Trong những năm qua, việc chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tạo nên một diện mạo đô thị khang trang với những dự án quy hoạch, xây dựng hạ tầng hiện đại, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao; nhân dân phấn khởi, đồng tình hưởng ứng và luôn tự hào về sự phát triển của thành phố quê mình. Tuy nhiên, trên con đường xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp ấy, vẫn có những người quá khích, luôn có những hành động chống đối, đi ngược với những chủ trương của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc đẩy mạnh công tác chỉnh trang và phát triển đô thị; bất chấp những nỗ lực và thiện chí của các cấp chính quyền địa phương.
Một trường mầm non tại khu đô thị mới Cồn Dầu, phường hòa Xuân, quận Cẩm Lệ hôm nay. Ảnh: VĂN NỞ |
Để có được bộ mặt đô thị Đà Nẵng phát triển như hôm nay, hơn 15 năm qua, trên địa bàn thành phố đã có hơn 100.000 hộ dân trên tổng số hơn 250.000 hộ dân, với hàng trăm ngàn nhân khẩu cùng chia sẻ khó khăn, chấp nhận một phần thiệt thòi nào đó trong công cuộc giải tỏa, di dời để chỉnh trang đô thị với ước vọng góp chút sức mình cùng xây dựng thành phố có bộ mặt hoàn toàn mới, một tầm vóc mới trong thời kỳ xây dựng và phát triển.
Trong quá trình đó, là đơn vị hành chính mới thành lập gần 10 năm qua, quận Cẩm Lệ có 70 dự án lớn nhỏ được triển khai với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.800ha và hơn 12.000 hộ dân liên quan đến giải tỏa, đền bù, tái định cư. Riêng trên địa bàn phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, có 11 dự án với tổng diện tích quy hoạch 1.100ha, phải thực hiện giải tỏa, di dời 5.168 hộ, cùng với 1 nhà thờ Thiên Chúa giáo (Cồn Dầu), 2 chùa Phật giáo (Trung Lương và Hòa Xuân), 7 đình làng, 87 nhà thờ tộc họ, chi phái, gần 17.000 ngôi mộ với 5 nghĩa địa nhân dân và 1 nghĩa địa tôn giáo, 1 nghĩa trang liệt sĩ (với hơn 400 ngôi mộ).
Người dân khu vực Cồn Dầu đối thoại với lãnh đạo thành phố về chính sách giải tỏa, đền bù, tái định cư ở Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Ảnh: NGUYỄN THÀNH |
Phạm vi và quy mô quy hoạch giải tỏa rộng lớn là vậy, nhưng bằng sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền, sự đồng thuận cao trong nhân dân và các tộc họ, phần lớn chức sắc tôn giáo, giáo dân, đạo hữu đã chấp hành tốt chủ trương của thành phố đối với việc thực hiện giải tỏa, đền bù và tái định cư để phát triển đô thị. Chỉ có một số hộ dân thuộc khu vực Cồn Dầu luôn gây trở ngại cho việc triển khai dự án, cụ thể tại dự án có quy mô lớn nhất quận Cẩm Lệ là Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.
Mặc dù lãnh đạo thành phố và quận Cẩm Lệ hơn 10 lần trực tiếp đối thoại, giải thích nhưng họ vẫn bất hợp tác và thiếu thiện chí, cố tình không chấp hành bàn giao mặt bằng mà nhiều lần tập trung khiếu kiện đông người, vượt cấp đến các cơ quan Trung ương tại Hà Nội. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cử 4 tổ công tác ra Hà Nội vận động, thuyết phục các công dân về lại địa phương để giải quyết nhưng các hộ vẫn không chấp hành.
“Tôi đã từng nói với giáo dân rằng, đất cát là của Nhà nước, mình không có quyền buộc người ta phải làm như thế này hay thế nọ. Chính quyền địa phương phải xem xét, giải quyết dựa trên những chủ trương chung, chứ theo ý cá nhân người này hay người kia thì không thể thỏa mãn hết được”, Linh mục Vũ Dần, Quản xứ Giáo xứ Cồn Dầu, nói. |
Không những bây giờ, mà ngay từ những ngày đầu mới triển khai dự án, lãnh đạo thành phố vẫn luôn quan tâm tìm những hướng giải quyết phù hợp và có lợi nhất cho người dân. Chắc hẳn, người dân thành phố vẫn chưa quên được cuộc tiếp dân ngày 8-8-2008 của vị lãnh đạo cao nhất thành phố lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh, với hơn 2.000 người dân Hòa Xuân tham dự.
Đây được xem là buổi tiếp dân với số lượng người tham gia đông nhất từ trước đến nay trên cả nước liên quan đến giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư.
Tại buổi tiếp xúc này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chia sẻ với người dân rằng: “Không có cuộc đại phẫu nào không gây đau đớn, việc thực hiện dự án này (Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân-PV) là một cuộc đại phẫu, có đau đớn thì cơ thể mới trở lại khỏe mạnh; sau sự hy sinh của bà con là sự phát triển của thành phố, là để sau này chính con cháu của chúng ta hưởng lợi…”. Lời tâm sự khẳng định quan điểm đúng đắn và chủ trương hợp lòng dân của vị lãnh đạo cao nhất thành phố đã làm xoa dịu đi bầu không khí đang căng thẳng từ phía những người dân tham gia buổi tiếp xúc.
Cũng từ cuộc đối thoại này, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của dân, không né tránh bất cứ câu hỏi cụ thể nào, từ giá đền bù, giá đất tái định cư, việc làm cho người dân sau khi đến nơi ở mới, nhất là đối với những người ở độ tuổi 40-50; những vấn đề an sinh xã hội, phát triển kinh tế của người dân “hậu giải tỏa”… Những vấn đề nhỏ như hỗ trợ thuê nhà, di dời mồ mả, đến vấn đề lớn như mưu sinh lâu dài cho người dân, chuyển đổi ngành nghề cho nông dân… đều được lãnh đạo thành phố trả lời thấu đáo, cụ thể trong không khí cởi mở, thẳng thắn. Ngay sau buổi tiếp xúc, hàng trăm hộ dân ở Hòa Xuân đã hết băn khoăn, sẵn sàng di dời, bàn giao mặt bằng cho dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, riêng tại khu vực Cồn Dầu, vẫn còn một số trường hợp người dân quá khích, cố tình chống đối lại chủ trương của thành phố, bằng việc tuyên truyền sai sự thật về các chính sách đền bù, tái định cư của thành phố, gây kích động làm nhân dân lo lắng. Đỉnh điểm của sự việc là tháng 5-2010, lợi dụng đám tang cụ bà Đặng Thị Tân, một nhóm đối tượng đã lôi kéo hàng trăm đối tượng khác và kích động gia đình cụ bà Đặng Thị Tân để họ mai táng cụ tại nghĩa địa Cồn Dầu, nhằm mục đích chống lại chủ trương triển khai dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.
Sau sự việc này, chính quyền địa phương đã kịp thời giải quyết thấu tình đạt lý các vấn đề có liên quan; những đối tượng gây rối sau đó đã nhận ra hành động sai trái của mình. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề đền bù, giải tỏa tại dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, một số hộ dân ở khu vực Cồn Dầu vẫn chây ỳ, tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện dự án bằng cách không cho các cơ quan chức năng vào kiểm định để áp giá đền bù.
(Còn nữa)
NGỌC KHANG HUY