Công trình Trung tâm Hành chính (TTHC) thành phố Đà Nẵng chính thức khánh thành, đi vào hoạt động đồng bộ kể từ ngày 8-9-2014. TTHC là điểm nhấn mới về kiến trúc, biểu tượng phát triển của đô thị trẻ Đà Nẵng văn minh, hiện đại…
Hệ mái thép vòm cách điệu mũi con tàu cùng ngọn hải đăng từ khối tháp. |
Ngọn hải đăng của thành phố “đầu biển, cuối sông”
Ý tưởng thiết kế kiến trúc công trình TTHC thành phố Đà Nẵng được các kiến trúc sư của Công ty Kỹ thuật kiến trúc Mooyoung Achitects & Engineers (Hàn Quốc) thể hiện nét văn hóa truyền thống gắn liền với sự biểu thị về một thành phố trẻ hiện đại, năng động nơi “đầu biển, cuối sông”. Theo đó, TTHC thành phố lấy ý tưởng ngọn hải đăng “dẫn đường” trên nền phần đế mang hình dáng chiếc thuyền kết hợp với mái hình cánh buồm vươn ra biển lớn.
Công ty Kỹ thuật kiến trúc Mooyoung Achitects & Engineers là đơn vị tư vấn thiết kế có kinh nghiệm và đã thực hiện thiết kế kiến trúc cho nhiều công trình cơ quan hành chính trong và ngoài nước, trong đó có tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc. Sau nhiều lần trình bày ý tưởng và phác họa thiết kế, tháng 3-2007, mẫu thiết kế kiến trúc cho tòa nhà TTHC thành phố của đơn vị tư vấn thiết kế Hàn Quốc đã được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng lựa chọn. TTHC thành phố Đà Nẵng được khởi công xây dựng vào ngày 15-11-2008.
Hệ lõi tháp đa năng
Theo thiết kế kết cấu, TTHC thành phố có lõi tháp hình tròn đường kính 19,2 mét đóng vai trò làm hệ kết cấu chịu lực chính, có chức năng giải nhiệt và điều hòa không khí, đồng thời được bố trí hệ thống thang máy. Đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam chưa có tòa cao ốc nào lõi hình tròn lại bố trí nhiều thang máy như TTHC thành phố Đà Nẵng. Đây là công trình có thiết kế hiện đại, kết cấu thiết kế phức tạp và không có điển hình trước đó để tham khảo thực hiện giải pháp thi công nên đòi hỏi có sự sáng tạo và chủ động ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại trong thi công.
Theo đó, nhà thầu đã đề xuất thực hiện công nghệ cốp-pha peri với sự trợ giúp của các chuyên gia CHLB Đức. Công nghệ cốt-pha peri cho phép sau khi đổ bê-tông sàn, chỉ cần từ 5-7 ngày có thể tháo cốt-pha và triển khai cho tầng tiếp theo. Trong khi đó, thời gian đổ bê-tông theo phương pháp truyền thống phải mất 20 ngày mới có thể tháo dỡ cốt-pha. TTHC thành phố là công trình thứ 3 tại Việt Nam sử dụng công nghệ thi công tiên tiến với cẩu tháp tự leo trong lõi thang.
Kết cấu vòm thép
TTHC thành phố có thiết kế kết cấu mái thép khổng lồ ở vị trí tầng 5 (tạo hình dáng chiếc thuyền) và tầng 34. Công trình sử dụng hơn 11.681 tấn thép, trong đó hệ mái thép đã sử dụng 600 tấn ống thép có đường kính từ 215-700mm. Với mái kết cấu thép lớn, đường kính uốn lượn, có vị trí độ vươn dài trên 20m chưa từng triển khai thi công ở các công trình cao ốc trong nước.
Điểm đặc biệt nữa, toàn bộ thiết bị sử dụng trong tòa nhà đều bảo đảm yêu cầu môi trường, được sản xuất sau năm 2010, có tính năng tiết kiệm năng lượng cao. Theo tính toán, với các thiết bị hiện đại này, năng lượng tiêu thụ của tòa nhà sẽ tiết kiệm được 10-25% so với các tòa nhà thông thường. Về công năng sử dụng, đây là tòa nhà thông minh, được điều khiển bằng hệ thống phần mềm, được thiết kế sức chịu đựng cho khoảng 1.500 người làm việc hằng ngày.
Hệ cột nghiêng độc đáo
Kỹ sư trưởng công trình TTHC thành phố Châu Trọng Hiếu (Công ty CP Đầu tư và xây dựng địa ốc Tân Kỷ) cho biết, dù đã gần 20 năm gắn bó với nghề xây dựng, chỉ đạo thi công nhiều công trình lớn, nhưng tòa nhà TTHC thành phố Đà Nẵng có độ khó nhất về giải pháp thi công. Từ thiết kế của một ngọn hải đăng hướng ra biển ngự trên chiếc thuyền, kết hợp với cánh buồm vươn ra khơi, nên hệ cột không đứng thẳng mà phải nghiêng theo sàn. Kỹ thuật thi công hệ cột nghiêng hết sức phức tạp. Độ nghiêng theo 2 phương là phương thẳng theo trục và độ nghiêng theo phương quả cầu tròn nên công tác định vị trước khi đổ bê-tông phải thật chính xác, thường xuyên giám sát thi công từng centimet theo hệ tọa độ quốc gia.
Hệ kính bao che cường lực
Độ khó về thi công phần thô được đẩy lên phức tạp khi thi công hoàn thiện hệ tường bao che bằng kính cường lực. Điểm khó là giải bài toán của sự liên kết lớp kính bên ngoài. Tòa nhà TTHC phần lớn diện tích tường bao có hình ô-van nên ô kính bị chia nhỏ, không đồng nhất. Trong thi công, để ghép kính, người thợ phải chơi vơi giữa không trung mà không có điểm tựa như những công trình khác.
Hệ kính được nhập khẩu nguyên liệu, được thí nghiệm trước từng sản phẩm đơn lẻ để đạt tiêu chuẩn cao trong ứng phó với thiên tai, đáp ứng các thông số kỹ thuật về tản nhiệt, không bức xạ nhiệt. Các tấm kính được gia công, định vị theo bản vẽ thiết kế theo các mô-đun và chuyển đến chân công trình để thi công lắp dựng… với diện tích 21.011m2 có phủ lớp lowe chống hấp thụ nhiệt và tiết kiệm năng lượng cho công trình.
Hệ thang máy vận hành thông minh
Riêng hệ thống thang máy, tòa nhà TTHC thành phố Đà Nẵng có tổng cộng 13 thang máy được hãng điện tử Schindler của Đức cung cấp thiết bị, trong đó 3 thang phục vụ khối đế phục vụ khu vực làm việc chính của Văn phòng UBND thành phố, cùng phòng làm việc của lãnh đạo thành phố. Ngoài ra, còn có 10 thang phục vụ khối tháp, phạm vi hoạt động ở khu vực làm việc của các sở, ngành chức năng. Theo đó, 10 thang máy phục vụ khối tháp được chia làm 3 nhóm, gồm 3 thang phục vụ từ tầng B2 (khu vực hầm để xe) đến tầng 18; 4 thang phục vụ từ tầng 18 đến tầng 31 và 3 thang còn lại phục vụ từ tầng B2 đến tầng 34.
Ngoài ra, có 1 thang máy chuyên dùng cho công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố có tốc độ di chuyển 2,4m/s và 4m/s. Người dân, hay các tổ chức đến liên hệ công việc trực tiếp các sở, ngành, đơn vị hoạt động trong TTHC sẽ chỉ cần theo bảng chỉ dẫn để bấm chọn đúng thang máy và số tầng đi lại.
Sự độc đáo của hệ thống thang máy tại tòa nhà là khi có sự cố, các thang máy đồng loạt trả khách đến vị trí thoát nạn an toàn. Tất cả các ca-bin chở khách của thang máy đều gắn camera giúp quản lý lưu lượng người và giám sát an ninh tòa nhà. TTHC còn có 2 thang bộ thoát hiểm và nhiều thang bộ định hướng khác.
Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh
Một hệ thống thiết bị điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông đã được sàng lọc qua đấu thầu thiết bị và kiểm tra xuất xứ hàng hóa trực tiếp trước khi lắp đặt ở TTHC. Toàn bộ hệ thống cơ điện (điều hòa, chiếu sáng, cấp nước, thang máy…) tòa nhà đều được quản lý bởi hệ thống iBMS, bảo đảm ghi nhận và xử lý kịp, định vị chính xác từng diễn biến sự cố (nếu có).
Toàn bộ cán bộ, công chức làm việc ở tòa nhà đều được cấp thẻ từ mã hóa để đi lại làm việc; khách ra vào giao dịch sẽ được nhận thẻ tạm khi vào tòa nhà. Để bảo đảm an toàn và bảo mật cho tòa nhà, toàn bộ các khu vực hành lang ra vào, khu vực sảnh lobby, vị trí thang máy, vành đai quanh tòa nhà đều được lắp đặt hệ thống camera an ninh. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy được lắp đặt hoàn chỉnh khắp tòa nhà.
Mạng MAN của hoạt động công nghệ thông tin tại tòa nhà TTHC đã được điều về làm nên mạng lõi để triển khai các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin tại tòa nhà. Bên cạnh mạng MAN, TTHC thành phố cũng đầu tư mới mạng băng thông rộng, mạng viễn thông khác và hoạt động song song với mạng MAN.
TTHC sử dụng dịch vụ điện thoại và điện thoại đặc biệt 080, sử dụng mạng Internet tốc độ cao (xDSL và FTTx), dịch vụ truyền hình tương tác độ nét cao (HD: IPTV), dịch vụ truyền hình trực tuyến, mạng truyền số liệu, mạng Wifi, hệ thống phủ sóng Inbuilding toàn bộ phạm vi tòa nhà hành chính… Đặc biệt, mạng Core vừa bảo đảm cho hoạt động viễn thông-công nghệ thông tin vừa phục vụ cho hệ thống quản lý tòa nhà thông minh.
Não bộ quản lý tòa nhà là hệ thống IBMS cực kỳ thông minh. IBMS tích hợp điều khiển hệ thống cơ, hệ thống điện, hệ thống an ninh, hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống quản lý chung… để tạo ra một môi trường làm việc thân thiện và tiện nghi thoải mái nhất cho mọi người tham gia hoạt động tại tòa nhà, góp phần nâng cao hiệu quả công tác.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG