Sáng 21-10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trao đổi với báo chí các vấn đề nóng về dự án giao thông, trong đó có cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời báo chí bên lề Quốc hội. |
Đối diện với chất vấn của phóng viên về vấn đề trượt giá, Bộ trưởng cho biết các dự án cảng hàng không làm không trượt giá, như Tân Sơn Nhất, Nội Bài không trượt giá. Nhiều dự án giao thông lớn đang triển khai như QL 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên không trượt giá mà vẫn có dư. Trước đây có một số dự án giao thông do thi công quá chậm nên bị trượt giá hoặc khi phê duyệt dự án sớm, nhưng triển khai chậm nên trượt giá, Bộ trưởng lý giải.
Chia sẻ thêm về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng nói: "Lâu nay vẫn nói nhiều chuyện cảng hàng không Long Thành nhưng thực tế khi triển khai sẽ còn nhiều khó khăn. Vốn chỉ là một khó khăn, còn nhiều vấn đề nữa. Như giải phóng mặt bằng, gần như trăm phần trăm người dân đồng ý ký hết. Tỉnh Đồng Nai quản lý tốt, đã vận động được người dân đồng ý giải phóng mặt bằng, nhưng thực tế triển khai thì giá đất lại khác nhau nên người dân lại có thể đòi tăng giá. Xét cho cùng đây cũng là một trong những đòi hỏi chính đáng của người dân mà cơ quan Nhà nước sẽ phải xử lý trong quá trình triển khai dự án."
Trả lời câu hỏi của PV về việc có nhiều ý kiến cho rằng xây mới cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết nhưng không phù hợp vì nợ công đang ở mức nguy hiểm? Bộ trưởng cho biết, nhân dân và Quốc hội đã chia sẻ cảng hàng không Long Thành là cần thiết vì không thể mở rộng Tân Sơn Nhất. Rất cần phải đầu tư một cảng hàng không mới để phục vụ cho nhu cầu phát triển đất nước.
Chính phủ đã có báo cáo nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên có chiều hướng tăng nhanh nên cần phải tính toán, cân nhắc việc đầu tư từng dự án trong bối cảnh chung của đất nước. Dự án cảng hàng không Long Thành cũng vậy.
Bộ trưởng khẳng định cần tính toán để đảm bảo các tiêu chí quản lý nợ công cũng như trả nợ mà Quốc hội đã đề ra. Đợt trình dự án cảng hàng không Long Thành lần này không phải trình để phê duyệt triển khai ngay, mới chỉ trình để xin chủ trương. Còn từ chủ trương cho đến lập báo cáo khả thi và xây dựng còn cả quá trình lâu dài, không thể nhanh được.
Hiện nay, khái toán tổng mức đầu tư dự án càng hàng không này vào khoảng 7,8 tỷ USD chia làm 2 giai đoạn 1A và 1B. Số tiền này được huy động nhiều nguồn, ngân sách chỉ lo giải phóng mặt bằng và một số hạng mục cho công tác hải quan, thuế... dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng.
Còn lại được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, cũng như doanh nghiệp vay lại vốn ODA của Chính phủ. Chính phủ vay ODA và cho doanh nghiệp vay lại. Doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý đầu tư và trả nợ.
Theo Bộ trưởng, thực tế hiện nay đã chúng ta đã làm được việc này tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Và thực tế nhiều năm qua Tổng công ty Cảng hàng không VN đã trả nợ tốt và hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có lãi. Tuy nhiên 24.000 tỷ đồng cũng là quá lớn trong bối cảnh bây giờ, không thể nói nhỏ được, Bộ trưởng nhìn nhận.
Theo Báo Giao thông Vận tải