Sáng 27-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Phòng Diên Hồng, Hội trường Ba Đình để thảo luận dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đã có bài phát biểu được cử tri quan tâm. Báo Đà Nẵng xin giới thiệu bài phát biểu của ông Huỳnh Nghĩa.
“Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là một trong những dự án luật cực kỳ quan trọng, khẳng định vai trò, vị trí của ngành Tòa án - cơ quan duy nhất trong bộ máy Nhà nước ta được Hiến pháp giao thực hiện quyền tư pháp.
Với tinh thần đó, tôi tham gia 3 vấn đề sau đây:
1- Về điều kiện bổ nhiệm thẩm phán (Điều 65)
Theo điều luật này thì có 4 ngạch Thẩm phán: Sơ cấp, trung cấp, cao cấp và Thẩm phán Tòa án Tối cao (TATC).
Hiện nay, quy định về tiêu chuẩn cán bộ và tiền lương của các ngạch Thẩm phán sơ cấp, trung cấp, Thẩm phán TATC tương ứng với 3 ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp.
Trước hết, tôi hoàn toàn thống nhất khoản 1 Điều 65 về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp.
Tuy nhiên, tại các khoản 2, 3 Điều 65 về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp, cao cấp chưa tương xứng với tiêu chuẩn bổ nhiệm chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; bởi các lý do sau đây:
- Theo quy định tại các Điều 44, 45, 46 Luật Cán bộ công chức thì công chức Nhà nước khi có đủ các điều kiện để được bổ nhiệm vào ngạnh cao hơn, trước khi bổ nhiệm phải trải qua kỳ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh.
Thẩm phán cũng là công chức Nhà nước. Tiêu chuẩn chức danh Thẩm phán phải được quy định bằng hoặc cao hơn các chức danh khác tương đương. Vậy thì không có lý do gì các chức danh khác trước khi được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn phải trải qua kỳ thi nâng ngạch, còn Thẩm phán lại không thi.
Luật Cán bộ công chức là một đạo luật cơ bản, điều chỉnh toàn bộ cán bộ, công chức quốc gia, kể cả cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng. Còn Luật Tổ chức Tòa án chỉ điều chỉnh một đối tượng duy nhất là cán bộ, công chức ngành Tòa án. Vì vậy, xây dựng Luật Tổ chức Tòa án trước hết phải tuân thủ những quy định mang tính nguyên tắc của Luật Cán bộ công chức, trong đó nguyên tắc cơ bản nhất là khi bổ nhiệm công chức vào ngạch cao hơn phải trải qua kỳ thi nâng ngạch cạnh tranh.
Đây là một quy định bất di bất dịch. Đã thực hiện thi nâng ngạch thì tất cả cán bộ công chức đều phải thi, ngành nào cũng phải thi, kể cả cán bộ, công chức khối Đảng hiện nay cũng phải thi, không có ưu tiên, không có vùng cấm. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Điều 65 theo hướng, quy định Thẩm phán trước khi được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn phải trải qua kỳ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh.
Có như vậy, chúng ta mới thật sự lựa chọn được những Thẩm phán ưu tú để bổ nhiệm vào ngạch cao hơn. Nhân đây, tôi cũng đề nghị đối với các chức danh Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Điều tra viên cũng đều phải tổ chức thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương đồng trong trình tự bổ nhiệm các chức danh công chức trong bộ máy Nhà nước.
2- Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (Điều 66, 67)
- Đây là một chế định hoàn toàn mới, lần đầu tiên có ở nước ta. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 67 thì Hội đồng bao gồm lãnh đạo một số cơ quan Trung ương phải thực hiện quá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn là không khả thi. Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu lại khoản 2 Điều 66 theo hướng, giao cho một đồng chí lãnh đạo Quốc hội hoặc Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia nhằm bảo đảm tính khách quan; Chánh án TATC là thành viên thường trực.
Hội đồng này có 4 nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mang tầm quốc gia là: Tổ chức kỳ thi tuyển chọn nguồn Thẩm phán; xem xét, đề nghị Chánh án TATC trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán tối cao và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, lối sống Thẩm phán tối cao.
- Xuất phát từ thực tế hoạt động rất hiệu quả của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán cấp tỉnh thời gian qua, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ tính khả thi của Điều 67 theo hướng, giao nhiệm vụ xem xét, đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án địa phương và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, lối sống của Thẩm phán Tòa án địa phương cho Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán cấp tỉnh như mô hình hiện nay. Vì không ai sát người, sát việc và nắm rõ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống, công việc hằng ngày của từng Thẩm phán ở địa phương bằng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Bởi vậy, không có lý do gì phải xóa bỏ Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán cấp tỉnh để dồn về Trung ương, gây ùn tắc không cần thiết.
3- Vấn đề án lệ (điểm c khoản 2 Điều 22 )
Tôi thống nhất phần tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giao nhiệm vụ phát triển án lệ cho TANDTC. Điều này phù hợp với Nghị quyết số 48, 49 của Bộ Chính trị và Điều 104 Hiến pháp.
Thực tiễn công tác xét xử cho thấy, pháp luật hiện nay chưa điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Một số quy định chưa rõ ràng và có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật thường phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm cá nhân của Thẩm phán.
Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bản án bị hủy, sửa nhiều. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật thì rất cần phải lựa chọn và ban hành án lệ để các Thẩm phán nghiên cứu, áp dụng, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn hiện nay.
Về phía người dân, án lệ sẽ giúp họ nắm rõ, dự báo được kết quả xét xử vụ án, tránh tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, chạy án, gây rối loạn xã hội.
Về phía Tòa án, sử dụng án lệ sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án xử oan, sai; đồng thời ngăn chặn tình trạng “lách luật” do tiêu cực.
Vì vậy, tôi đề nghị cần thiết phải xây dựng và phát triển án lệ nhằm góp phần bảo đảm công lý, giữ vững tính nghiêm minh của pháp luật”.