Nhiều năm nay, mô hình “Một hướng, hai quản, ba tự giác” do phường Hòa Khê, quận Thanh Khê thực hiện đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) tại địa phương tái hòa nhập cộng đồng.
Trung tá Phan Văn Tư (thứ 2, từ phải sang) - đại diện mô hình “Một hướng, hai quản, ba tự giác” chia sẻ về mô hình tại Hội nghị tuyên dương điển hình giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng toàn thành phố tháng 7, vừa qua. |
Trung tá Phan Văn Tư - Trưởng Công an phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, một trong những người tâm huyết với mô hình “một hướng, hai quản, ba tự giác” cho biết, mô hình là thành quả chung của Đảng bộ, Công an phường, của các ngành, đoàn thể tại phường Hòa Khê. Thời gian đầu, việc triển khai mô hình gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, qua thời gian với kinh nghiệm và tâm huyết của những người thực hiện, quan trọng nhất là nhờ sự đồng thuận từ chính quyền đến người dân nên những trở ngại cũng dần được hóa giải.
Với mô hình này, từ năm 2002 đến nay, phường Hòa Khê đã tiếp nhận 78 người CHXAPT trở về cư trú tại địa phương, thì 25 người đã được xóa án tích; hỗ trợ giới thiệu việc làm 68 người, trong đó 53 người đã có việc làm ổn định. Điển hình có thể kể đến trường hợp anh Phan Văn Tiến, hiện đang làm bảo vệ cho siêu thị BigC, anh Nguyễn Văn Nhân hiện làm vệ sĩ, anh Tiêu Phi Kiệt làm nhân viên sửa xe… Bên cạnh đó, phường còn hỗ trợ vay vốn giúp nhiều người CHXAPT phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
Các nội dung của mô hình “một hướng, hai quản, ba tự giác” được đánh giá là mạch lạc, thiết thực và đã cho thấy hiệu quả thực tế. Cụ thể, “một hướng” là hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người CHXAPT trở về địa phương có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân và gia đình, giảm bớt thời gian rảnh rỗi, lêu lổng dễ tái phạm hành vi phạm tội. “Hai quản” là quản lý chặt chẽ việc đi lại của người CHXAPT trở về địa phương. Theo Trung tá Phan Văn Tư, việc thực hiện nội dung “hai quản” này phải thật tế nhị, vì người CHXAPT khi trở về địa phương thường rất mặc cảm với cộng đồng, không nên làm theo kiểu như theo dõi tội phạm, dò xét, cứng nhắc. “Chung quy lại, cần quản chặt mà lỏng, lỏng mà chặt”, Trung tá Tư nói.
Còn “ba tự giác” là hằng tháng, thông qua công tác kiểm danh, kiểm diện, những người CHXAPT trước hết sẽ được hướng dẫn tự viết cam kết tự giác chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; thứ hai là tự giác tố giác tội phạm. Đây là nội dung rất hiệu quả bởi vì những người CHXAPT có nhiều mối quan hệ với các đối tượng có thể có hành vi phạm tội, đối tượng hình sự, nên có thể cung cấp cho địa phương những thông tin rất giá trị; thứ ba là tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cam kết không sử dụng và tàng trữ các loại vũ khí.
Những năm gần đây, mô hình “Một hướng, hai quản, ba tự giác” đặc biệt phát huy tác dụng khi phối hợp với mô hình “Câu lạc bộ vươn lên” của Đoàn thanh niên phường. Sự kết hợp này đã góp phần tích cực giúp đỡ nhiều thanh niên trên địa bàn có quá khứ lầm lỡ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn hiện tại đối với việc thực hiện mô hình “Một hướng, hai quản, ba tự giác” là việc quản lý hoạt động của người CHXAPT trên địa bàn vì không thể theo dõi, bám sát thường xuyên, nên không tránh khỏi việc một số thông tin bị vượt khỏi vòng kiểm soát; Việc phối hợp giữa các ngành, đoàn thể đôi khi chưa thật nhịp nhàng, thiếu chủ động; nguồn vốn hỗ trợ người CHXAPT làm kinh tế còn khá eo hẹp…
Tuy nhiên, theo những người tâm huyết với công tác giúp người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng thì, trở ngại lớn nhất đối với công tác giúp họ tái hòa nhập là sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng. Với người từng có quá khứ lầm lỡ, họ cần biết bao cái nhìn bao dung độ lượng, yêu thương từ cộng đồng…
Bài và ảnh: NGỌC DUNG