Trước thông tin dự án đường vành đai phía Nam thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2, hàng chục hộ dân tại các xã Hòa Châu, Hòa Phước (huyện Hòa Vang) đồng loạt cơi nới, xây mới nhà cửa chờ giải tỏa. Suốt một thời gian dài, nhiều gia đình đã liều lĩnh vay mượn bằng mọi cách để xây nhà nên giờ đây rơi vào tình cảnh khốn đốn vì nợ nần vây quanh.
Những căn nhà xây chờ giải tỏa giờ đây đang khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần. |
Ôm nợ vì xây nhà “đón đầu”
Hai tháng nay, anh Nguyễn Thành X. (thôn Dương Sơn 1), xã Hòa Châu phải chạy vạy khắp nơi để kiếm tiền trả số nợ 80 triệu đồng anh vay mượn để xây nhà. Trước đó, nghe tin đường vành đai phía Nam giai đoạn 2 sẽ đi qua khu vực nhà mình, anh X. mạnh dạn mượn tiền để xây một căn nhà cấp 4 trong khu vườn, cạnh căn nhà ba gian rộng rãi mà gia đình ở từ hàng chục năm nay. “Nhà có hai con nhỏ, vợ làm nông, nó làm công nhân lương ba cọc ba đồng.
Nghe tin trúng giải tỏa, nó đi mượn bạn bè, anh em rồi làm thêm cái nhà. Thấy chưa vừa ý, nó còn làm luôn tường bao, láng nền xi-măng luôn cái vườn rau trước nhà. Giờ thì đi biệt tích để kiếm tiền, để vợ con ở nhà suốt ngày phải đi khất nợ”, chị Nga, chị dâu anh X. thở dài. Căn nhà cấp bốn rộng khoảng 50m2 anh X. xây còn thơm mùi vôi mới, bên trong trống hoác, cửa ra vào các phía được che chắn sơ sài.
Bi kịch hơn anh X. là trường hợp gia đình anh Lê Văn A. trú cùng thôn. Mẹ anh A., bà Đỗ Thị H. (65 tuổi) hiện đang điều trị bệnh xơ gan. Mấy tháng trước, thấy dân làng ồ ạt làm nhà, xây tường bao để chờ giải tỏa, anh A. nài nỉ mượn số tiền 50 triệu đồng mà bà H. tích cóp cả đời phòng khi đau yếu, xây thêm một căn nhà cấp 4, sơn lại tường nhà, làm mới sân vườn. “Giờ nghe người ta đồn dự án không đi qua nhà mình nữa mà lo lắng không yên. Mấy hôm nay bệnh tình của bà có dấu hiệu nặng hơn, hai vợ chồng đang tính bán chiếc xe tải để trả nợ và trị bệnh cho bà”, chị Huỳnh Thị B., vợ anh A., rơm rớm nước mắt kể. Theo lời chị B., chiếc xe tải trị giá 200 triệu đồng mua cách đây 4 năm giờ vẫn chưa trả hết nợ, nếu bán đi thì 6 miệng ăn trong gia đình chị chưa biết trông cậy vào cái gì để sống.
Thực trạng là thế, nhưng khi nói về vấn đề này, ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu khẳng định, không có chuyện xây nhà trái phép chờ giải tỏa tại địa phương: “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền để người dân hiểu nên không thể có chuyện người dân xây nhà chờ giải tỏa, nếu có xây thì chỉ là nhu cầu chính đáng!”. Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Bảy, Đội phó Đội Kiểm tra quy tắc đô thị huyện Hòa Vang, việc xây nhà trái phép tại xã Hòa Châu đã diễn ra từ lâu, nhất là khi có thông tin dự án đường vành đai phía Nam đi qua. Theo ông Bảy, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã tiến hành xử phạt 5 trường hợp tại địa phương này, trong đó buộc tháo dỡ 3 trường hợp.
Xây nhà siêu tốc
Tình trạng xây nhà trái phép chờ giải tỏa cũng diễn ra tại khu vực xã Hòa Phước suốt từ đầu năm 2014 đến nay. Theo bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước, có 150 hộ dân tập trung tại thôn Quá Giáng 2 đang tiến hành kiểm định để chờ áp giá đền bù. Trước thông tin triển khai xây dựng dự án đường vành đai phía Nam giai đoạn 2, UBND huyện Hòa Vang đã họp, yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, tháo dỡ và xử phạt những trường hợp cơi nới, xây mới nhà cửa chờ giải tỏa.
Tính từ đầu năm 2014 đến nay, riêng tại xã Hòa Phước đã phát hiện 64 trường hợp xây nhà trái phép trong khu vực đã và đang chờ kiểm định. “Xã đã thành lập tổ kiểm tra gồm 14 người, thường xuyên theo dõi tình hình và xử phạt, tháo dỡ những trường hợp xây dựng trái phép. Tuy nhiên, việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người dân tranh thủ ngày cuối tuần hoặc giữa đêm khuya để xây nên rất khó phát hiện, xử lý. Cũng có những trường hợp tháo dỡ xong nhưng ngày mai khi quay lại thì vẫn tiếp tục xây”, bà Vân cho biết.
Trong số 64 trường hợp bị phát hiện, có những gia đình vi phạm đến 4 lần bằng cách xây ao cá, tường rào, chuồng trại, tô lại tường rào, cơi nới nhà… Trong khi đó, theo bà Lê Thị Liễu, cán bộ địa chính xã Hòa Phước, lực lượng chức năng hạn chế về nhân lực nên gặp khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ. “Có những trường hợp, người dân dùng xe máy để vận chuyển nguyên vật liệu, họ còn cắt cử người chốt chặn ở đầu đường, nếu phát hiện lực lượng chức năng là dừng việc xây dựng và tẩu tán nguyên vật liệu ngay”, bà Liễu cho biết thêm.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG