.
Sự thật khiếu kiện kéo dài ở Cồn Dầu

Bài 2: Bất chấp thiện chí của chính quyền

.

Vào thời điểm tháng 5-2012, ở khu vực Cồn Dầu vẫn còn lại 68 hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho dự án. Trước tình hình đó, các cấp lãnh đạo thành phố cũng như quận, phường liên tục tuyên truyền, vận động, đến gõ cửa từng nhà để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng người dân. Tuy nhiên, một số người quá khích, tuyên truyền sai sự thật về các chính sách đền bù, tái định cư của thành phố và hăm dọa, kích động nên nhân dân lo lắng, từ đó ảnh hưởng đến công tác kiểm định làm chậm tiến độ của toàn dự án.

Một số người dân thuộc khu vực Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ trong một lần tụ tập trước Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước tại Hà Nội để... “kêu oan”.
Một số người dân thuộc khu vực Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ trong một lần tụ tập trước Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước tại Hà Nội để... “kêu oan”.

Một lần nữa, ngày 30-5-2012, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh lại có buổi tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng các hộ dân để trao đổi thẳng thắn, cởi mở và dân chủ giữa người dân khu vực Cồn Dầu với chính quyền địa phương.

Trở lại việc khiếu kiện vượt cấp, kéo dài của những hộ dân ở khu vực Cồn Dầu. Trước tháng 5-2014, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng và UBND phường Hòa Xuân đã 3 lần gửi giấy mời trực tiếp cho các hộ khiếu kiện tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội; đồng thời gửi giấy mời trực tiếp tại nơi cư trú để mời họ tham gia buổi đối thoại với Chủ tịch UBND thành phố.

Tuy nhiên, chỉ có 17/68 trường hợp được mời nhận giấy mời. Ngày 22-5-2014, tại Đà Nẵng, đại diện Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục II-Thanh tra Chính phủ cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận quận Cẩm Lệ và phường Hòa Xuân, tổ trưởng dân phố tham gia buổi đối thoại với những người khiếu kiện, nhưng chỉ có 2 công dân thuộc khu vực Trung Lương dự, 66 công dân khác thuộc khu vực Cồn Dầu không tham gia đối thoại.

Qua đời gần 10 năm vẫn “ký đơn” khiếu kiện!?

Một trong những đơn khiếu kiện tập thể của các hộ dân ở Cồn Dầu trong năm 2014 mà chúng tôi có được, có trường hợp bà Đặng Thị T. đã qua đời gần 10 năm nay nhưng vẫn có tên và ký đơn khiếu kiện. Điều này cho thấy, việc khiếu kiện tập thể ở đây thực chất là do một số người đứng ra lôi kéo, vận động để ghi tên và ký khống vào đơn càng nhiều càng tốt, nhằm qua mặt các cơ quan chức năng; đồng thời lấy số đông để tiếp tục lôi kéo và dụ dỗ những người khác cùng tham gia.

Trong khi đó, các trường hợp khiếu kiện kéo dài này đã được Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tiếp rất nhiều lần và đã khẳng định, việc giải quyết khiếu nại của các công dân đang thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước cũng thông báo và yêu cầu: “Các công dân sớm trở về địa phương, hợp tác với các cơ quan chức năng của địa phương để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”.

Tuy nhiên, từ tháng 6-2014, các ông Huỳnh Ngọc Trung, Huỳnh Ngọc Trân, Trần Thanh Các (Cát), Nguyễn Quý, Trần Quang Anh, Nguyễn Hữu Toan và hơn 40 công dân khu vực Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ không những không chấp hành mà đã nhiều lần ra lưu trú dài ngày tại Hà Nội và đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước và các cơ quan Trung ương tại Hà Nội để tiếp tục khiếu nại, kiến nghị liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, giải tỏa và tái định cư ở dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.

Đứng trước thái độ bất hợp tác của các hộ dân ở Cồn Dầu, bằng tinh thần trách nhiệm của mình, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vẫn kiên trì thuyết phục; đồng thời chỉ đạo quận, phường và các ngành có liên quan xem xét lại từng trường hợp và tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình để có chính sách hỗ trợ trên nguyên tắc công bằng, khách quan, nhằm tạo điều kiện để những hộ này yên tâm làm ăn, sinh sống.

Cụ thể: hộ ông Huỳnh Ngọc Anh đã được điều chỉnh 1 lô đường 5,5m thành 1 lô đường 7,5m; hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Huỳnh Ngọc Chạy được điều chỉnh 1 lô đường 10,5m thành 2 lô đường 5,5m; hộ ông Trần Thanh Cát được giải quyết bố trí thêm 1 căn hộ chung cư cho thuê hoặc điều chỉnh 2 lô đường 5,5m thành 2 lô đường 7,5m; hộ Nguyễn Chúc - Nguyễn Thị Liễu được hỗ trợ thêm 25 triệu đồng; hộ Trần Thị Minh Nguyệt, điều chỉnh 1 lô đường 10,5m và 1 lô đường 7,5m thành 2 lô đường 10,5m; hộ ông Lê Văn Sinh được điều chỉnh 2 lô đường 10,5m thành 1 lô đường 10,5m và 2 lô đường 5,5m; hộ ông Lê Văn Tâm (chết), vợ là Ngô Thị Ngọc Liên được điều chỉnh 1 lô đường 7,5m và 1 lô đường 5,5m thành 2 lô đường 7,5m;…

Tuy nhiên, bất chấp những thiện chí đó, các ông Huỳnh Ngọc Trung, Huỳnh Ngọc Trân, Trần Thanh Các (Cát), Nguyễn Quý, Trần Quang Anh, Nguyễn Hữu Toan và hơn 40 công dân khác vẫn tiếp tục tụ tập đông người và tổ chức khiếu kiện kéo dài, vượt cấp tại Hà Nội. Vậy, việc khiếu kiện của các hộ dân này có cơ sở hay không, hay vì mục đích nào khác?

(Còn nữa)

“Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ghi nhận thiện chí của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về việc triển khai kế hoạch tiếp và đối thoại theo đúng cam kết của thành phố. Đề nghị các hộ dân nhận giấy mời và sớm trở về địa phương, chuẩn bị nội dung để cùng đối thoại với Chủ tịch UBND thành phố theo quy định của pháp luật. Trụ sở sẽ vào tham gia cùng đối thoại với bà con theo đúng kế hoạch.

Nếu bà con không thống nhất nhận giấy mời và không về tham dự đối thoại thì bà con đã từ chối quyền được tiếp và giải quyết quyền lợi của mình; các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương sẽ không chịu trách nhiệm về việc này” (Trích biên bản tiếp và làm việc của Trụ sở tiếp công dân Trung ương Đảng và Nhà nước với các công dân phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng tại Hà Nội ngày 13-5-2014).

NGỌC KHANG HUY

;
.
.
.
.
.