Chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền sáng nay, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) lo rằng 11 tỷ đồng tăng lương năm nay không đủ đáp ứng bức xúc lương thấp.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền |
Bộ trưởng đồng ý rằng tiền lương hiện mới đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu.
"Lần nâng này, dù dành 11 nghìn tỉ đồng, nhưng chưa thể giải quyết thỏa đáng vấn đề tiền lương. Lẽ ra theo lộ trình, 2015-2016 phải đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng do kinh tế, ngân sách khó khăn, nên Trung ương đã thảo luận và thống nhất trước mắt giãn lộ trình tiền lương", bà Chuyền nói.
Kể cả năm nay ngân sách cũng khó đáp ứng nguồn cho nâng lương, nhưng do Thủ tướng đã phê duyệt lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp nâng lên, mà lương công chức vẫn là 1.050 nghìn đồng, nên cũng phải dành 11 nghìn tỉ nâng lương cho các đối tượng khó khăn.
"Đây là một quyết định nhân văn, nhưng chỉ là một giải pháp, chưa thể giải quyết căn cơ vấn đề tiền lương", Bộ trưởng Chuyền nói.
ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) hỏi lương DNNN có thực hiện theo bộ luật Lao động không và bao giờ mới thực hiện?
Bộ trưởng Chuyền cho biết đã hướng dẫn việc triển khai thực hiện chính sách tiền lương trong doanh nghiệp, nhưng vẫn còn một vấn đề chưa giải quyết xong là việc xây dựng thang bảng lương trong doanh nghiệp.
"Ở các doanh nghiệp, lương thực tế chỉ mới chiếm 67% thu nhập của người lao động, chưa xác định được các khoản thu nhập khác là gì để đưa vào làm cơ sở đóng BHXH", bà Chuyền hứa sẽ nhanh hướng dẫn nốt vấn đề này ở DNNN.
Phản đối tuyển dụng phân biệt vùng miền
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu hiện tượng phân biệt địa phương trong tuyển dụng lao động ở miền Đông Nam Bộ gần đây, hỏi ý kiến của Bộ trưởng và hướng giải quyết.
ĐB Trương Minh Hoàng |
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định "hoàn toàn phản đối việc phân biệt này". "Pháp luật quy định người lao động được quyền lao động ở tất cả địa phương trong cả nước nếu nghề nghiệp phù hợp. Tôi sẽ yêu cầu đơn vị rút ngay yêu cầu đó để bảo vệ quyền của người lao động. Trước cũng có hiện tượng không nhận lao động Nghệ An, Thanh Hóa, đều không phù hợp quy định pháp luật".
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thì băn khoăn về con số nợ BHXH của các doanh nghiệp, 7 tỷ hay 12 tỷ đồng, và muốn Bộ trưởng giải thích nguyên nhân, đặc biệt từ công tác thanh tra
Bộ trưởng giải trình: Tổng số nợ bảo hiểm là 12 nghìn tỷ đồng, trong đó có 7 tỷ đồng nợ BHXH, còn lại là nợ BH y tế và thất nghiệp.
Nguyên nhân, theo bà Chuyền, là cho các chủ sử dụng lao động không nghiêm túc, cùng với chế tài xử phạt còn nhẹ, doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn, lương còn khó có để trả, sẵn sàng cố tình để nợ BHXH hơn là đi vay ngân hàng. Do đó phải tính đến việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động.
"Có một nguyên nhân nữa là tổ chức công đoàn địa phương thường không phản ảnh kịp thời vấn đề này. Đề nghị sắp tới công đoàn phải kiên quyết bảo vệ quyền lợi cho người lao động, khi biết doanh nghiệp chây ì cần báo cơ quan chức năng giải quyết ngay", bà Chuyền nói
Bộ trưởng Lao động cũng cho biết thanh tra ngành chỉ có 400 cán bộ trên cả nước mà phải thanh tra nhiều lĩnh vực khác, nên bà ủng hộ bổ sung quyền thanh tra cho cơ quan BHXH để tăng lực lượng.
Lao động nước ngoài vào theo đường du lịch
ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) lo trong khi sinh viên ta ra trường không tìm được việc làm thì lao động nước ngoài vào làm việc không phép lại gia tăng, có trường hợp lao động bất hợp pháp nhập cảnh theo nhiều đường khác nhau.
ĐB Đỗ Thị Hoàng |
"Chuyển dịch lao động là xu thế tất yếu, nhưng có nhiều hệ lụy từ quản lý lao động nước ngoài ngoài không phép. Bộ có kế hoạch trung, dài hạn để sử dụng lao động trong nước ra sao, và quản lý lao động nước ngoài như thế nào?", bà Hoàng hỏi.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Luật và nghị định về quản lý lao động nước ngoài đã quy định rõ đối tượng nào được phép vào VN làm việc: những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
"Thực tế vẫn có những lao động không có chuyên môn nghiệp vụ nhưng doanh nghiệp vẫn sử dụng, chủ yếu đi theo con đường du lịch và tham gia giai đoạn đầu xây dựng, phần đông là lao động TQ", Bộ trưởng nói.
Bộ Lao động đã phối hợp với ngành công an, ký hợp tác về việc kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp lao động nào nhập cảnh sai thì trục xuất.
"Cũng yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài công bố công khai rộng rãi nhu cầu sử dụng lao động. Vừa rồi ở Trà Vinh đã làm với một số doanh nghiệp TQ, theo quy định nếu thông báo 3 ngày mà lao động của ta không đáp ứng thì họ có quyền nhận lao động nước họ vào để đáp ứng nhu cầu tiến độ", Bộ trưởng Chuyền cho biết.
Bà Chuyền cũng chia sẻ: Mặc dù các doanh nghiệp kêu quy định quá chặt nhưng ta giữ nguyên tắc vì ta có nhiều lao động nên chỉ đồng ý nhận lao động chuyên môn kỹ thuật, chuyên gia từ nước ngoài.
Vietnamnet