670 triệu đồng, 3 khu vui chơi giải trí, hàng trăm tiếng cười trẻ thơ. Đó là những con số đáng để suy nghĩ về cách Hội LHPN thành phố Đà Nẵng xây dựng khu vui chơi cho trẻ em.
Trẻ em ở thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang thích thú với những trò chơi. |
Hội LHPN thành phố đã vận động mỗi chị em trong Hội đóng góp 5.000 đồng/người, qua đó huy động được 670 triệu đồng. Từ số tiền này, Hội tiến hành xây dựng 3 khu vui chơi giải trí cho trẻ em tại 3 địa điểm: thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang); phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn).
Chia sẻ về vấn đề này, bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu cần có khu vui chơi giải trí cho trẻ em nông thôn và cả trẻ em đô thị, chúng tôi quyết định chọn việc triển khai xây dựng khu vui chơi trẻ em làm công trình thi đua của Hội. Hơn nữa, là những người làm công tác phụ nữ, chúng tôi hiểu rất rõ người mẹ nào cũng muốn con của mình được vui chơi lành mạnh, rèn luyện về thể chất và tinh thần”.
Bà Lĩnh cũng cho biết: “Hôm khánh thành khu vui chơi ở thôn Cẩm Nê và phường Hòa Quý, rất nhiều em nhỏ vào chơi, chúng tôi cảm nhận được các em thiếu thốn nơi vui chơi như thế nào, đồng thời càng thấy ý nghĩa sự đóng góp của chị em và những người góp sức làm nên công trình này”.
Các khu vui chơi nằm trên diện tích 200-300m2, có kết cấu chính với móng bằng bê-tông cốt thép, các trò chơi bằng vật liệu dây thừng, nhựa composite, tre tầm vông… Có khoảng 15 hoạt động trò chơi như: cầu trượt, leo núi bằng lưới, cầu thăng bằng, đánh bốc, cột cứu hỏa, vượt chướng ngại vật, xích đu, xà đơn, xà kép và việc tận dụng những lốp xe cũ, sơn màu lên, rất đẹp mắt…, vừa để các em giải trí, vận động tay chân, lại vừa mang tính trí tuệ, sáng tạo.
Trước khi chọn địa điểm xây dựng khu vui chơi, Ban tổ chức đã khảo sát rất kỹ, chọn nơi gần trường học, đông trẻ em. Tiếp đó, nhờ Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (dự án phi chính phủ), các sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng thiết kế mô hình. Sau đó, tổ chức họp dân và chính quyền xã, phường để trình bày ý tưởng, lấy ý kiến của nhân dân để chỉnh sửa thiết kế phù hợp. “Hơn ai hết, người dân cũng là phụ huynh, họ hiểu thực tế tại địa phương và nhu cầu của con em, nên họ biết cần làm gì cho phù hợp. Thêm nữa, người dân chung tay thì sau này họ cũng góp phần quản lý, bảo vệ, giữ gìn khu vui chơi”, bà Lĩnh nói.
Một khu vui chơi được xây dựng, đầu tư với kinh phí 200 triệu đồng thì có nhanh chóng bị hư hỏng không? Về vấn đề này, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị, người hỗ trợ thiết kế cho biết: “Chúng tôi từng làm công trình tương tự ở phường Cẩm Thanh (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), đến nay đã 3 năm nhưng vẫn còn tốt. Dù vật liệu được sử dụng là tre tầm vông, nhưng đã qua xử lý nên độ bền rất cao. Ở đây, không chỉ tiết kiệm chi phí mà chúng tôi còn muốn hướng các em đến môi trường thiên nhiên thân thiện”.
Công trình khu vui chơi giải trí ở Cẩm Nê đã đưa vào sử dụng được 3 tháng. Đến nay, công tác quản lý lẫn nhu cầu trẻ em đến vui chơi đều đạt hiệu quả. Trưởng thôn Cẩm Nê Nguyễn Hữu Cẩm chia sẻ rằng, từ ngày có khu vui chơi này, trẻ con trong thôn háo hức lắm, cả thôn bên cũng sang chơi.
Về vấn đề đầu tư các khu vui chơi tương tự, bà Lĩnh cho biết, nếu sau một năm, công trình được đưa vào sử dụng hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực thì Hội LHPN thành phố sẽ tiếp tục xin tài trợ, nhân rộng mô hình tại các thôn, phường khác.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ