ý kiến, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT thành phố khẳng định, việc thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân không đơn thuần là một dự án phát triển kinh tế, đây còn là dự án dân sinh, tầm quan trọng của dự án là không để cho người dân tiếp tục sống trong vùng thấp trũng, chịu cảnh lụt lội.
Việc thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư sử dụng để triển khai thực hiện dự án Khu đô thi sinh thái ven sông Hòa Xuân đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003 và quy định tại Điều 34 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ.
Từ những căn cứ pháp luật nêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư sử dụng để xây dựng Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân. Trên cơ sở quyết định thu hồi đất tổng thể của UBND thành phố, UBND quận Cẩm Lệ đã ban hành các quyết định thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân có nhà, đất nằm trong ranh giới của dự án đúng quy trình, thủ tục và đủ cơ sở pháp lý.
Liên quan đến nội dung các hộ khiếu nại việc chủ dự án phân lô bán nền, ông Nguyễn Điểu cho rằng, đây là dự án phát triển kinh tế, theo quy hoạch chi tiết cơ cấu sử dụng đất của dự án, đã được UBND thành phố phê duyệt, tỷ lệ đất ở đô thị và đất biệt thự chỉ chiếm một phần nhỏ (hơn 40%), còn lại là hạ tầng và cây xanh, mặt nước, không có khu tái định cư tại dự án. Vì vậy, việc các hộ khiếu nại nội dung này là không có cơ sở.
Đối với việc khiếu nại của các hộ liên quan đến việc đo đạc, kiểm đếm trong quá trình thu hồi, bồi thường về đất, ông Đinh Thanh, Trưởng phòng TN&MT quận Cẩm Lệ khẳng định, trước khi thu hồi đất, cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm phải đo đạc lại đất thực tế để bảo đảm tính công bằng cho nhân dân.
Sau khi đo đạc, phải căn cứ trên tờ bản đồ mới để thông báo với người dân nên số tờ bản đồ không hợp với số tờ bản đồ của người dân đang có; tuy nhiên, bản chất của vấn đề là diện tích đất thực của người dân là không thay đổi, mà việc đo vẽ, xác định ranh giới, vị trí và diện tích nhà, đất của hộ theo thực tế hiện trạng sử dụng đất, theo diện tích kê khai, đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg và Nghị định 64/CP của Chính phủ. Trong quá trình kiểm đếm, đo đạc nếu có sai sót, trong thời gian đến, UBND quận sẽ tiến hành phúc tra, rà soát lại theo yêu cầu của người dân.
Về việc cưỡng chế thu hồi đất, ông Phạm Lược, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Cẩm Lệ khẳng định, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan khiếu nại việc cưỡng chế nhà mẹ bà trong lúc bão lũ xảy ra là hoàn toàn không đúng. Quận đã thực hiện đầy đủ các bước thủ tục pháp lý trước khi ra quyết định cưỡng chế và thực hiện việc cưỡng chế.
Quan điểm của quận từ trước đến nay không bao giờ thực hiện việc cưỡng chế (nếu có) trong các ngày lễ, Tết và mưa bão. Việc cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình mẹ bà Loan cũng như các hộ khác được thực hiện trên cơ sở quyết định thu hồi đất của UBND thành phố và theo đúng quy định tại Điều 39 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 32 Nghị định số 69/2009 của Chính phủ.
Trả lời ý kiến vì sao quyết định thu hồi đất ban hành năm 2010 nhưng đến năm 2013, thậm chí là đến năm 2014 địa phương mới bàn giao quyết định thu hồi đất cho người dân, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân, khẳng định nói như thế là không đúng sự thật. Thực tế từ năm 2010, trên cơ sở quyết định thu hồi đất của UBND thành phố, UBND quận Cẩm Lệ đã ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân.
Ngay sau khi ban hành các quyết định thu hồi đất theo trình tự, UBND quận và UBND phường Hòa Xuân đã nhiều lần đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành chủ trương thu hồi đất và nhận quyết định thu hồi đất, nhưng các hộ kiên quyết không chấp hành, cố tình đóng cửa không tiếp cán bộ đến bàn giao quyết định. Vì vậy, việc bàn giao quyết định thu hồi đất kéo dài đến năm 2013 và 2014.
Liên quan đến việc cưỡng chế di dời mồ mả của các hộ theo ý kiến khiếu nại của ông Trần Thanh Cát, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân Nguyễn Văn Toàn giải thích, trong quá trình di dời mồ mả, UBND thành phố Đà Nẵng đã ưu tiên bố trí riêng cho khu vực nghĩa trang Cồn Dầu 4ha trong tổng số 9ha đất nghĩa trang tập trung ở Hòa Sơn cho các dự án trên địa bàn thành phố; đồng thời ưu tiên hỗ trợ cho khu nghĩa trang mới thuộc giáo xứ Cồn Dầu với tổng số tiền 510 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng tại nghĩa trang theo nghi thức riêng của giáo xứ.
Qua đó, có hơn 1.400 ngôi mộ thuộc giáo xứ Cồn Dầu đã được người dân di dời vào nơi mới, chỉ còn 81 ngôi mộ ở khu vực Cồn Dầu người dân vẫn không đồng ý di dời để bàn giao mặt bằng. Rất nhiều lần, chính quyền các cấp đã vận động, tuy nhiên những gia đình, người thân của những ngôi mộ này cố tình chống đối, đóng cửa không tiếp và không nhận bất cứ giấy tờ liên quan đến việc di dời những ngôi mộ này.
Trước tình trạng trên, UBND quận và phường đã phối hợp với Hội đồng Giáo xứ địa phương tiến hành di dời 81 ngôi mộ nói trên vào khu nghĩa trang mới và xây dựng những ngôi mộ này bằng đá hoa cương và có bia mộ đầy đủ hơn so với những ngôi mộ xây bằng gạch vữa trước đó. Vì vậy, việc ông Trần Thanh Cát cho rằng, địa phương cưỡng chế hàng trăm mồ mả người thân của ông là hoàn toàn không có cơ sở.
Liên quan đến việc các hộ ở khu vực Cồn Dầu yêu cầu bố trí tái định cư tại chỗ, ông Phan Tấn Tuyền, Chánh Thanh tra thành phố Đà Nẵng khẳng định: Yêu cầu của bà con là không đúng, đề nghị bà con suy nghĩ lại và cần có cái nhìn đầy đủ, thông thoáng hơn để tạo sự đồng thuận và cùng địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. “Cấp phường là cấp cơ sở, bà con ở phường Hòa Xuân, sau giải tỏa cũng đã được bố trí tái định cư tại phường Hòa Xuân chứ đâu có đưa bà con đi nơi khác đâu… mà nói là thành phố không bố trí tái định cư tại chỗ”, ông Tuyền giải thích.
Ngoài ra, đại diện các cấp chính quyền địa phương và các ban, ngành có liên quan cũng đã giải đáp thấu tình, đạt lý trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan đối với những ý kiến khác mà đại diện các hộ dân đã nêu ra tại buổi đối thoại.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại buổi đối thoại, 10 hộ dân đại diện cho 62 hộ dân khiếu kiện ở Cồn Dầu đã trao đổi rất thẳng thắn các vấn đề có liên quan với thái độ bình tĩnh, nghiêm túc và luôn lắng nghe. Tuy nhiên, sau khi nghe đại diện các ban, ngành, địa phương của thành phố Đà Nẵng giải thích trên tinh thần cởi mở, khách quan và đúng với quy định của pháp luật hiện hành, đại diện các hộ dân đã lấy lý do là “trình độ hạn chế” nên không tranh luận trở lại nhưng cũng không nhất trí với nội dung trả lời của các cơ quan, ban, ngành thành phố Đà Nẵng; đồng thời tiếp tục đề nghị được xem xét bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định tại Nghị định số 69/2004/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ và yêu cầu được bố trí tái định cư tại chỗ.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT, Phó Trưởng đoàn công tác liên ngành, khẳng định: Việc tổ chức đối thoại được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đoàn công tác liên ngành ghi nhận toàn bộ ý kiến phát biểu của các cơ quan, ban, ngành thành phố Đà Nẵng, UBND quận Cẩm Lệ, UBND phường Hòa Xuân và các ý kiến phát biểu của các hộ dân khiếu nại tại buổi đối thoại. Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu thu thập và kết quả buổi đối thoại cũng như các lần đi kiểm tra thực tế ở cơ sở (Cồn Dầu), Đoàn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết với Bộ trưởng Bộ TN&MT để có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Bài và ảnh: NGỌC KHANG HUY