.

Nước Đức - chặng cuối chuyến công du châu Âu

.

Đến Đại sứ quán nước ta tại thủ đô Berlin của Cộng hòa Liên bang Đức, có hai điều gây ấn tượng sâu sắc đối với đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng đang công du châu Âu: một là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Thị Hoàng Anh là cháu ngoại của làng Thanh Khê và hai là tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam treo trên tường Đại sứ quán thể hiện rất rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam - điều không thể nào khác trên đất nước của nữ Thủ tướng Đức Angela Dorothea Merkel.

Với tất cả tình cảm dành cho quê ngoại Đà Nẵng, Nữ Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh đã thông báo với đoàn về những nét chính trong quan hệ hai nước Việt Nam và Đức, về cộng đồng người Việt nói chung và cộng đồng người Quảng nói riêng, cũng như những lĩnh vực mà người Đức có thế mạnh trong giao lưu hợp tác.

Nữ Đại sứ Việt Nam còn lưu ý người Đức không thích giao lưu hợp tác giữa hai thành phố kết nghĩa nghe có vẻ lợi ích một chiều thiếu bình đẳng mà là thích giao lưu hợp tác giữa hai thành phố đối tác nhằm định hướng hai bên cùng có lợi. Nhờ vậy trước khi xuất phát đi Hamburg vào sáng ngày 28 tháng 8, đoàn có đủ thông tin cần thiết để làm việc với lãnh đạo thành bang - một bang đồng thời là một thành phố - lớn thứ hai của nước Đức, sau thành bang Berlin.

Đoạn đường cao tốc từ Berlin đi Hamburg dài khoảng 300 cây số, vì thế để kịp làm việc vào đầu buổi trưa với Tiến sĩ Sử học nghệ thuật Dorothee Stapelfeldt - Nữ Thị trưởng thứ hai của Hamburg, đoàn đại biểu  thành phố Đà Nẵng đã khởi hành rất sớm. Đây là lần thứ hai người viết bài này đến Hamburg, nhưng khác với lần đầu đi bằng xe lửa, lần này đi bằng xe bus. Tuy nhiên khi xe chạy được chừng phần ba đường thì xuất hiện đám cháy lớn ngay trên đường cao tốc buộc đoàn phải dừng lại cả hai tiếng đồng hồ và sau đó phải vòng tránh theo một con đường làng nhỏ hẹp để đến Hamburg vào đầu buổi chiều.

Thế là đoàn chỉ còn một ít thời gian để chuẩn bị mọi thứ nhằm tham dự sao cho có chất lượng cao nhất Hội thảo xúc tiến đầu tư giữa Đà Nẵng và Hamburg do Đại sứ quán Việt Nam tại Đức phối hợp với Phòng Thương mại Hamburg và Công ty Phát triển Doanh nghiệp Hamburg tổ chức, và Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng có bài thuyết trình lưu loát bằng tiếng Anh và trả lời thuyết phục các câu hỏi của phía đối tác Hamburg liên quan đến môi trường đầu tư ở Đà Nẵng, chẳng hạn như ai sẽ quản lý cảng Liên Chiểu nếu Đà Nẵng kêu gọi được đầu tư từ Đức, hoặc Việt Nam kết nối hạ tầng giao thông với các nước ASEAN như thế nào thông qua cảng biển Đà Nẵng, hoặc khu công nghệ thông tin tập trung của Đà Nẵng có gì khác biệt so với các khu công nghệ thông tin tập trung của Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh...

Cuối buổi hội thảo, nữ trưởng phòng hợp tác quốc tế Corinna Nienstedt đại diện cho lãnh đạo Phòng Thương mại Hamburg đã nói một câu mà người viết bài này rất tâm đắc: “Trên tường của phòng họp này là chân dung 14 vị chủ tịch tiền nhiệm Phòng Thương mại Hamburg qua nhiều thế hệ và các vị ấy đang dõi nhìn cuộc hội thảo của chúng ta; nhưng người Đức chúng tôi không muốn mọi việc chỉ dừng ở truyền thống mà muốn hướng mạnh đến tương lai của sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai địa phương có nhiều điểm tương đồng là thành phố cảng biển Hamburg và thành phố cảng biển Đà Nẵng”. Chuyên gia về hợp tác quốc tế nhiều kinh nghiệm này còn nói thêm rằng trong hợp tác kinh tế, thương mại là bước đi đầu tiên, đầu tư chỉ là bước đi thứ hai - một kiểu tư duy về xúc tiến đầu tư rất đáng suy ngẫm…

Cuộc làm việc với nữ thị trưởng thứ hai Dorothee Stapelfeldt khởi sự khá muộn song hết sức cởi mở chân tình. Ngay trong câu phát biểu đầu tiên, nữ chính khách tuổi Bính Thân 1956 này đã khẳng định: Đến với Hamburg là sự lựa chọn rất đúng hướng của Đà Nẵng! Bà Dorothee Stapelfeldt nói thêm rằng Hamburg không quan tâm đến quy mô lớn/nhỏ của một thành phố đối tác, vấn đề là trong quan hệ giữa hai bên cần xác định cho đúng những cái khả thi để giao lưu hợp tác một cách thực sự hiệu quả.

Theo bà Dorothee Stapelfeldt thì giữa Hamburg và Đà Nẵng có thể tiến hành hợp tác trên mấy lĩnh vực mà cả hai thành phố đều có thế mạnh như cảng biển, du lịch, quản lý đô thị mà tập trung là nhà ở và giáo dục-đào tạo. Bà Dorothee Stapelfeldt cũng chính thức thông báo rằng Hội nghị Châu Á-Thái Bình Dương của nền kinh tế Đức sẽ diễn ra từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 11 năm nay tại Khách sạn Intercontinental Asiana Hotel Saigon - thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Understanding Trends and Perspectives”.

Nhận lời mời của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, bà Dorothee Stapelfeldt cho biết sau khi dự hội nghị xúc tiến đầu tư ở thành phố Hồ Chí Minh, bà sẽ dẫn đầu đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp Hamburg ra thăm Đà Nẵng nhằm thảo luận cơ chế hợp tác giữa hai thành phố và tìm kiếm các cơ hội đầu tư song phương.

Thành công trong chặng cuối chuyến công du Châu Âu của đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng lần này có một phần đóng góp quan trọng của Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng tại Đức. Lãnh đạo của Hội đã có mặt tại sân bay quốc tế Berlin Tegel đêm 26-8 để đón, sau đó tháp tùng đoàn đi Hamburg và trực tiếp tham dự Hội thảo xúc tiến đầu tư giữa Đà Nẵng và Hamburg.

Có thể nói quá trình thực hiện mong muốn của bà Corinna Nienstedt về việc hướng mạnh đến tương lai của sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với Hamburg nói riêng và giữa Đà Nẵng với nước Đức nói chung, chắc chắn các doanh nhân người Quảng đang sinh hoạt trong Hội Đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng tại Đức sẽ đóng vai trò cầu nối hết sức hữu hiệu. Thừa hưởng phẩm chất chăm chút làm ăn chịu thương chịu khó của đất Quảng quê mình, các doanh nhân người Quảng nhìn chung là thành đạt trên đất khách, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó lĩnh vực mà họ đang nỗ lực gầy dựng là nhà hàng ăn nhằm góp phần quảng bá thương hiệu ẩm thực Việt. Khó khăn lớn nhất của họ hiện nay là nguồn nhân lực đầu bếp giỏi chế biến các món ăn Việt và nhất là các món ăn Quảng. Đ

ây cũng có thể là gợi ý hay cho bài toán nhân lực của Đà Nẵng hướng đến xuất khẩu nguồn nhân lực có tay nghề cao: chỉ cần có bằng trung cấp nghề đầu bếp của một cơ sở đào tạo nghề công lập và một chứng chỉ tiếng Đức SD1 của Viện Goethe Hà Nội hoặc Viện Goethe thành phố Hồ Chí Minh là có thể được cấp visa sang Đức để hành nghề trong hệ thống nhà hàng ăn của các doanh nhân đồng hương người Quảng…

Chỉ cần ngồi trên máy bay của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam rời sân bay quốc tế Frankfurt là đã có cảm giác về lại/về tới đất nước thân quý của mình. Đường bay rất dài với mấy nghìn cây số càng lúc càng ngắn dần và chuyến công du Châu Âu của đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng chính thức kết thúc ngay lúc tấm hộ chiếu của mỗi thành viên trong đoàn được đóng dấu nhập cảnh vào cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, sau nửa tháng tái ngộ Moscow, từ Biển Đông đến Biển Đen và cuối cùng là chia tay nước Đức…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.