Niềm hạnh phúc vô bờ bến, sự biết ơn sâu sắc khi được sống trong những ngôi nhà đầy ắp nghĩa tình mà Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ là cảm nhận chung của các gia đình chính sách.
* Ông Đinh Hữu Nam (1962, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), con liệt sĩ Đinh Yên, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ:
“Chúng tôi đã có nhà kiên cố”
Chúng tôi được sống trong nhà mới 2 tháng nay. Nếu không có nguồn hỗ trợ từ chương trình sửa chữa nhà cho gia đình chính sách, có thể đến hôm nay tôi cũng chưa làm được nhà. Hiện nhà tôi có gác lửng được đổ bê-tông, hai con trai có phòng ngủ riêng, vợ tôi có căn bếp sạch sẽ như mong ước, có chỗ thờ tự khang trang. Trước đây, ở căn nhà cũ, tường ẩm mốc, các con cũng ngủ tạm dưới nền nhà nên có khách vào thì rất ngại. Căn nhà 70m2 được sửa chữa với tổng kinh phí 50 triệu đồng. Trong đó, thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng và Đoàn Thanh niên địa phương giúp 10 ngày công. Ngôi nhà vừa đủ để gia đình chúng tôi sinh hoạt. Bản thân tôi làm thợ xây dựng, vợ nội trợ, gia đình vừa thoát nghèo từ năm ngoái, nay có nhà ở kiên cố, tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn đến Nhà nước đã quan tâm tới những người có công cách mạng.
* Bà Đặng Thị Vàng (SN 1934, thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), gia đình có công cách mạng:
Yên tâm khi mùa mưa bão đến
Nhà tôi được xây dựng cách đây hơn 30 năm nên xuống cấp nghiêm trọng. Nhà ẩm thấp, gỗ bị mối ăn mục nát. Bão đến thì bay ngói, bay tôn, sụp đổ nhiều nơi; mưa tới thì lo dột nát… Đến khi được Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa chữa căn nhà, tôi mừng lắm! Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều đến đời sống của chúng tôi. Mùa mưa bão này chúng tôi yên tâm rồi…
* Ông Nguyễn Đức Bảy (SN 1965, thương binh hạng 4/4, số 160 Chúc Động, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu)
Ngôi nhà kỳ tích
Năm nay, hộ ông Bảy được thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Nhận được tiền, hai vợ chồng vui mừng khôn xiết nhưng nhẩm đi tính lại, riêng tiền công thợ đã tốn hơn chục triệu đồng. Sẵn có nghề thợ nề, ông Bảy quyết định sẽ tự xây dựng chính ngôi nhà của mình. Hai vợ chồng làm quần quật từ 6 giờ đến 22 giờ, bữa ăn sáng luôn là gói mì tôm bỏ thêm cơm cho đầy bụng. Hằng đêm, vợ chồng ông lại lụi cụi đi đập gạch xin được của một trường tiểu học gần nhà hoặc từ các công trình. Tiết kiệm từng đồng là vậy nhưng ngôi nhà 55m2 xây xong cũng chỉ có 8 trụ, 4 bức tường gạch không tô, cũng chẳng có cửa.
Đầu tháng 8 vừa qua, thấy hoàn cảnh gia đình ông quá khó khăn, thành phố đã hỗ trợ thêm 10 triệu đồng và quận Liên Chiểu hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để tiếp tục sửa chữa nhà, kịp hoàn thành trước mùa mưa bão. Bà Tôn Nữ Thị Hồng, vợ ông Bảy, bộc bạch: “Nghe tin nhận được tiền, cả nhà mừng đến nỗi không ăn được cơm. Thằng con tôi nằm lăn ra trên nền đất vừa cười vừa khóc rồi nói rằng giờ chỉ thấy nhà thôi, không thấy ba mẹ đâu hết. Nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước, chắc cả đời chúng tôi sẽ mãi sống như vậy. Ai cũng bảo, ngôi nhà này là ngôi nhà kỳ tích…”.
Hiện tại, ông Bảy vẫn làm thợ nề, bà Hồng bán dây cột tóc nay đây mai đó tại các chợ với thu nhập mỗi ngày chỉ vỏn vẹn khoảng 50.000 đồng. Đầu năm 2013, gia đình ông Bảy không có tên trong diện nghèo nữa, thẻ BHYT dành cho hộ nghèo của bà Hồng cũng bị cắt. Bà kể, hiện tại, mỗi ngày bà đều chạy từng đồng mới mua được 10.000 đồng tiền thuốc trị cao huyết áp chia đều cho hai lần uống. Số tiền mua bảo hiểm 600.000 đồng với gia đình bà lúc này là điều không tưởng. Mong ước lớn nhất của hai vợ chồng ông Bảy bây giờ là bà Hồng có thẻ BHYT và được tạo điều kiện vay vốn để làm ăn.
* Bà Phạm Thị Mãi (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang):
Mừng đến khóc!
Ông nhà tôi tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi đến khi giải phóng nên không biết chữ. Hết chiến tranh, ông về nhà làm nông, phụ hồ, chắt chiu từng đồng rồi xây dựng căn nhà hồi năm 1977. Không có nhiều tiền, vợ chồng cất tạm căn nhà vỏn vẹn chiều rộng 3m. Mùa lụt hằng năm, nước tràn vào nhà. Nhưng lũ còn đỡ, bão đến thì nhà tôi trống không, mái tốc, tường gạch sụp bốn góc. Hai, ba năm nay, mỗi mùa bão, cả gia đình lại lo đùm hết đồ đi qua ở nhờ nhà hàng xóm… Hôm Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, tôi mừng đến khóc. Nhờ Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, gia đình tôi mới có căn nhà khang trang như thế này. Tôi vô cùng biết ơn…
* Anh Hồ Việt Tiến, con liệt sĩ Hồ Khánh Dư (124 Hải Hồ, quận Hải Châu):
Hỗ trợ 20 triệu đồng hay 40 triệu đồng/nhà?
“Trước đây, tôi sống trong căn nhà xuống cấp, nền nhà thấp hơn mặt đường đến nửa mét nên mỗi khi có mưa thì trong nhà phải lội nước. Bản thân tôi và vợ không có việc làm ổn định nên năm nay chúng tôi quyết định bán 1/3 miếng đất đang ở để lấy tiền xây lại nhà mới. Ngôi nhà có diện tích 120m2, tổng kinh phí 1 tỷ đồng. Trong đó, hưởng lợi từ chương trình xây nhà cho gia đình chính sách, tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng. Được bao nhiêu tôi cũng rất quý trọng và chân thành cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước. Tuy nhiên, tôi có một thắc mắc là vì sao nhà bà con của tôi ở tỉnh Quảng Nam, cũng thuộc gia đình chính sách, nhưng khi xây dựng nhà mới hoàn toàn thì được hỗ trợ đến 40 triệu chứ không phải 20 triệu đồng như tôi”.
Phóng viên Báo Đà Nẵng đã gửi thắc mắc của anh Tiến đến cán bộ phụ trách công tác LĐ-TB&XH phường Thanh Bình (quận Hải Châu) và được biết: “Trước đây, Đà Nẵng áp dụng mức hỗ trợ 15 triệu đồng/nhà đối với việc xây mới hoàn toàn nhà thuộc diện chính sách. Từ năm 2013 đến nay, mức hỗ trợ nâng lên 20 triệu đồng/nhà. Hộ anh Hồ Việt Tiến nằm trong đợt đầu tiên hưởng mức hỗ trợ 20 triệu đồng này. Không có mức 40 triệu đồng/nhà tại địa bàn Đà Nẵng, vì trên địa bàn thành phố đã xóa hết nhà tạm và hư hại nặng”.
T.HOA - T.ANH - B.AN thực hiện