.

Trái tim không tật nguyền

.

Họ là những người khuyết tật nhưng luôn lạc quan, yêu đời với mong muốn được hòa nhập cộng đồng. Tại chương trình Tiếng hát người khuyết tật thành phố Đà Nẵng diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua, những người khuyết tật chứng minh rằng, họ mang trong mình những trái tim không tật nguyền.

Anh Nguyễn Bá An hào hứng biểu diễn ca khúc Vững bước tại cuộc thi Tiếng hát người khuyết tật.
Anh Nguyễn Bá An hào hứng biểu diễn ca khúc Vững bước tại cuộc thi Tiếng hát người khuyết tật.

Người đàn ông đa tài

Tại Hội Người khuyết tật quận Thanh Khê, cái tên Nguyễn Bá An được nhắc đến với cả sự yêu mến lẫn thán phục. Vẽ tranh, dạy nhạc, sở hữu gần 30 HCV bắn súng, bóng bàn, cầu lông, tennis…, tất cả tài năng ấy hội tụ trong người đàn ông này. Với anh, thể thao “là con đường ngắn nhất để hòa nhập và khẳng định mình nên không thể từ bỏ”. Ngoài ra, anh An còn đứng ra thành lập nhóm Đồng Cảm, vận động những người khuyết tật khác tham gia chơi thể thao để cùng giúp mọi người vận động cơ thể và có cơ hội hòa nhập cộng đồng tốt hơn.  

Không chỉ chơi thể thao giỏi, anh An còn được biết đến là người hát rất hay và đã làm thơ, tự phổ nhạc câu chuyện đời mình thành ca khúc Vững bước. Ca khúc này đã đoạt giải nhất cuộc thi văn nghệ tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2002.

Cuối tháng 9 vừa qua, ca khúc Vững bước lại được anh An trình bày tại cuộc thi Tiếng hát người khuyết tật thành phố Đà Nẵng lần thứ 1. Nhìn nụ cười tươi sáng, nhìn cách anh đùa với chiếc xe lăn như đang chơi đùa cùng người bạn tâm giao sẽ cảm nhận được nghị lực và niềm tin yêu cuộc sống luôn cháy bỏng trong anh. Và cũng tự khi nào Vững bước đã trở thành khúc ca yêu thích của người khuyết tật ở Đà Nẵng.

Lời bài hát: “Vui lên các bạn ơi, ta bên nhau góp sức xây đời/ Vươn lên các bạn ơi, một ngày mai sáng tươi chân trời mới…/ Tàn nhưng không phế, vững bước đi trên cuộc đời/ Tàn nhưng không phế, xung quanh ta còn có mọi người” là lời động viên, là mong ước chung của hàng ngàn người khuyết tật trên mảnh đất Đà thành này. Anh An tâm sự: “Khi hát, mình cảm thấy rạo rực, yêu đời. Người khuyết tật dù có những khiếm khuyết nhất định nhưng phải làm sao để những khó khăn của cơ thể không cản bước chân ta”.

Con sẽ đàn hát cho ba mẹ nghe

Nguyễn Trung Nghĩa (13 tuổi), đang học tại Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu và theo học hòa nhập tại Trường THCS Ngô Thì Nhậm là một trong những cây văn nghệ tiêu biểu của trường. Bị đục thủy tinh thể bẩm sinh và rất khó khăn trong việc đi lại nhưng Nghĩa luôn sẵn sàng tham gia mọi hoạt động múa, hát.

Nghĩa quê ở xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, được bố mẹ gửi ra học tại Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu 2 năm nay. Nghĩa chỉ được về thăm nhà vào dịp nghỉ hè, ba mẹ cũng bận chuyện đồng áng nên không thể thường xuyên ra thăm em. Mỗi ngày trôi qua, em vẫn tự nhủ mình phải cố gắng học tập, mạnh khỏe để ba mẹ an lòng. Em hào hứng kể cho tôi nghe về niềm đam mê của mình. Nghĩa chia sẻ, em rất thích vừa tự đàn organ vừa hát. Và để đạt được mơ ước đó, ngày ngày, em vẫn nỗ lực học đàn để “sớm về đàn hát cho ba mẹ nghe”.

Tại cuộc thi Tiếng hát người khuyết tật, Nghĩa tham gia biểu diễn hai tiết mục là chơi nhạc cụ đàn tre lắc bài Dân ca Tây Bắc và múa Đêm trăng tháp cổ. Nghĩa bộc bạch: “Con rất vui vì bạn bè ở trường luôn giúp đỡ con, không phân biệt đối xử với con. Trong tương lai, con mơ ước trở thành bác sĩ để chữa đau cột sống cho mẹ và chữa bệnh cho những người bị như con”.

Bài và ảnh: NGUYÊN KHOA

;
.
.
.
.
.