Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Ngọc Tuấn tại buổi làm việc sáng 10-10 với nhà sáng chế Phan Đình Phương về các ý tưởng cảnh quan đối với 3 cây cầu bắc qua sông Hàn.
Nghiên cứu nâng đầu rồng lên cao hơn đuôi rồng
Tại buổi làm việc, nhà sáng chế Phan Đình Phương, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty CP KHCN An Sinh Xanh (ASX, Đà Nẵng) đã trình bày với lãnh đạo TP Đà Nẵng cùng đại diện các Sở Xây dựng, GTVT, VH,TT&DL, TN&MT, Viện Quy hoạch xây dựng, các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn những ý tưởng độc đáo đối với cầu Rồng và cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Sáng 10-10, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các sở, ngành, địa phương liên quan đã nghe nhà sáng chế Phan Đình Phương trình bày các ý tưởng đối với cầu Rồng, cầu Sông Hàn và cầu Nguyễn Văn Trỗi |
Trong đó ông Phan Đình Phương nêu nhận xét, nhìn đầu rồng hiện nay của cầu Rồng có cảm giác bị “đè” xuống do được đặt ở điểm thấp nhất của phần con rồng ở thượng bộ cầu. Vì vậy ông đề nghị thay bằng đầu rồng mới chỉ nặng khoảng 3 - 3,5 tấn để nâng cao đầu rồng lên!”
Trưởng phòng Giám định và Quản lý chất lượng công trình (Sở GTVT Đà Nẵng) Bùi Hồng Trung cho hay, sở dĩ đầu rồng được đặt ở vị trí như hiện nay bởi theo thiết kế ban đầu thì khối lượng của nó chỉ khoảng 5,6 tấn. Tuy nhiên khi thiết kế kỹ thuật thì đầu rồng tăng lên thành 11,2 tấn và đến khi thiết kế vẽ thi công thì lên tới 16 tấn nhằm giữ được độ ổn định trong điều kiện gió bão.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn xác nhận, khi duyệt đồ án thiết kế đã xem xét kỹ lưỡng mô hình nhưng khi đưa vào thực tế thì dường như đầu rồng bị thấp. Vì vậy ông giao Sở GTVT nghiên cứu nâng đầu rồng lên cao thêm để tạo sự khác biệt giữa độ vươn của đuôi rồng và đầu rồng. Đầu rồng bao giờ cũng phải vươn cao hơn đuôi rồng!
Ông cũng thống nhất giao Công ty ASX phối hợp với các bên hữu quan thiết kế việc phun lửa, phun nước trên cầu Rồng theo nhạc (giống như trình diễn pháo hoa trên nền nhạc), phun sương dọc cả thân rồng như rồng đang uốn lượn trong mây để làm sinh động thêm sản phẩm du lịch độc đáo này của Đà Nẵng. Việc phun lửa vẫn giữ là “lửa thật” như hiện nay nhưng nghiên cứu giảm bớt mức độ khói hiện quá đen.
Khai thác cầu Nguyễn Văn Trỗi, chiếu sáng bờ kè và phun nước trên sông Hàn
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đã nói ý tưởng thì phải có sự khác biệt, thậm chí “điên rồ”, song cũng phải mang tính khả thi để đi vào cuộc sống. Trên tinh thần đó, ông ghi nhận và đề nghị Công ty ASX tiếp tục mời các nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng để triển khai ý tưởng xã hội hóa việc khai thác cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi không phải cho mục đích giao thông.
Theo đó, ông đồng ý làm sàn trên 13 mố và dầm đỡ cầu (trước năm 1975 dự định xây thêm một cây cầu cạnh cây cầu hiện nay) để mở các quán café, chỗ nghỉ chân, nơi ngắm cảnh, chụp hình... nhưng không xây các nhà vòm vì sẽ ảnh hưởng đến kiến trúc đặc sắc của cầu. Đồng thời nghiên cứu thiết kế hệ thống phun nước ở phía Bắc cầu (hướng về trung tâm TP) để phục vụ người dân và du khách thưởng lãm. Ông yêu cầu Công ty ASX sớm hoàn chỉnh phương án, báo cáo TP xem xét quyết định.
Tại buổi làm việc, nhà sáng chế Phan Đình Phương cũng đề xuất các phương án tổ chức hệ thống phun nước trên cầu Sông Hàn nhằm làm cho công trình này thêm sinh động. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các sở, ngành cho rằng việc phun nước trên đỉnh cầu và hai bên thành cầu là không cần thiết do có thể gây ảnh hưởng đến giao thông và có nguy cơ phá hỏng kiến trúc của cầu cũng như cảnh quan chung.
Tuy nhiên, ông đồng ý giao Công ty ASX tiếp tục nghiên cứu việc phun nước ở hai trụ đỡ nhịp quay của cầu Sông Hàn, yêu cầu nước đảm bảo độ sạch cao (do nước sông Hàn bị nhiễm mặn) để không gây rét rỉ dầm cầu. Ông cũng thống nhất giao nhà sáng chế Phan Đình Phương nghiên cứu tổ chức phun nước ở hai bờ kè sông Hàn, lựa chọn vị trí, hình thức phun nước đảm bảo đẹp nhưng không ảnh hưởng tàu bè đi lại trên sông.
Đồng thời ông Nguyễn Ngọc Tuấn giao Sở Xây dựng nghiên cứu, kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa để tổ chức hệ thống chiếu sáng gầm bờ kè (cao hơn mặt nước) chiếu xuống sông để dòng sông thêm “rộng” ra, và khi kết hợp với các màn phun nước sẽ khiến cảnh quan hai bên bờ sông rất đẹp. Ông cũng ghi nhận và cho biết sẽ nghiên cứu, cân nhắc về thời điểm vận hành nhịp quay của cầu Sông Hàn (không chỉ vào giờ khuya như hiện nay) và các biện pháp phù hợp để phục vụ người dân và du khách thưởng lãm.
Theo Infonet