Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 10-10-1954, Hà Nội được giải phóng, mở ra thời kỳ mới của tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 60 năm qua, quân và dân Hà Nội, thế hệ tiếp bước thế hệ, đã lập nên những chiến công vang dội, nhiều thành tựu đáng tự hào; là niềm tin yêu của nhân dân cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”...
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của Thủ đô và đất nước, cùng những bài học của 60 năm xây dựng và phát triển, những năm gần đây, Hà Nội đang vươn lên mạnh mẽ. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH; tổng thu ngân sách trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước; GDP bình quân đầu người tăng gần gấp 3 lần so với năm 1989. Từ năm 1990 đến nay, cứ sau 5 năm, giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 2,5 lần so với trước. Đô thị phát triển mạnh theo hướng văn minh hiện đại. Bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ rệt.
An ninh chính trị Thủ đô luôn ổn định, trật tự an toàn được giữ vững; giáo dục, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Qua 60 năm xây dựng và phát triển, thế và lực của Thủ đô Hà Nội lớn mạnh hơn trước nhiều. Từ một thành phố nhỏ bé, lạc hậu khi mới giải phóng, có diện tích khoảng 152km2, với 43 vạn dân; nay đã trở thành một đô thị rộng lớn, ngày càng khang trang, hiện đại, với diện tích 3.328km2, dân số hơn 7 triệu người. Từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có thêm những nguồn lực và tiềm năng phát triển; cả về đất đai và nguồn nhân lực; về vị thế quốc phòng, an ninh; về bản sắc, truyền thống văn hóa...
Bên cạnh các cơ hội lớn, Hà Nội cũng đối mặt với nhiều thách thức đặt ra. Tốc độ đô thị hóa làm tăng nhanh dân số cơ học. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều nguồn lực và lợi thế Thủ đô chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả. Sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô còn hạn chế. Hội nhập kinh tế quốc tế chưa đáp ứng yêu cầu. Sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô chưa tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế, với vai trò, vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Tình hình mới đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng và lợi thế, không ngừng vươn lên để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm vị thế mà Hiến pháp, Luật Thủ đô và Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định: “Là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020
Với vị thế là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội phấn đấu bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phấn đấu để Hà Nội là địa phương đi đầu, về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để đạt được những mục tiêu trên, trên cơ sở vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, phát triển Thủ đô đến năm 2020, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đồng thời tập trung 2 khâu đột phá.
Đó là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường.
Đ.K sưu tầm và biên soạn