.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10

.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận hình kinh tế xã hội, làm rõ một số vấn đề liên quan đến nợ công, cơ cấu thu chi ngân sách, nợ xấu và giải pháp kiểm soát để đạt được mục tiêu đến năm 2015 nợ xấu chỉ còn 3%.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hôm nay, 29-10, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10-2014.

Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2014; dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo vệ rừng; dự thảo Nghị định của Chính phủ về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của sự nghiệp công lập; Báo cáo Đề án Mô hình chính quyền địa phương; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về du lịch…

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được trình bày tại phiên họp cho thấy, trong 10 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02-01-2014 của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi trong tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu với mức tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ hai năm trước.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao hơn nhiều so cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, năng suất và sản lượng lúa hè thu tăng cao so cùng kỳ; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, tiếp tục có xuất siêu; xuất khẩu khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước cải thiện đáng kể với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ và đạt xấp xỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khách quốc tế đến Việt Nam tăng so với cùng kỳ.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp, so với tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 11 năm qua. Lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi đạt khá; thu hút vốn FDI tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tiến độ thu NSNN đạt cao hơn cùng kỳ các năm trước, bảo đảm các nhu cầu chi của NSNN. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế của nền kinh tế, trong đó có: hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn ở mức cao; tăng trưởng tín dụng tuy đã có những cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp; tổng mức bán lẻ có chuyển biến nhưng chậm; ở một số địa phương, tình trạng cháy rừng vẫn còn diễn biến phức tạp...

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận hình kinh tế xã hội, làm rõ một số vấn đề nổi lên liên quan đến nợ công, cơ cấu thu chi ngân sách, nợ xấu và giải pháp kiểm soát để đạt được mục tiêu đến năm 2015 nợ xấu chỉ còn 3%; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh…

Về vấn đề nợ công, Thủ tướng đề nghị các thành viên chính phủ phải làm rõ 2 nội dung quan trọng là tính hiệu quả trong sử dụng các nguồn vốn vay và khả năng trả nợ đi đôi với thực hiện mục tiêu kiểm soát nợ công trong những năm tiếp theo.

Cùng với nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các thành viên Chính phủ phân tích thêm về thu, chi ngân sách, tập trung làm rõ cơ cấu chi trong đó có chi thường xuyên, chi đầu tư từ ngân sách và chi cho trả nợ và viện trợ; đề ra giải pháp, lộ trình mục tiêu để điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách hợp lý hơn trong thời gian tới.

Liên quan đến xử lý nợ xấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là vấn đề đã được Chính phủ thảo luận nhiều, ngay từ đầu năm Chính phủ đã thực hiện quyết liệt chủ trương tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu. Trên cơ sở này, Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2015 tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 3%; yêu cầu các thành viên Chính phủ làm rõ tiêu chí để tính tỷ lệ nợ xấu, từ đó kiến nghị giải pháp, lộ trình thực hiện một cách vững chắc mục tiêu này.

Nhấn mạnh một vấn đề nổi lên thời gian qua, như tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành báo cáo cụ thể tình hình doanh nghiệp trong 10 tháng qua gắn với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.
.