Sáng 28-10, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật hộ tịch. Nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến là về cấp giấy khai sinh cho trẻ em.
Đa số đại biểu cho rằng, cần duy trì quy định cấp Giấy khai sinh, bởi đây là văn bản pháp lý đầu tiên nhà nước cấp cho công dân, là cơ sở cho các giấy tờ khác cho quản lý nhà nước và cũng là cơ sở để cấp thẻ căn cước công dân.
Do đó, thẻ căn cước không thể thay thế cho giấy khai sinh. Khi cấp giấy khai sinh cho trẻ, cơ quan Nhà nước sẽ cấp kèm số định danh và số này sẽ là số thẻ căn cước công dân khi trẻ đủ 14 tuổi.
“Nếu chúng ta cấp luôn thẻ căn cước cho trẻ ngay khi trẻ chào đời thì sẽ rất lãng phí, vì trẻ dưới 14 tuổi có đặc điểm nhân dạng thay đổi rất nhanh, hơn nữa ở độ tuổi này, trẻ không phải chịu bất cứ trách nhiệm dân sự, hình sự nào. Vì vậy, việc cấp thẻ căn cước chỉ nên thực hiện khi trẻ đủ 14 tuổi”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Bình Phước nói.
Các đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Quảng Nam, Nguyễn Thanh Hải - Hòa Bình, Trần Văn Tấn - Tiền Giang, Trần Thị Quốc Khánh - Hà Nội… cũng nhất trí tiếp tục duy trì hình thức cấp giấy khai sinh và nhấn mạnh thêm rằng, trên thực tế, việc dùng giấy khai sinh không gây vướng mắc, khó khăn gì.
Hiện nay, có tới 70% thủ tục hành chính yêu cầu xuất trình giấy khai sinh.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cụ thể hóa các quy định liên quan đến đăng ký khai sinh lưu động; có quy định đặc thù về việc cấp giấy khai sinh với trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; làm rõ khái niệm về “người thân thích khác” được phép làm khai sinh cho trẻ; quy định về việc đăng ký giấy khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ sinh ra do mang thai hộ, trẻ sinh ngoài giá thú…
“Tiếp tục duy trì việc cấp giấy khai sinh là cần thiết, phù hợp với công ước quốc tế và các luật liên quan đến quyền trẻ em. Tuy nhiên, dự luật cần cụ thể hóa nội dung, hình thức cấp giấy khai sinh, kết nối cơ sở dữ liệu của giấy khai sinh với hệ thống quản lý dữ liệu quốc gia về hộ tịch, thông tin cá nhân…”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh góp ý thêm.
Làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ cũng nhất quán với quan điểm đề nghị Quốc hội vẫn nên duy trì quy định về cấp giấy khai sinh bởi đây là loại giấy rất quan trọng đối với đời người, với trẻ em.
Ngoài các góp ý về giấy khai sinh, các đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định liên quan đến đăng ký kết hôn, quy định thẩm quyền đăng ký, thay đổi hộ tịch.
Theo Báo Hànộimới