.

Khó khăn trong quản lý người sau cai nghiện

.

Tại Đà Nẵng, thời gian qua, tình trạng người nghiện và sử dụng ma túy (MT) đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Công tác quản lý người sau cai nghiện (gọi tắt là người sau cai) còn nhiều bất cập, thể hiện qua việc số tái nghiện còn chiếm tỷ lệ cao. Nếu không có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt với đối tượng này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT).

Nếu giải quyết cơ bản vấn đề việc làm cho người sau cai sẽ góp phần hiệu quả trong việc quản lý các đối tượng này. Trong ảnh: Phạm nhân lao động tại Trại tạm giam Hòa Sơn. (Ảnh minh họa)
Nếu giải quyết cơ bản vấn đề việc làm cho người sau cai sẽ góp phần hiệu quả trong việc quản lý các đối tượng này. Trong ảnh: Phạm nhân lao động tại Trại tạm giam Hòa Sơn. (Ảnh minh họa)

Nhiều khó khăn…

Theo ông Lê Kim Khánh, Chi Cục phó Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố, hiện nay trên toàn địa bàn thành phố có 470 người sau cai trở về nơi cư trú, chiếm 25% số người nghiện. Qua công tác quản lý, giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai tại nơi cư trú, đã có 338 người tiến bộ, 76 người chưa tiến bộ và 42 người có nguy cơ tái nghiện cao. “Bên cạnh việc xây dựng, nhân rộng một số mô hình mang lại hiệu quả ở một số nơi thì công tác quản lý người sau cai tại nơi cư trú, giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra”, ông Khánh nói.

Theo đó, một số người sau cai thường xuyên vắng nhà, một số đối tượng khác nằm trong diện di dời giải tỏa nên nơi cư trú không ổn định… khiến việc kiểm soát và quản lý gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Anh Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu), đồng tình với nhận định trên và cho biết thêm, những đối tượng sau cai thường có sự tự ti nên không phải ai cũng có thể tiếp cận, do đó ít có điều kiện trao đổi hay nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của mỗi người.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai chưa đáp ứng thực tế, một số gia đình và chính bản thân người sau cai vẫn còn tư tưởng chưa thực sự hợp tác với cơ quan chức năng. Cùng với đó, vẫn còn sự kì thị của một số người xung quanh với người sau cai khiến công tác giám sát, quản lý và hỗ trợ người sau cai ở nơi cư trú còn khó khăn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong quản lý người sau cai chính là vấn đề tạo việc làm phù hợp cho họ. Theo thống kê, hiện còn 155/470 người (chiếm 33%) hiện chưa có việc làm, số còn lại đều chưa có việc làm ổn định.

“Đa số người sau cai đều chưa có việc làm ổn định, do đó rất dễ dẫn tới tình trạng số người tái nghiện tăng cao, trong khi hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực, vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể của một số bộ, ngành nên khó đưa được người nghiện vào cơ sở cai nghiện tập trung bắt buộc. Do đó, công tác quản lý người sau cai và kể cả người mới nghiện hay những người tái nghiện hiện đang ở cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn và điều này làm cho tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội (TNXH) phức tạp hơn so với trước đây”, ông Khánh phân tích.

Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc

Tại cuộc họp ngày 20-8 vừa qua với các ngành về tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố 8 tháng đầu năm 2014, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã chỉ đạo thời gian tới, các cấp, ngành, đoàn thể cần vào cuộc quyết liệt, thực hiện tốt 18 biện pháp tăng cường để góp phần làm giảm tội phạm ma túy, trong đó có nhấn mạnh tới nội dung “tăng cường quản lý sau cai”. Bởi theo người đứng đầu của thành phố Đà Nẵng, nếu không làm tốt công tác này thì tỷ lệ người tái nghiện sẽ còn cao và đây sẽ là nguyên nhân làm  gia tăng sự phức tạp về tình hình ANTT trên địa bàn.

Theo đó, để làm tốt chỉ đạo này, điều cần nhất chính là làm sao giải quyết cơ bản vấn đề việc làm cho người sau cai. Bên cạnh đó, cần tăng cường nhân rộng các mô hình có hiệu quả như: Khu dân cư, tộc họ không có tệ nạn ma túy - mại dâm; đẩy mạnh hoạt động của các CLB quản lý người sau cai nơi cư trú ở một số phường trọng điểm…

Đồng thời, thành phố cần sớm triển khai, thành lập đội Công tác xã hội tình nguyện theo Thông tư liên tịch số 24/2012 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính và sớm ban hành một số quy định về chế độ, chính sách về công tác quản lý người sau cai nơi cư trú và đối với cán bộ làm công tác quản lý người sau cai; định kỳ hằng năm hoặc đột xuất kiểm tra công tác quản lý sau cai tại địa phương và tổng kết, đánh giá hiệu quả để làm tốt hơn.

Dự báo số người nghiện ma túy trên địa bàn có khả năng gia tăng trong thời gian tới và đây là thách thức rất lớn đối với công tác phòng, chống TNXH nói chung và phòng, chống tệ nạn ma túy nói riêng. Do đó, cần sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, gia đình và toàn xã hội vào cuộc; sử dụng đồng bộ các biện pháp và tiến hành quyết liệt, thường xuyên, hỗ trợ hết khả năng có thể để tạo điều kiện cho người sau cai tiến bộ, hòa nhập cộng đồng, tránh tái nghiện.

Bài và ảnh: YÊN GIANG

;
.
.
.
.
.