.

Khi cán bộ Công đoàn làm "luật sư"

.

Lần đầu tiên, cán bộ Công đoàn được cử hỗ trợ pháp lý và đại diện cho người lao động (NLĐ) để tranh tụng trước tòa. Trong vai trò của một “luật sư”, cán bộ Công đoàn đã làm tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Trong ảnh: Ông Trương Ngọc Hùng, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ thành phố bảo vệ quyền lợi người lao động trước tòa án.
Trong ảnh: Ông Trương Ngọc Hùng, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ thành phố bảo vệ quyền lợi người lao động trước tòa án.

Từ trang bị kiến thức, kỹ năng…

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ là nhiệm vụ xuyên suốt của tổ chức Công đoàn. Để làm được điều đó, các cấp Công đoàn xác định công tác trang bị kiến thức, kỹ năng cho NLĐ là một trong những chìa khóa quan trọng nhằm giúp NLĐ có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình.

Để triển khai công tác này, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố thường xuyên mở các lớp tuyên truyền về pháp luật lao động, Luật Công đoàn; tuyên truyền phòng, chống ma túy, tội phạm, an toàn giao thông… nhằm trang bị kiến thức tổng hợp về pháp luật và xã hội cho NLĐ. Từ đầu năm 2014 đến nay, các cấp Công đoàn đã tổ chức 18 lớp tuyên truyền cho 4.500 lượt NLĐ. Hầu hết các lớp tuyên truyền đều nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công nhân lao động.

Một hoạt động được LĐLĐ thành phố chú trọng là tư vấn và đối thoại pháp luật trực tiếp cho công nhân lao động. Đây là cách làm mới và đem lại hiệu quả cao, được LĐLĐ thành phố triển khai từ cuối năm 2013. Với hình thức tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp cho NLĐ, LĐLĐ thành phố xác định không đợi NLĐ tìm đến mỗi khi đã xảy ra tranh chấp lao động, không đợi những lá đơn cầu cứu gửi đến, Công đoàn chủ động tìm đến với NLĐ nhằm giải tỏa những vướng mắc trong việc thực hiện chế độ, chính sách để có thể “nắm tay, chỉ việc” nhằm giúp họ biết phải làm gì những lúc quyền lợi bị ảnh hưởng. Trong năm 2013, có 8 buổi đối thoại tư vấn trực tiếp cho NLĐ được tổ chức. Riêng 9 tháng đầu năm 2014, đã tổ chức 10 buổi cho 2.215 NLĐ, góp phần hạn chế tranh chấp lao động, đình công xảy ra, xây dựng quan hệ lao động ổn định tại doanh nghiệp.

Mục đích cuối cùng của các hoạt động trên là nhằm trang bị cho NLĐ những kiến thức cơ bản nhất để họ có thể tự bảo vệ lợi ích của mình. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp, Công đoàn không chỉ tuyên truyền, tư vấn “suông” mà còn tiến hành các hoạt động để bảo vệ NLĐ khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Đơn cử như việc LĐLĐ thành phố cử cán bộ giúp NLĐ viết đơn kiện Công ty CP Thương mại dịch vụ Đà Nẵng do công ty nợ lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc và cố ý trì hoãn việc trả nợ, giải quyết chế độ cho NLĐ.

Đến việc làm hoàn toàn mới

Tất cả những việc làm trên chỉ là cán bộ Công đoàn đứng sau NLĐ, là chỗ dựa cho NLĐ trên con đường bảo vệ pháp luật của mình. Tuy nhiên, đó là chuyện của những năm về trước. Từ khi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn 2012 có hiệu lực thi hành, cán bộ Công đoàn đã mạnh dạn thực hiện việc đại diện cho NLĐ khởi kiện tại tòa án.

Điều 10 Luật Công đoàn 2012 quy định “Công đoàn có trách nhiệm đại diện cho NLĐ khởi kiện tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ bị xâm phạm và được NLĐ ủy quyền”. Tại Điều 10 Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10-5-2013 cũng quy định Công đoàn có quyền đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện tại tòa án khi quyền lợi bị xâm phạm. Với quy định này, cán bộ chuyên trách Công đoàn có thể trở thành “luật sư” bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Thời gian qua, LĐLĐ thành phố đã làm một việc xưa nay chưa có tiền lệ là cử cán bộ chuyên trách Công đoàn đại diện cho NLĐ trước tòa án. Đơn cử như trường hợp ông Lê Lộc kiện Công ty CP Khí công nghiệp và hóa chất Đà Nẵng vì công ty không giải quyết các chế độ cho ông theo đúng quy định khi ông nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động. Ông Lê Lộc đã tìm đến LĐLĐ thành phố và nhờ giúp đỡ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Ngọc Hùng, Trưởng ban Chính sách-Pháp luật, LĐLĐ thành phố cho biết: “Đây là lần đầu tiên LĐLĐ thành phố làm công việc này. Là người được giao nhiệm vụ thực hiện, tôi cảm thấy áp lực khá nặng. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu nhằm có được những lý lẽ bảo vệ NLĐ. Thật không dễ dàng khi mình phải “đối đầu” với những luật sư có nghề, có kinh nghiệm. Tuy nhiên, với niềm tin vào sự thật, dựa vào những quy định của pháp luật, tôi đã cùng NLĐ đi đến cuối cùng của vụ án và những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ được bảo vệ”.

Theo kết luận của Tòa án Nhân dân quận Liên Chiểu, Công ty CP Khí công nghiệp và hóa chất Đà Nẵng phải chi trả trợ cấp thôi việc, hoàn thành thủ tục xác nhận và trả sổ bảo hiểm xã hội cho ông Lê Lộc. Ông Hùng khá tự hào với kết quả xét xử nhưng cũng rất khiêm tốn: “Chúng ta không ai mong muốn NLĐ bị xâm hại về quyền lợi. Khi quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng, NLĐ tìm đến Công đoàn, Công đoàn có thể đại diện NLĐ tranh tụng trước tòa là một quy định rất thiết thực, phù hợp với thực tế quan hệ lao động”.

Có thể nói, kết quả của vụ kiện trên như “phát súng” mở màn khẳng định NLĐ hoàn toàn có thể tin tưởng vào tổ chức Công đoàn. Và, với những thay đổi của pháp luật, vai trò của cán bộ Công đoàn đang ngày càng được khẳng định trong việc đại diện cho NLĐ khi quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm.

PHAN HÀ

;
.
.
.
.
.