Qua nội dung đơn khiếu nại, kiến nghị và qua tiếp xúc trực tiếp của đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng với các hộ dân khiếu kiện ở Cồn Dầu tại Hà Nội cho thấy, có 3 nội dung chính mà các hộ khiếu kiện: việc thu hồi đất, giao đất; cưỡng chế thu hồi đất và việc bố trí đất tái định cư tại chỗ.
Một góc khu đô thị mới Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ hôm nay. |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu hồi đất, giao đất cho chủ đầu tư sử dụng để triển khai thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là có căn cứ, đúng thẩm quyền và thực hiện đúng trình tự, thủ thục theo quy định của pháp luật đất đai.
Thứ nhất, việc thu hồi để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là thực hiện dự án phát triển kinh tế, được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 34 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Từ căn cứ pháp lý này, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 3581/QĐ-UBND ngày 5-5-2008 về việc thu hồi đất, giao đất cho Công ty Quản lý và Khai thác đất (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố) quản lý theo quy hoạch của UBND thành phố với diện tích là 4.100m2; Quyết định số 2810/QD-UBND ngày 15-4-2009 về việc điều chỉnh diện tích thu hồi đất từ 4.100m2 lên 4.372.841m2; Quyết định số 8242/QĐ-UBND ngày 20-9-2011 về việc thu hồi đất (do Công ty Quản lý và Khai thác đất quản lý), giao cho chủ đầu tư sử dụng để xây dựng Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân với diện tích 4.372.841m2.
Trên cơ sở quyết định thu hồi đất của UBND thành phố, căn cứ khoản 2, Điều 44 Luật Đất đai năm 2013, UBND quận Cẩm Lệ đã ban hành các quyết định thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân có nhà, đất nằm trong ranh giới của dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là hoàn toàn đúng.
Thứ hai, sau khi có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, được công bố công khai, có hiệu lực thi hành, người bị thu hồi đất phải chấp hành quyết định thu hồi đất. Trường hợp người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thu hồi đất thì UBND các cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất ra quyết định cưỡng chế. Người bị cưỡng chế thu hồi đất phải chấp hành quyết định cưỡng chế và có quyền khiếu nại. Vì vậy, việc ra quyết định cưỡng chế của UBND quận Cẩm Lệ là hoàn toàn hợp tình, hợp lý, đúng với quy định của pháp luật.
“Việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp của những hộ dân ở Cồn Dầu chỉ là việc riêng của một số giáo dân. Tất nhiên là tôi đã nói với giáo dân rằng, đây là chủ trương của thành phố, có gì chưa vừa ý thì cứ lên phường, quận, thành phố để phản ánh, chứ ra ngoài kia (Hà Nội- PV) vừa tốn kém, vừa vất vả”, Linh mục Vũ Dần, Quản xứ Giáo xứ Cồn Dầu cho biết. |
Thứ ba, về yêu cầu bố trí tái định cư tại chỗ. UBND thành phố Đà Nẵng đã có phương án cụ thể tại Quyết định số 5111/QĐ-UBND ngày 27-6-2008 theo đúng quy định tại Điều 43 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Theo đó, tất cả các hộ thuộc diện thu hồi đất được bố trí tái định cư tại khu E và F Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ hiện nay là thực hiện đúng phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, các hộ khiếu kiện căn cứ khoản 2 Điều 34 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ để yêu cầu bố trí tái định cư tại chỗ là không có cơ sở.
Bởi vì, theo Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) tại khoản 2 Điều 34 nêu trên, quy định: “Ưu tiên tái định cư tại chỗ cho người thu hồi đất tại nơi có dự án tái định cư”; còn trong trường hợp này, tại khu vực giải tỏa không có dự án tái định cư cho các hộ có đất bị thu hồi tại đây, mà theo phương án, các hộ được bố trí tái định cư tại dự án khu E và F Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ mà UBND thành phố đã phê duyệt trước đó.
Bên cạnh đó, khu E và F Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ là khu tái định cư được xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đã được thành phố đầu tư hạ tầng đồng bộ, đảm bảo đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ và cũng là khu tái định cư cho nhiều dự án, trong đó có dự án trên địa bàn phường Hòa Xuân. Do đó, việc bố trí tái định cư tại hai khu này là đúng quy định tại Điều 35 Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
Những cơ sở pháp lý nêu trên cho thấy, việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp của các hộ dân ở khu vực Cồn Dầu hiện nay hoàn toàn không có cơ sở. Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân khẳng định, mục đích chính của việc khiếu kiện này là muốn kéo dài dự án, cố tình chống đối lại chủ trương của Nhà nước và thành phố.
Theo ông Toàn, quan điểm của địa phương là sẽ tiếp tục gặp gỡ tuyên truyền, giải thích để các hộ dân hiểu và chấp hành tốt chủ trương của thành phố. Đồng thời tiếp tục đề nghị thành phố và Trung ương có những giải pháp quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng cố tình khiếu kiện kéo dài, vượt cấp với những đòi hỏi vô lý, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự cũng như hình ảnh của Đà Nẵng đối với bạn bè trong nước và quốc tế.
(Còn nữa)
Ông Dương Văn Huế, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương kết luận tại buổi tiếp và làm việc với các công dân phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ tại Hà Nội ngày 17-7-2014: “Việc khiếu kiện của bà con đã được chính quyền địa phương giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu không đồng ý với nội dung giải quyết của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thì đề nghị bà con có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân (đối với nội dung quyết định giải quyết lần hai), khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (đối với nội dung quyết định giải quyết lần đầu- về nội dung bố trí tái định cư) theo đúng quy định của pháp luật. Đề nghị bà con trở về địa phương, không tập trung đông người tại Hà Nội. Nếu bà con tiếp tục ở lại, có những hành vi gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước hoặc các hành vi vi phạm khác thì sẽ bị chính quyền sở tại xử lý theo quy định”. |
NGỌC KHANG HUY