Vừa rời Singapore, tàu Sunrise đã bị nhóm cướp có vũ trang áp sát và đột nhập. Chúng nhốt thuyền viên trong phòng kín, lái tàu ra khỏi luồng để cướp dầu và phá các thiết bị liên lạc, bánh lái trước khi bỏ đi.
Tàu Sunrise còn khá mới, được trang bị nhiều phương tiện hiện đại. Ảnh công ty cung cấp. |
Sáng 9-10, ông Đào Văn Quảng, giám đốc Công ty Cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng bất ngờ nhận được điện thoại từ thuyền trưởng tàu Sunrise Nguyễn Quyết Thắng, báo về việc tàu vừa được cướp biển thả ra.
Theo thông tin ông Quảng nhận được từ thuyền trưởng Thắng, vụ cướp xảy ra khoảng 2h40 ngày 3-10 giờ Việt Nam, khi tàu vừa ra khỏi luồng Singapore. Hàng chục tên cướp có vũ trang bất ngờ cập mạn, đánh trọng thương 2 thuyền viên (trong đó có máy trưởng) và khống chế 16 người khác.
Nhóm cướp chiếm buồng lái, phá hủy máy móc, lấy hết tư trang và nhốt các thủy thủ trong phòng kín. "Bọn cướp đánh tàu đi trên biển 4 ngày, rồi neo đậu tại một nơi không rõ vị trí, không ai biết đi đâu", ông Thắng cho hay.
Lênh đênh nhiều ngày, các thủy thủ đã cảnh báo bọn cướp: "Tàu chúng tôi mất liên lạc dài ngày, nếu các anh không rời tàu sẽ bị các lực lượng chức năng Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam và các nước bắt giữ".
Toán cướp sau đó đưa tàu lớn áp mạn Sunrise rồi bơm hút toàn bộ hơn 5.000 tấn dầu. Đến 1h ngày 9-10, chúng rời đi bằng tàu cá số hiệu KNF 7858, mũi tàu treo cờ Malaysia, đuôi tàu treo cờ Việt Nam. Trước khi đi, chúng phá hủy bánh lái cùng toàn bộ trang thiết bị hàng hải, điện thoại cá nhân của 18 thuyền viên.
Trong tình trạng bánh lái hỏng, không có phương tiện thông tin liên lạc, chỉ còn chiếc la bàn, thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng lái tàu theo kinh nghiệm về hướng Việt Nam. Chạy được khoảng 5 giờ đồng hồ, ông Thắng gặp được tàu cá và nhờ liên lạc về đất liền báo tin.
Khoảng 5h ngày 9-10, ông Thắng tính toán tàu Sunrise cách tây nam Hòn Khoai (Kiên Giang) 78 hải lý. Trong hai người bị thương thì "một người đang dần hồi phục, một người chưa thể đi lại vì gãy xương ngón chân trái và vỡ xương bánh chè", trưởng tàu Thắng thông báo.
Ngay khi bắt được tín hiệu, lúc 7h sáng nay, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã điều 2 tàu CBS 2001 và CBS 2004 từ đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và Năm Căn (Cà Mau) xuất phát đi tìm kiếm. Đến 7h30, tàu CSB 2001 đã liên lạc được với Sunrise 689.
11g30 trưa nay, Đại tá Lê Văn Minh - Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát biển vùng 4 cho biết đã điều 4 tàu tiếp cận tàu Sunrise 689. Đến 14h05, tàu Cảnh sát biển mang số hiệu 2004 đã cập mạn tàu Sunrise 689. Các y bác sĩ ngay lập tức kiểm tra vết thương ở chân cho máy trưởng, trong khi đó, thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng làm việc với cảnh sát biển.
Tất cả 18 thuyền viên trên tàu đều muốn theo tàu về Vũng Tàu, kể cả máy trưởng bị thương. Sở dĩ họ muốn về Vũng Tàu (hành trình dài hơn so với về Hòn Khoai, Kiên Giang) là vì ở đó có cơ sở chữa tàu chuyên nghiệp, có các thiết bị thay thế.
Với tốc độ di chuyển 6-7 hải lý một giờ, đêm nay tàu mới đến Vũng Tàu.
Truyền thống cướp biển từ nhiều thế kỷ Vụ tàu Sunrise bị tấn công mới đây làm dấy lên quan ngại cướp biển ở Đông Nam Á. Vùng biển nguy hiểm nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, theo đánh giá của các chuyên gia hàng hải, là eo biển Malacca và eo biển Singapore. Theo Tổ chức chống cướp biển châu Á ReCAAP (www.recaap.org) và Cục Hàng hải quốc tế (IMB), cướp biển đã hoạt động mạnh trên eo biển Malacca từ thế kỷ 14. Đặc biệt trong thế kỷ 18 và 19, cướp biển hoạt động dữ dội khi thực dân châu Âu đến Đông Nam Á, thúc đẩy giao thương trên biển. Năm 2004, các vụ tấn công cướp biển ở Malacca chiếm 40% tổng số thế giới. Indonesia là khu vực có nhiều cướp biển nhất năm 2007 với 93 vụ tấn công. Từ năm 2004, hải quân ba nước Indonesia, Malaysia và Singapore đã phối hợp tuần tra trên eo biển Malacca và eo biển Singapore để chống cướp biển. Sau đó hải quân Ấn Độ cũng tham gia tuần tra vào năm 2006. Nhờ đó các vụ cướp biển ở Malacca và eo biển Singapore giảm dần. Năm 2011, chính quyền các nước khu vực cho rằng nạn cướp biển ở Malacca đã chấm dứt. Tuy nhiên sang năm 2012 và 2013, cướp biển lại trỗi dậy ở Đông Nam Á. |
VnExpress/TTO