.

Họa sĩ Phan Kế An: Những ký ức không quên

.

Phố Thợ Nhuộm (Hà Nội) một ngày mưa lất phất, bầu trời xam xám càng làm căn nhà Pháp cổ đậm dấu ấn thời gian. Căn phòng nhỏ trên gác hai chỉ chừng chục mét vuông, họa sĩ lão thành Phan Kế An đã gắn bó hơn nửa đời người. Ông giờ ở tuổi 92, dù luôn cho mình “cái quyền của người già, được lẩm cẩm”, nhưng khi chuyện trò, ký ức về những người nổi tiếng một thời, đặc biệt là bậc lãnh tụ như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiện lên sống động, gần gũi.

Họa sĩ Phan Kế An với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu, Phạm Hương chụp lại)
Họa sĩ Phan Kế An với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu, Phạm Hương chụp lại)

Bài học lớn từ Bác Hồ

Họa sĩ Phan Kế An vinh dự là người đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ nên ông có nhiều kỷ niệm với Người. Gần 70 năm trôi qua, giây phút được gặp Bác lần đầu với Phan Kế An vẫn như mới diễn ra. Cụ nhớ rất rõ, lúc ấy cụ tròn 25 tuổi, đang là phái viên của báo Sự thật, được đồng chí Trường Chinh trực tiếp phân công nhiệm vụ vẽ chân dung Bác cho số báo tháng 12-1948. Vừa hào hứng, vừa hồi hộp, đi được nửa đường đến lán Nà Lừa, Phan Kế An thấy Bác mặc áo nâu, đầu trần, đứng đợi. Bác tiến về phía người họa sĩ trẻ, ôm vai, thân tình chào: “An đấy à?”.

Trong 3 tuần được làm việc cạnh Bác, tranh thủ từng giây phút, với bút chì và bút sắt, Phan Kế An đã vẽ rất nhiều tranh và ký họa. Đến bây giờ nhớ lại, cụ vẫn cho rằng đó là món quà vô giá mà mình có được.
Trong thời gian gần Bác, Phan Kế An học được những bài học lớn thông qua những câu chuyện, những hành động giản dị của Người. Trong ký ức họa sĩ già còn nhớ rất rõ, lúc đó Bác có hộp thuốc lá Craven A, mỗi hộp có 50 điếu thuốc.

Lần nào Bác hút thuốc cũng mời Phan Kế An một điếu và ân cần châm diêm cho. Vì phải tranh thủ vẽ nên có những lúc An không kịp hút thuốc mà bỏ vào túi. Chợt nhớ ở cơ quan (báo Sự thật), rất nhiều anh em hoạt động cách mạng từ lâu mà chưa được gặp Bác, nếu có điếu thuốc của Bác làm kỷ niệm thì chắc vui và tự hào lắm. Thế là Phan Kế An “nuôi” ý định gom góp thuốc về tặng anh em, xem như “lộc” cùng hưởng.

Hôm trước khi kết thúc nhiệm vụ, được Bác mời một điếu thuốc, nhưng đang vẽ dở những nét cuối, họa sĩ chưa kịp hút, lại bỏ vào túi, chợt nghe tiếng Bác hỏi: “An tích trữ được bao nhiêu điếu rồi?”. An bày tỏ ý định mang thuốc về tặng anh em và mới tích trữ được 13 điếu, Bác hỏi trong cơ quan có bao nhiêu người. Con số 30 được đưa ra, thế là Bác rút thêm 17 điếu để An mang về làm quà.

Một chuyện khác, đó là việc Phan Kế An được Bác rót rượu trong mỗi bữa cơm. Chén nhỏ, đang sức trẻ, Bác rót chén nào, chàng trai trẻ uống hết chén ấy, trong khi Bác chỉ nhấp mỗi bữa một chén, không hơn. Có lần, thấy chén của Bác đã hết, Phan Kế An định rót mời Bác, thì Bác lấy tay che miệng chén, khẽ bảo: “Rượu uống ít thì mới có lợi cho sức khỏe, uống nhiều không hay đâu”. Phan Kế An hiểu ngay Bác muốn ngầm bảo mình hạn chế những thói hư tật xấu, điều độ, cái gì quá cũng không tốt. Giống như rượu, như thuốc lá, Bác chỉ cho một điếu, một chén chứ không bao giờ khuyến khích dùng nhiều, dùng thỏa thích.

Bức tranh 10 năm chưa hoàn thành

Trong căn phòng nhỏ của mình, họa sĩ Phan Kế An treo nhiều bức ảnh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ kể, Đại tướng là thầy dạy cụ môn Sử khi học tại Trường tư thục Thăng Long năm 1937. Dù thời gian học thầy không nhiều nhưng qua những bài giảng, người thầy đặc biệt này đã khơi gợi lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, để vài năm sau Phan Kế An đi theo kháng chiến.

May mắn được học thầy Giáp, lại được tiếp xúc với Đại tướng nhiều cả những năm tháng sau này, vậy mà có một bức tranh vẽ Tướng Giáp ở Mường Phăng vào đêm trước trận đánh đã 10 năm nay cụ vẫn chưa thể hoàn thành. Khó diễn tả được hết thần thái của Đại tướng vào đêm quyết định ấy. Hoàn cảnh lịch sử mà nội dung bức tranh muốn kể lại rất rộng lớn, đặt trong bối cảnh Trung ương truyền lệnh dùng chiến thuật “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Đại tướng cũng chấp hành lệnh này. Song, khi nghiên cứu lại trận địa chiến trường, tương quan lực lượng giữa ta và địch cùng những yếu tố khác, Đại tướng thấy không thể áp dụng chiến thuật này mà phải thay đổi thành “Đánh chắc thắng chắc”. Đó là một quyết định đúng đắn, lịch sử đã chứng minh.

Sau này, một nhà báo Pháp khi phỏng vấn Tướng Giáp hỏi: “Trong kế hoạch đánh Điện Biên Phủ, tôi được biết rằng có việc đưa pháo vào trận rồi lại đưa ra?”. Câu trả lời ngắn gọn, chứa đựng tinh thần thép của Đại tướng “Trong chiến tranh bao giờ cũng có những lệnh và phản lệnh” một lần nữa lại nói lên trí tuệ phi thường của Đại tướng.

Một bức tranh mà chứa đựng nội dung lớn lao như vậy nên không thể vẽ một cách dễ dàng. Dù họa sĩ Phan Kế An gặp Đại tướng nhiều lần để trao đổi về suy nghĩ, cả trang phục Đại tướng mặc trong giờ phút lịch sử ấy nhưng bức tranh được phác thảo nhiều lần mà cụ vẫn chưa vừa ý. Vì thế, cụ vẫn cảm thấy mắc nợ Đại tướng, vẫn thấy canh cánh bên lòng.

Dù gần một năm nay không động đến cây cọ do sức khỏe yếu, nhưng khi nghe tin sắp có tuyến đường sắt vào Quảng Bình, họa sĩ hy vọng mình sống được đến ngày ấy để vào thăm mộ Tướng Giáp. Trước đây, Phan Kế An nhiều lần chứng kiến Tướng Giáp kiên trì trong công việc. Dù ở cương vị nào, làm công việc gì, chưa bao giờ vị Đại tướng than phiền mà vẫn làm việc tận tâm, tận lực. Vì thế, học tập Đại tướng, nhất định cụ sẽ hoàn thành bức tranh dang dở này.

Họa sĩ Phan Kế An được xem là một trong lứa những người đầu tiên đặt nền móng cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại, có công tìm ra hai gam màu xám xanh và xanh chàm nổi tiếng trong tranh sơn mài. Ông sinh năm 1923 tại Sơn Tây, đoạt giải nhất Triển lãm mỹ thuật toàn quốc (1951, 1955, 1960), Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (2001), Huân chương Độc lập hạng Ba với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Nhớ một chiều Tây Bắc, Bác Hồ làm việc tại lán Nà Lừa... Hầu hết văn nghệ sĩ uy tín của nước ta thời đó như Nguyên Hồng, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân... đều được Phan Kế An ký họa.

PHẠM HƯƠNG

;
.
.
.
.
.