.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 32

.

Sáng 6-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII khai mạc phiên họp thứ 32, cho ý kiến đối với một số dự án luật, báo cáo của Chính phủ để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào cuối tháng 10.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên họp. Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành họp thường kỳ tại trụ sở Nhà Quốc hội mới (Ba Đình, Hà Nội) sau 5 năm tập trung xây dựng, dưới sự giám sát, kiểm định chặt chẽ.

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 32, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng cảm ơn Ban Chấp hành trương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân và cử tri cả nước đã chấp thuận và triển khai xây dựng trụ sở Nhà Quốc hội mới kế thừa vị trí Hội trường Ba Đình lịch sử trước đây.

Nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của phiên họp lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Đây là phiên họp nhằm hoàn tất mọi công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 sắp tới, trong đó có việc vận hành thử nghiệm trụ sở Nhà Quốc hội mới.

Sau kiểm toán phải đề xuất hướng xử lý trách nhiệm

Trong buổi làm việc đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Kế hoạch kiểm toán 2015. Theo Tờ trình của Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong năm 2015, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán tổng hợp và phân bổ ngân sách của các địa phương; đẩy nhanh công tác kiểm toán, đảm bảo công khai, minh bạch một số công trình, dự án mà dư luận quan tâm.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ tăng cường kiểm toán toàn diện để đánh giá tài chính, ngân sách đất nước cho giai đoạn phát triển tới năm 2020, đồng thời phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, tránh trùng chéo.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đến ngày 30-9, cơ quan này đã triển khai 143/186 cuộc kiểm toán (đạt 76,9% kế hoạch năm 2014).

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán của 63 cuộc kiểm toán đã có báo cáo kiểm toán phát hành, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.556,6 tỷ đồng; trong đó tăng thu 1.311,6 tỷ đồng; giảm chi 196,6 tỷ dồng; xử lý khác 2.448,4 tỷ đồng.

Đối với việc kiểm toán trụ sở Nhà Quốc hội mới đang được tiến hành theo phương thức xây dựng đến đâu kiểm toán đến đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Kiểm toán Nhà nước phấn đấu hoàn tất công tác kiểm toán đối với công trình này trên cơ sở các tiêu chí: an toàn trong xây dựng, chấp hành đúng các quy định của pháp luật; không tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo chất lượng, tiến độ, và công năng sử dụng.

“Phấn đấu đến Kỳ họp thứ 9, báo cáo Quốc hội về kết quả kiểm toán công trình này, đảm bảo công khai, minh bạch trước Quốc hội và nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Góp ý tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, không nên dàn trải hoạt động kiểm toán năm 2015 đối với tất cả các tỉnh, thành phố mà nên bám sát các chương trình giám sát và các công trình, dự án mà Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số ý kiến nhấn mạnh đến vai trò là công cụ phát hiện sai phạm trong thu chi ngân sách, đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần đặc biệt quan tâm, kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Có ý kiến đề nghị phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với việc kiểm toán các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam nhưng thường xuyên báo lỗ, có hành vi chuyển giá, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Chiều 6-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tin tức

;
.
.
.
.
.