.

Một đời tận tụy nuôi con

.

Chồng chết để lại cho chị 4 đứa con thơ dại. Tay bồng tay dắt, bụng mang dạ chữa và một đứa bé mới 10 tuổi đầu lẽo đẽo theo sau lưng mẹ là hình ảnh của gia đình chị khi ấy. 15 năm trời chị chỉ có một suy nghĩ duy nhất “phải làm ra tiền để nuôi con”. Gánh nặng con cái chưa khi nào vơi trên đôi vai gầy của người mẹ nghèo. Người phụ nữ can trường ấy chính là chị Nguyễn Thị Phương (SN 1960, tổ 9 An Thị, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà).

Một đời hy sinh vì con, nay chị Phương lại tận tụy chăm sóc các cụ già tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng.
Một đời hy sinh vì con, nay chị Phương lại tận tụy chăm sóc các cụ già tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng.

54 tuổi, 11 nghề

“Trên đời này, cái nghề gì cực nhất, khổ nhất tôi cũng đã từng kinh qua, chỉ có làm “gái” là chưa!”, chị Phương tự ngẫm nghĩ về cuộc đời của mình. 15 năm chồng mất là 15 năm mẹ con chị phải trải qua những tháng ngày quá đỗi gian truân, tủi cực với những bữa cơm chan đầy nước mắt của những đứa con thơ.

Trước đây, khi chưa tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, chị Phương từng làm kế toán cho một công ty chuyên về dệt-may. Sau khi chia tách, chị được phân công về Quảng Nam làm việc nhưng do những khó khăn riêng nên chị đành nghỉ. Rồi chị xin được vào làm kế toán của một ngân hàng nhưng khi chị sinh con thứ 3 thì buộc phải nghỉ việc. Kể từ đó, chị làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ bán hàng tạp hóa, bán trái cây, bán cá, bán rau cho đến phụ hồ, chạy xe thồ, chở hàng trái cây, giúp việc nhà…

Chị nhớ lại: “Tôi nhớ miết hồi đó bó rau muống chỉ có 200 đồng mà cũng không mua nổi. Bữa mô bán hàng được được thì mua bó rau muống về ăn. Một bó rau được chia làm ba bữa: sáng luộc, trưa xào, tối nấu canh. Mấy đứa con vừa ăn vừa khóc vì quá ngán. Thấy con khóc, tôi ám ảnh đến nỗi trong đầu chỉ quẩn quanh hai chữ: rau muống. Rồi tôi tự hỏi chẳng nhẽ cuộc đời của mấy mẹ con chỉ dừng lại ở những bữa ăn như vậy, con mình sao sống nổi”. Nghĩ vậy, chị càng quyết tâm làm việc nhưng chị lại chẳng có “tay buôn” như bao người nên bán thứ gì cũng lỗ. Bán hàng, thấy họ tội tội chị lại bỏ thêm hoặc cho nợ nên mỗi khi kiểm tiền chỉ thấy mỗi lúc một vơi đi chứ chẳng thêm được đồng nào.

Tất cả những cơ cực ấy, người mẹ nghèo một mình gánh chịu và không bao giờ cho con đi làm thêm làm bớt để đỡ đần. Chị bảo, 6 năm làm giúp việc cho người ta, chị quá hiểu những tủi nhục của người đời đối đãi với những người như chị nên vì con chị đành cam chịu.

 “Tôi đã có thể mỉm cười”

Căn nhà nhỏ của mẹ con chị nhờ vào sự giúp đỡ của một tổ chức từ thiện tuy đã khang trang hơn trước nhưng vẫn còn đó nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão đến. “Hôm nào mưa to mình đi làm chưa về hay phải trực đêm là lo như có kiến bò trong ruột. Điện về nhà nói con thôi cứ ngủ, nước vô tới đâu mặc kệ. Sáng mai mấy mẹ con lại hì hụi lau dọn, tạt nước ra”, chị Phương kể.

Những tảo tần hy sinh của chị Phương nay đã được đền đáp xứng đáng khi 4 đứa con đều chăm ngoan, học giỏi và rất thương mẹ. Người con gái đầu đang hạnh phúc với tổ ấm nhỏ của mình và đang công tác tại Công an huyện Hòa Vang; đứa con gái thứ hai hiện là sinh viên năm cuối Sư phạm Lý - ĐH Sư phạm Đà Nẵng; con trai áp út đang là sinh viên năm 2 ĐH An ninh nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và cậu con trai út hiện đang học lớp 10 Trường Hermann Gmeiner.

Bôn ba với hơn chục nghề, 13 năm nay, chị Phương về làm tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng (Sở LĐ-TB&XH). Từ vị trí của một phụ bếp ban đầu, thấy chị chịu thương chịu khó, tận tình chăm sóc các cụ, Ban giám đốc trung tâm đề bạt chị lên làm hộ lý. Trung tâm chỉ vỏn vẹn 22 CBCNV; trong đó, có 8 hộ lý phụ trách chăm sóc 60 cụ già từ 60 tuổi trở lên (22 cụ bất động) quả không phải là điều dễ dàng. Công việc hằng ngày của chị là vệ sinh thân thể cho các cụ, lau dọn phòng ốc, trò chuyện và cho các cụ ăn.

Người già thường khó tính, nay nói mai quên nên với mỗi cụ chị đều nắm rành sở thích của từng người. Chị nghĩ, chăm các cụ cũng như đang chăm một đứa trẻ, phải trò chuyện, dỗ dành thì các cụ mới chịu ăn. Nhiều cụ gọi “chị” xưng “em” với chị, nhiều cụ gọi chị bằng tên thân mật ở nhà là chị Năm. Chị Phương vui vẻ kể: “Hôm nào mình nghỉ, hôm sau đi làm, các cụ cứ hỏi “Sao chị Phương nghỉ? Chị Phương giận gì em à?”. Chăm cho các cụ mỗi ngày nên mình coi các cụ như cha, như mẹ. Có hôm tắm xong cứ ngồi ôm mặt thơm các cụ mãi”.

15 năm đơn độc, nhiều lúc quá mỏi mệt, cô độc, chị lại khóc to như một đứa trẻ để vơi bớt tủi hờn. Khổ là vậy nhưng chưa khi nào chị nghĩ mình sẽ đi bước nữa, bởi chị sợ các con buồn, sợ hình ảnh người mẹ trong lòng các con sẽ không còn như trước. Chị thổ lộ: “Tuy bây giờ vẫn còn phải chạy ăn từng bữa, nhưng so với trước vậy là đỡ cực nhiều rồi. Có một công việc ổn định, các con trưởng thành, tôi giờ có thể mỉm cười mãn nguyện được rồi”. Nói rồi chị chỉ tay về phía những chậu cây cảnh trước nhà, hào hứng nói về viễn cảnh sau khi về hưu, chị sẽ chăm sóc thật tốt cho khuôn viên nhà rợp bóng mát để con cháu có thể thoải mái chạy nhảy nô đùa.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.