Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) - Ảnh: TTO |
Ngày 22-10, Quốc hội dành phần lớn thời gian của ngày làm việc thứ 3 để thảo luận và cho ý kiến về Luật Tổ chức Quốc hội.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo mà Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày, người được lấy phiếu tín nhiệm mà có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Trường hợp không từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) cho rằng, quy định này cần phải thay đổi vì chưa thể hiện được tính khẳng định của luật. "Nên thay đổi từ "không tín nhiệm có thể từ chức" thành "phải từ chức" để thể hiện tính khẳng định", ông Lâm nói.
Cùng ý kiến nêu trên, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng khi người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp thì cần quy định thêm người này được quyền từ chức. Thực tế, về mặt tâm lý, để có kết quả tín nhiệm thấp như vậy có thể họ sẽ muốn từ chức để tránh cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà kết quả sẽ không thay đổi số phận, tránh được tâm lý nặng nề.
"Khi kết quả 2/3 tín nhiệm thấp thì Quốc hội không cần thiết phải bỏ phiếu tín nhiệm một lần nữa", ông Tám nhận định.
Còn đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) đề nghị cân nhắc điều chỉnh thẩm quyền của đại biểu quốc hội, đảm bảo phù hợp với nghị trường hiện nay. Theo ông Nghĩa, dự thảo quy định đại biểu có quyền kiến nghị bằng văn bản, kiến nghị trực tiếp tại phiên họp toàn thể, tuy nhiên không nên chỉ kiến nghị vấn đề tín nhiệm mà phải mở rộng đối với tất cả vấn đề quan trọng của quốc gia.
Trưởng đoàn đại biểu TP Đà Nẵng cho rằng cần quy định rõ việc tiếp nhận và xử lý vì thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều đại biểu đưa ra kiến nghị tại phiên họp toàn thể nhưng việc xử lý những kiến nghị còn hạn chế và chưa theo một quy trình cụ thể. Ông Nghĩa đề nghị cần làm rõ trường hợp nào là kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm, trường hợp nào là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hiến pháp quy định một trong những công cụ kiểm soát của quyền lập pháp với quyền hành pháp là bỏ phiếu bất tín nhiệm.
"Nếu hành pháp cảm thấy chưa thoả mãn với những phê phán đối với mình thì có thể đề nghị cơ quan lập pháp bỏ phiếu tín nhiệm. Trường hợp đại biểu Quốc hội hay một cơ quan Quốc hội cảm thấy không thể tín nhiệm Chính phủ hoặc thành viên Chính phủ thì kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Quy định như vậy mới đảm bảo tính khả thi trong thực hiện kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm của đại biểu Quốc hội", đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.
VnExpress