.

Nghĩ cùng Hòa Vang

.

Có phải như vậy chăng, ngày hôm nay, khi nói đến câu chuyện “thành phố 5 không” “thành phố 3 có”, nói đến việc xây dựng Đà Nẵng thành “thành phố môi trường”, không ít người vẫn liên tưởng ngay đến những khu phố nội thành với những chiếc cầu mới, những tòa nhà cao tầng bên những đại lộ thảm nhựa bóng loáng ở những khu quy hoạch nội đô, mà ít nghĩ tới, hoặc có thể nói một cách khác là chậm nghĩ tới một vùng đất chiếm tới gần 80% diện tích của thành phố này, nơi đó cũng có biết bao nhiêu điều phải cùng nhau nghĩ suy, trăn trở.

Nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng đã góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn mới ở Hòa Vang. Trong ảnh: Tuyến đường Cầu Đỏ - Điện Hòa đi qua xã Hòa Tiến. Ảnh: V.T.LÊ
Nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng đã góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn mới ở Hòa Vang. Trong ảnh: Tuyến đường Cầu Đỏ - Điện Hòa đi qua xã Hòa Tiến. Ảnh: V.T.LÊ

Vùng đất ấy là huyện nông thôn đất liền duy nhất của thành phố chúng ta. Vùng đất ấy là Hòa Vang.

Tuy nhiên, ít nghĩ tới, hoặc chậm nghĩ tới, chẳng qua cũng chỉ là một cách nói mà thôi.

Có thể nào không nghĩ tới Hòa Vang! Có thể nào không cùng Hòa Vang suy nghĩ một cách nghiêm túc và dài hơi về việc làm sao để có được một Hòa Vang phát triển trong lòng đô thị Đà Nẵng đang gắng sức vươn lên hiện đại, văn minh, có cuộc sống an lành, tốt đẹp!

Những tháng năm này, trái tim mỗi người dân Việt Nam, trong đó có người dân Đà Nẵng như nóng bỏng, sục sôi khi hướng về huyện đảo Hoàng Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng chưa về cùng đất mẹ. Nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi quê hương cha ông giành được tự bao đời, giờ trao lại cho cháu con, vẫn còn đó! Nhưng mặt khác, cũng không thể buông lơi nhiệm vụ xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai với bạn bè khu vực. Vì thế, Hòa Vang vẫn phải là một điểm nhấn trong quy hoạch đầu tư phát triển của thành phố, trong hiện tại và tương lai.

Nông thôn của đô thị hiện đại

Nhớ lại ngày chiến tranh, đất nước còn chia cắt, chỉ một quyển ký sự văn học không thật dày dặn lắm, nhan đề vỏn vẹn chỉ có 2 chữ Hòa Vang, của nhà văn Nguyễn Khải, vậy mà khi phát hành rộng rãi trên miền Bắc lúc ấy, đã làm lay động tâm hồn bao nhiêu bạn đọc. Bởi vì tình cảm với miền Nam, với Quảng Nam-Đà Nẵng “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”, trong đó có Hòa Vang với biết bao cảm phục, mến thương.

Rồi sau năm 1975, thời kỳ bắt tay xây dựng lại quê hương sau 20 năm chiến tranh tàn phá, Hòa Vang cũng có mặt trong những dòng tên thân yêu gắn với mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng được cả nước quan tâm như: Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hòa Vang, Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, v.v..., những tên đất của vùng đồng bằng ven biển miền Trung đang cùng cả nước bước vào thời kỳ sản xuất lớn.

Từ khi chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính độc lập trực thuộc Trung ương vào năm 1997, Hòa Vang càng trở thành “quý hiếm”, càng được chăm chút hơn trên mỗi đường đi nước bước. Thêm một lần chia tách vào năm 2005, từ 19 xã còn 11 xã, trong đó có 4 xã trung du, 4 xã núi, từ 20 vạn dân còn 12 vạn dân. Tuy nhiên, Hòa Vang không hề bị nhỏ đi, mà càng lớn hơn lên bởi sự nhân lên của giá trị đất đai, của chất lượng và hiệu quả thu được về nông nghiệp. Tỷ lệ cơ cấu nông nghiệp trong toàn bộ cơ cấu kinh tế thành phố nhỏ đi, nhưng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn Hòa Vang lại buộc chúng ta phải nghĩ về Hòa Vang trong một tư thế khác. Tư thế của một nông thôn của đô thị hiện đại.

Nghĩ suy cùng Hòa Vang, tìm con đường phát triển cho Hòa Vang là trách nhiệm, là tình cảm của Đảng bộ và nhân dân thành phố hôm nay.

Nội lực của Hòa Vang

Chương trình xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí như “cú hích” để Hòa Vang có cơ hội phát triển toàn diện. Nhưng đó là chuyện của bây giờ.

Với Hòa Vang, hình như còn có những điều hơn thế. Những điều tiềm ẩn trong chiều sâu lịch sử. Nội lực của Hòa Vang được hình thành qua lịch sử đấu tranh của dân tộc. Đất quê hương của danh tướng Ông Ích Khiêm tài ba, của Ông Ích Đường khẳng khái hy sinh vì nghĩa lớn. Có một điều cũng nên nhắc lại: Lâu nay, chúng ta biết nhiều về Tổng đốc Hoàng Diệu, quê gốc Điện Bàn, người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội trước khi lọt vào tay quân Pháp, đó là niềm tự hào của người dân xứ Quảng.

Nhưng không phải ai cũng biết rằng danh tướng Ông Ích Khiêm, quê làng Phong Lệ, có thể được coi là người thay mặt cho dân Hòa Vang đã từng đánh Đông dẹp Bắc, đặc biệt là đã từng được triều đình nhà Nguyễn phái đi chỉ huy đánh tàn quân phiến loạn và thổ phỉ Trung Quốc hồi nửa cuối thế kỷ XIX, khi chúng tràn sang chiếm Cao Bằng, rồi kéo xuống vây Bắc Ninh, định tiến đánh Hà Nội; người đã từng bắn chết tướng phỉ Ngô Côn vào năm 1870.

Sử lại kể tiếp, 8 năm sau, quân phỉ Trung Quốc lại sang chiếm Lạng Sơn, cấu kết cả với quân Pháp, cũng bị Ông Ích Khiêm chỉ huy quân lính đánh cho tan tác; chủ tướng Lý Dương Tài bị đuổi lên Ba Bể và bị bắt sống (1878)(*). Đó là câu chuyện một danh tướng ra đi từ đất Hòa Vang lên đánh giặc phương Bắc trên biên giới đất liền, ở vào thế kỷ XIX.

Gần 100 năm sau, vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX, cũng lại có hàng trăm lượt người dân Hòa Vang đương đầu với sóng to gió lớn, lên đường ra Hoàng Sa, lãnh thổ trên biển để giữ cõi bờ dân tộc. Họ là những dân binh và những người làm công tác khí tượng thủy văn quê Hòa Vang từng có mặt trên đảo Hoàng Sa để giữ đảo và làm nhiệm vụ quan trắc khí tượng thủy văn. Nhiều người trong số họ vẫn đang sống đến hôm nay. Rồi, trong trận chiến quyết liệt giữ đảo Gạc Ma năm 1988, trong số 74 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh anh dũng cũng có tên những người con của Hòa Vang, của Đà Nẵng, của Quảng Nam. Chuyện về Hòa Vang vừa có tính lịch sử truyền thống xa xưa, vừa mang tính thời sự là vậy.

Có người từng nói vui, với hàm ý chúng ta quá cậy nhờ quá khứ: “Ăn truyền thống, sống tiềm năng”. Và cảm thấy chưa hài lòng với hiện tại. Nhưng làm sao không tìm sức mạnh từ quá khứ được! Đất này 2 lần quân xâm lăng đổ bộ, Pháp rồi Mỹ. Sau chiến tranh, thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng trên địa bàn 11 xã của Hòa Vang mới, đã có 9.000 đối tượng chính sách, 4.087 liệt sĩ, 723 Mẹ Việt Nam anh hùng, chỉ 42 Mẹ còn sống; 2 lần Anh hùng trong chiến tranh, Anh hùng thời kỳ đổi mới, 11 xã đều được tặng danh hiệu Anh hùng, 15 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Có xã như Hòa Tiến 3 lần được phong Anh hùng.

Có những câu chuyện độc đáo mà chỉ Hòa Vang mới có. Ngày đất nước chưa thống nhất, đồng bào ta còn chiến đấu gian khổ ở miền Nam, nhiều đợt cán bộ, chiến sĩ từ chiến trường Quảng Đà được ra Bắc công tác hoặc chữa bệnh, đã được dành những tình cảm ưu ái đặc biệt. Tuy nhiên, cũng rất hiếm có trường hợp như đồng chí Mai Ngọc Châu, chính trị viên Huyện đội Hòa Vang lúc ấy, được Bác Hồ cho mời đến tận Phủ Chủ tịch kể trực tiếp cho chính Bác và một số đồng chí Bộ Chính trị nghe suốt một ngày về tình hình bà con Hòa Vang sống và chiến đấu như thế nào trong điều kiện chiến tranh ác liệt.

Buổi trưa được ăn cơm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được bố trí nghỉ lại ngay tại nơi làm việc của Bác để chiều tiếp tục báo cáo. Thế cũng thật là hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất. Một đồng chí cán bộ cấp huyện mà được mời lên gặp Bác và một số đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, dành thời gian làm việc một ngày, dễ gì có được! Trong lần gặp gỡ nghiêm túc, cảm động và ân tình đó, Bác Hồ đã trìu mến gọi Hòa Vang là một chấm son trên bản đồ Tổ quốc. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã làm sống dậy một Hòa Vang mạnh mẽ, quyết liệt, cùng cả nước đi tới ngày toàn thắng.  

Đất và người Hòa Vang trong tương lai

Hòa Vang sẽ là gì trong tương lai? Sẽ là một quận, rồi dưới quận là những phường trong một thành phố với các cao ốc xi-măng cốt thép và những lớp kính cường lực chăng?

Có thể về mặt đơn vị hành chính, hình như đã manh nha những đề án như vậy. Nhưng diện mạo cụ thể - nói nôm na là nhà cửa, vườn tược, đền miếu, lối ngõ... của cái đơn vị hành chính mà trong tương lai sẽ được coi là phường, là tổ dân phố trên mảnh đất Hòa Vang hôm nay, sẽ như thế nào? Quả thật chưa hình dung nổi.

Dịp sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố, lãnh đạo thành phố đã có sáng kiến rất hay là kéo tất cả quan khách về họp ngay tại Hòa Vang, ta quen gọi đó là kiểu hội nghị “đầu bờ”.

Bữa đó, các đại biểu được đưa đi tham quan một số đường làng ngõ xóm và các khu quy hoạch trồng các loại cây theo mô hình sản xuất rau sạch quy mô lớn. Khi đi qua một lối xóm, người hướng dẫn vui vẻ chỉ chúng tôi một khu dân cư được coi là khá mẫu mực; theo đó, nhà đúc bê-tông 2 tầng khang trang, tường ngăn cách giữa các hộ gia đình cũng được xây gạch, tô xi-măng rất đẹp và hiện đại.

Quả cũng thấy thật đáng vui mừng về sự đổi mới của bộ mặt nông thôn. Nhưng sao những người chứng kiến cảnh ấy vẫn cảm thấy tiếc. Tiếc những rặng cây chè tàu được các cụ xưa vẫn trồng quanh sân nhà, xén tỉa cẩn thận, tạo nên một khuôn viên sắc nét không kém những bờ tường xi-măng; tiếc những hàng dâm bụt ngay hàng thẳng lối, kể cả nếu như có một dậu mồng tơi đi nữa thì cũng thật dễ thương như trong câu thơ Nguyễn Bính, nhà nàng ở cạnh nhà tôi - cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn…

Tiếc màu xanh, cái mà nông thôn xưa thừa thãi, nay lại muốn thay thế nó bằng vật liệu xi-măng sắt thép. Cũng thông cảm với một tâm lý có thật: Sau thời gian dài tích lũy, làm lụng vất vả, nay có chút ít thu nhập hoặc có thêm khoản đền bù do giải tỏa, ai cũng khao khát đổi đời, khao khát có ngôi nhà mới bề thế. Chính lúc này, hơn lúc nào hết, cần có chỉ đạo quy hoạch rốt ráo của chính quyền và sự vào cuộc của chuyên gia kiến trúc để Hòa Vang vẫn nằm trong đô thị, vẫn mang dáng dấp đô thị nhưng không tách rời hình ảnh của nông thôn truyền thống.

Chúng ta cần có những mẫu thiết kế nhà nông thôn hiện đại, tiện nghi để nâng mức hưởng thụ không gian sống của bà con, nhưng vẫn mang dáng dấp của ngôi nhà truyền thống. Nhất là, phải giữ lấy màu xanh; xây dựng, phê duyệt quy hoạch những khu dân cư theo mô hình nông thôn sinh thái chứ không chỉ một vài điểm nhấn sinh thái dành cho khách tham quan du lịch như hiện nay.

Hình như tâm lý ở ta vẫn thích kiểu nhà xây và tường bao “hoành tráng” theo kiểu biệt thự đô thị; trong khi đó, nông thôn các nước châu Âu từ lâu vẫn theo phong cách tường bao bằng gỗ, hoặc những rặng cây, hoa. Những nước phát triển ở châu Á, các nước Đông Nam Á quanh ta cũng đang rất tích cực đi theo xu hướng này.

Bên cạnh các xã đồng bằng, Hòa Vang có thế mạnh đặc biệt về rừng. Hòa Vang có trong tay một diện tích rừng đáng nể, chiếm đến 79,84% tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện, có cả rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, đó là chưa nói tới diện tích rừng trồng mới. Nhưng trong xu thế phát triển của Đà Nẵng vươn ra biển, tương lai Hòa Vang vẫn là nông thôn hiện đại của một đô thị biển.

Có kiến trúc sư uy tín của Đà Nẵng đã đề xuất phải “đưa thành phố vào rừng, đưa rừng vào thành phố”. Rừng Hòa Vang vẫn mọc lên, vẫn phát triển. Những khu dân cư hiện đại sẽ dần dần hiện hữu trên những vùng gò đồi, lẫn trong không gian xanh, bên những dòng sông, con suối. Tất nhiên đấy là chuyện của 50 năm nữa, nhưng hoàn toàn không phải là chuyện viển vông. Sẽ hình thành những quy hoạch rừng trong phố, phố trong rừng.

Những điều vừa nói trên mới chỉ là bàn chuyện quy hoạch cảnh quan thiên nhiên, vẽ lại dung mạo thiên nhiên. Điều quan trọng nhất như vẫn thường nói, đó là con người Hòa Vang trong tương lai. Họ vẫn là những con người không xa rời bản sắc truyền thống, đạo đức, mỹ tục truyền thống nhưng dứt khoát phải là những con người làm chủ khoa học kỹ thuật đồng ruộng, cánh rừng, thoát khỏi tâm lý trì trệ “trông trời trông đất trông mây” để tiến tới một nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn công nghiệp hóa, người nông dân là những “công nhân nông nghiệp”.

Như vậy là lại tiếp tục đặt ra một cách bài bản vấn đề nâng cao dân trí, phổ cập và nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức kỹ năng sống, vấn đề dạy nghề cho nông dân, v.v... Hàng loạt những nhiệm vụ đặt ra cho Hòa Vang trên chặng đường mới. Đó chính là những nhiệm vụ nhằm bảo đảm tính bền vững của các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bảo đảm tính thực chất của đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn. Tất cả đòi hỏi sự quyết tâm, ý chí vượt khó, nhưng đồng thời cũng là quá trình phấn đấu bền bỉ, không nóng vội.

Nhưng chúng ta tin, chúng ta hoàn toàn tin vào thắng lợi của công cuộc phấn đấu đầy tính nhân văn này. Bởi vì, tất cả đang và sẽ cùng nghĩ suy, trăn trở với Hòa Vang.

Nhìn quanh trong các nước ASEAN, có Vương quốc Brunei Darussalam, diện tích bằng một nửa thành phố Đà Nẵng, dân số chỉ bằng số dân của Đà Nẵng cũ; riêng diện tích rừng chiếm tới 75%, tỷ lệ rừng tương đương với Hòa Vang. Vậy mà người ta xây dựng vương quốc này thành một trung tâm du lịch có hạng của Đông Nam Á.

Có lẽ một trong những điều hấp dẫn là những bãi biển còn nguyên vẻ hoang sơ, những khu phố hiện đại nhưng được kiến trúc theo kiểu nhà sàn truyền thống độc đáo nằm ngay bên những khu rừng được quy hoạch lại một cách chu đáo. Nếu trong tương lai, ý tưởng xây dựng một khu “Vườn Quốc gia Đà Nẵng”, “Vườn vạn vật Đà Nẵng”, thì khả năng dung chứa được những ý tưởng đó chỉ có thể là Hòa Vang. Hiện nay, chúng ta đang bảo tồn và khai thác bán đảo Sơn Trà. Nhưng cho một quy mô lớn, phải nghĩ tới những khu rừng của Hòa Vang.

BÙI CÔNG MINH


(*) Tham khảo cuốn Quảng Nam-Đà Nẵng của Lâm Quang Thự - Tạ Thị Bảo Kim, NXB Văn hóa, 1983, tr.15.

;
.
.
.
.
.