Sáng 15-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 14 về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng đánh giá tình hình tham nhũng năm 2014 của Chính phủ vẫn chung chung. “Hằng năm chúng tôi đều đề nghị làm rõ địa chỉ bộ, ngành, địa phương chưa làm tốt về công tác phòng chống tham nhũng nhưng báo cáo năm nay cũng chưa làm rõ được” - ông Quyền nói.
Ngoài ra, theo ông Quyền, việc minh bạch tài sản còn hình thức, đặc biệt việc công khai, kê khai bản thu nhập tài sản không có tác dụng gì nhiều trong việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Việc thu hồi tài sản qua thanh tra, kiểm toán thấp, chỉ đạt trên 10%; công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng kiểm toán - thanh tra - điều tra xử lý tham nhũng còn những bất cập, chưa tốt.
“Việc phát hiện tham nhũng ở các địa phương, các cơ quan tổ chức, đơn vị gần đây rất ít, càng gần Đại hội Đảng có vẻ như càng “chìm” đi, rất cần phải mổ xẻ, làm rõ. Các vụ án phát hiện năm nay chủ yếu vẫn từ thôn, xã, tham nhũng vặt thôi còn các vụ án lớn đã ít phát hiện hơn” - ông Quyền nhận định.
Một số ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn với hiện tượng những vụ việc tham nhũng khi vừa phát hiện thì đối tượng lại được giám định thần kinh, có chứng nhận rối loạn tâm thần và được tạm miễn truy cứu. Vấn đề này cũng cần được làm rõ xem tính xác thực của bệnh tình để tránh trở thành sơ hở để đối tượng tham nhũng lách luật. Nhiều ý kiến cho rằng, việc phòng chống tham nhũng năm nay vẫn chưa có bước chuyển biến, đột phá trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả là do công tác thu hồi tài sản thiệt hại còn đạt kết quả thấp. Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề nghị: “Năm nào các đồng chí cũng nói là kiến nghị thu hồi chỉ có 10% thôi. Tôi cho rằng công tác phòng chống tham nhũng quan trọng nhất là phải thu hồi tài sản. Phải chăng 90% kia là kiến nghị không đúng, hoặc kiến nghị nhưng để đấy. 90% số tài sản ấy mà lại không được thu hồi, như thế vẫn để cho vi phạm và những hành vi tội phạm tồn tại. Cuối cùng tài sản của Nhà nước và nhân dân không được thu hồi. Chúng ta phải bàn đến biện pháp như thế nào đó để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản”.
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong khẳng định báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 do Thanh tra Chính phủ xây dựng chưa phản ánh đúng quyết tâm và thực tế khiến nhiều đại biểu băn khoăn, nghi ngờ. Ông Phong đề nghị các ngành phải điều chỉnh lại về con số khởi tố hình sự, chứ không thể mỗi ngành nói một kiểu, dẫn tới phản ánh một bức tranh chưa đầy đủ. “Thống kê của Thanh tra Chính phủ chưa đầy đủ, chứ theo thống kê của chúng tôi thì tổng số tài sản thu hồi năm nay từ các đối tượng tham nhũng chiếm đoạt là 12,3%, chứ không phải chỉ hơn 10% đâu. Tất nhiên con số này so với năm ngoái cũng nhích lên không đáng kể” - ông Phong nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khẳng định tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, trong khi đó việc định tội vẫn còn tình trạng không chính xác, thậm chí đi theo hướng tội nhẹ hơn, giảm đi nên dễ gây bức xúc.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, đối với việc minh bạch tài sản, thu nhập, trong năm 2013 có 944.425 người đã kê khai tài sản thu nhập. Số người chậm kê khai tài sản thu nhập trong năm là 6,9 nghìn người. Có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản thu nhập, trong đó đã có 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai tài sản thu nhập không trung thực và 6 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm thời hạn trong minh bạch tài sản thu nhập.
B.T tổng hợp