Sáng 21-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu trong buổi thảo luận ở tổ |
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Theo ĐB, kinh tế vĩ mô xét về trung hạn sẽ không ổn định vững chắc, bởi nợ công quá lớn và ngày càng tăng, do bội chi ngân sách lớn, kéo dài liên tục hàng chục năm, gần đây lại có chiều hướng tăng lên. Nợ xấu ngân hàng đã lớn, không dễ giải quyết, lại có xu hướng tăng.
Công ty mua bán nợ xấu VAMC mua được 56.000 tỷ đồng nhưng mới xử lý 1.462 tỷ đồng, rõ ràng là chỉ mới gom nợ xấu từ các ngân hàng thương mại về và cơ bản để nằm đó. Đây chẳng qua là thủ thuật về tất toán kế toán. Vẫn còn hơn 215.000 tỷ đồng nợ xấu còn đó và nằm ở hai nơi là ngân hàng thương mại và VAMC.
Theo ĐB, tình hình doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, là nguyên nhân trực tiếp làm kinh tế tăng trưởng chậm trong những năm gần đây. Trong 9 tháng đầu năm 2014, có 53.192 doanh nghiệp đăng ký thành lập, giảm 8,7% so với cùng kỳ; trong khi đó có 48.330 doanh nghiệp tạm ngưng hoặc chấm dứt hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ; hơn 60% doanh nghiệp khai thuế báo lỗ…
ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng nếu không giải quyết tốt các vấn đề để doanh nghiệp ăn nên làm ra thì KT-XH không thể phát triển nhanh và bền vững. ĐB nhận định, sự bất bình đẳng ngày càng tăng là nguy cơ gây bất ổn xã hội. Thu nhập, cuộc sống các tầng lớp dân cư càng tăng chênh lệch. Tầng lớp trí thức trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học mới ra trường không tìm được việc làm ngày càng nhiều, tính đến hết quý 1 năm 2014 có đến 241.500 cử nhân, thạc sĩ không tìm được việc làm.
Về biện pháp, ĐB đề nghị cần kiềm chế bội chi ngân sách bằng cách tiết kiệm chi tiêu thường xuyên và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Cần phải tính trái phiếu Chính phủ vào bội chi ngân sách và nợ công. Phải tính đủ nợ công, bao gồm cả nợ chính quyền địa phương, nợ của các doanh nghiệp Nhà nước, nợ do Chính phủ bảo lãnh, nợ trái phiếu… và kiểm soát chặt chẽ nợ công.
Tập trung xử lý nợ xấu ngân hàng theo hướng vừa xử lý nợ cũ vừa ngăn chặn không cho phát sinh nợ mới, chú ý vấn đề xử lý tài sản thế chấp, cầm cố khi đến hạn người vay không trả được nợ. Cần thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực theo cơ chế thị trường, khắc phục tình trạng xin cho, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, bất bình đẳng trong cơ hội kinh doanh và tiếp cận các nguồn lực. Đổi mới, kiên quyết thay thế và cắt giảm đội ngũ công chức Nhà nước, thực hiện yêu cầu vừa cắt giảm biên chế vừa nâng cao năng lực, chất lượng công tác quản lý Nhà nước ở tất cả các cấp.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để đưa nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn trì trệ, tạo điều kiện phát triển nhanh và bền vững. ĐB cho rằng nền kinh tế nước ta đang phục hồi nhưng quá yếu ớt. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để tăng tổng cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Cần tập trung các biện pháp tổng hợp cùng Ngân hàng Nhà nước ưu tiên giải quyết vấn đề nợ xấu một cách căn cơ trong năm 2015.
Ngân hàng Nhà nước nên mạnh dạn hạ lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn để kích thích ngân hàng thương mại hạ lãi suất trung, dài hạn. Nghiên cứu cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm mục đích khuyến khích nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm nông nghiệp. Tiến hành rà soát lại tình hình thực tế giải ngân dự án đầu tư ngân sách và nợ xây dựng cơ bản, vấn đề sử dụng và giải ngân vốn trái phiếu, tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục quy trình giải ngân để phát huy tác dụng của nguồn vốn Nhà nước và xem đây là kênh rất quan trọng để kích hoạt tổng cầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, báo cáo KT-XH của Chính phủ đã tiếp thu nhiều vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến. Tuy nhiên, theo Nghị quyết Quốc hội quyết định bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 là 4,5%, nhưng báo cáo Chính phủ vẫn để ở mức 5%.
Về mục tiêu tổng quát năm 2015 đã thảo luận kỹ, nhưng báo cáo vẫn dùng hàng loạt các từ như “tăng cường, đẩy mạnh, phấn đấu, nâng cao...” gần giống như nghị quyết, rất chung chung, không cụ thể. Về tiền lương, theo lộ trình thì năm 2014 phải tăng lương nhưng không tăng được, sang năm 2015 cũng nói không tăng lương được. ĐB cho rằng vấn đề này cũng rất khó, dễ gây bức xúc.
PHẠM HỮU HOA