Việc thực hiện luân chuyển sách, báo về các điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐ-VHX) rất cần thiết nhằm góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa thông tin giữa thành thị và nông thôn.
Các em thiếu nhi đọc sách, truyện tại phòng đọc sách tại thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. |
Thiếu điểm đọc sách, báo
Theo thống kê của Thư viện Tổng hợp thành phố năm 2013, các địa điểm đọc sách, báo tại các quận, huyện vùng ven của Đà Nẵng khá ít. Huyện Hòa Vang có 2 thư viện xã, 5 phòng đọc thôn, 15 tủ sách văn hóa, 9 bưu điện văn hóa và 11 tủ sách pháp luật. Trong khi đó, quận Cẩm Lệ chỉ có 4 phòng đọc phường, 6 tủ sách pháp luật. Tổng số bản sách huyện Hòa Vang hiện có 17.110 bản, 45 đầu báo, tạp chí; 25.890 lượt độc giả được phục vụ. Con số này tại quận Cẩm Lệ lần lượt tương ứng là 7.000 bản; 40 đầu báo, tạp chí; 18.260 lượt độc giả được phục vụ.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hòa Vang nói: “Về cơ bản, các địa điểm phục vụ sách, báo trên địa bàn huyện phần nào có tín hiệu vui khi người dân (nhất là người cao tuổi và học sinh) đến đây thường xuyên để tìm hiểu thông tin. Nhu cầu lớn trong khi toàn huyện có 118 thôn nhưng chỉ có hơn 30 địa điểm phục vụ người dân. Thế mới thấy tình trạng “đói thông tin” của người dân nông thôn”.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Tổng hợp thành phố cho rằng, việc luân chuyển sách về vùng quê, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho người dân được Thư viện Tổng hợp thành phố thực hiện lâu nay. “Năm ngoái, chúng tôi luân chuyển 45.000 lượt sách, báo, tạp chí cho huyện Hòa Vang; 25.215 lượt cho quận Cẩm Lệ; 18.698 lượt cho quận Sơn Trà. Tuy nhiên, công tác luân chuyển gặp nhiều khó khăn vì không có xe vận chuyển, các tổ phong trào phải tự thực hiện. Hơn nữa, nguồn nhân lực cấp cơ sở không có, chủ yếu là các đoàn thể như Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đảm nhận quản lý trên tinh thần tự nguyện nên công tác quản lý thật sự chưa hiệu quả”, ông Thái cho biết thêm.
Điểm sáng cho văn hóa đọc
Mới đây, liên Sở VH-TT&DL, Thông tin - Truyền thông; liên ngành Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố và Bưu điện thành phố phối hợp tăng cường đẩy mạnh hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm BĐ-VHX. Ông Phạm Hồng Thái cho biết, công tác này được triển khai từ năm 2008 nhưng chưa hiệu quả. Nay có sự phối hợp giữa các sở, ngành thì phong trào sẽ mạnh hơn, trước mắt triển khai ở 9 địa điểm BĐ-VHX của huyện Hòa Vang. Việc dành một khu trong bưu điện xã cho bạn đọc là rất hợp lý, vì địa điểm này nằm ngay trung tâm xã, người dân vào giao dịch hay đi qua dễ thấy hơn. Thêm nữa, nếu điểm đọc thuộc bưu điện xã thì khắc phục được những hạn chế trong công tác quản lý.
Trong khuôn khổ của chương trình phối hợp, hai bên sẽ thực hiện luân chuyển từ 200-300 bản sách/điểm BĐ-VHX/lần luân chuyển và thực hiện luân chuyển sách mỗi quý một lần. Số lượng ấn bản/tên sách: ít nhất 1-2 bản/tên sách. Thư viện phối hợp với bưu điện thực hiện việc luân chuyển sách, báo từ thư viện đến các điểm BĐ-VHX trong chương trình và ngược lại; tổ chức lớp học bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại điểm BĐ-VHX cho các nhân viên làm việc tại các điểm BĐ-VHX.
“Chúng tôi dựa trên tình hình nhu cầu thực tế tại từng địa phương để luân chuyển tài liệu (sách, báo in) theo hướng thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người dân. Cụ thể, tập trung sách, truyện tranh cho các em thiếu nhi vốn thiếu thốn về nhu cầu giải trí; các vùng trồng trọt, chăn nuôi sẽ được cung cấp các tài liệu hướng dẫn hợp lý... Để các điểm BĐ-VHX trở thành điểm tựa thực hiện các chính sách về nông thôn mới, chúng tôi hy vọng các sở, ban, ngành liên quan phối hợp thật tốt; đề nghị Sở VH-TT&DL quan tâm hơn đến vấn đề này, hỗ trợ kinh phí để thư viện bổ sung sách cho kho luân chuyển, làm phong phú vốn sách, báo, tạp chí”, ông Phạm Hồng Thái cho biết thêm.
Còn theo ông Nguyễn Thúc Dũng, đẩy mạnh hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm BĐ-VHX là tín hiệu vui cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, về lâu dài cần đầu tư văn hóa đọc hơn nữa. Nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay, Nhà nước không thể lo hết được. Riêng Hòa Vang với 118 thôn thì lấy đâu ra kinh phí để đầu tư các “thư viện” thu nhỏ tại mỗi thôn? Vì thế, hướng đi của Hòa Vang là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nếu mỗi thôn có nhu cầu thiết thực thì chọn địa điểm làm phòng đọc sách, báo; các khối đoàn, hội hoặc người dân tham gia quản lý, Nhà nước sẽ cung cấp sách, báo cho những địa điểm này.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ