* Lỡ kế hoạch tăng lương 7-8%/năm trong 5 năm tới
"Bổ nhiệm nhiều cấp phó gây lãng phí ngân sách và không được đồng thuận của xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói và thừa nhận có thực trạng sắp xếp cán bộ không phù hợp năng lực.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. |
Là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình được yêu cầu làm rõ vấn đề cải cách hành chính, chất lượng nền công vụ, giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan trung ương...
Về thi tuyển công chức, đại biểu Cao Thị Xuân băn khoăn khi gần đây có nhiều tiêu cực, hướng xử lý và trách nhiệm của Bộ như thế nào.
Bộ trưởng cho biết căn cứ vào luật cán bộ công chức, viên chức, các thông tư hướng dẫn, có nói đến đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch có ba môn thi: kiến thức chung, chuyên ngành (môn chính), tin học - ngoại ngữ (môn điều kiện) do Bộ Nội vụ chủ trì. Bộ biên soạn, hướng dẫn quy định về tiêu chuẩn, tổ chức thi, để đảm bảo khách quan, công khai, công bằng. Điều này hạn chế được tiêu cực.
Tuy nhiên một số địa phương vẫn có những tiêu cực. Việc thi tuyển cán bộ công chức thuộc thẩm quyền của tỉnh. Thi viên chức do Bộ, tỉnh phân cấp xuống từng địa phương để tuyển viên chức phù hợp. Địa phương nào có sai sót Bộ đều cử đoàn xuống đề nghị kiểm tra, làm rõ.
Việc ở Bộ Công thương là thanh tra đột xuất. Từ đầu nhiệm kỳ khóa 13, do phạm vi rộng, nên chưa thực hiện được trong 45 ngày, theo quy định của luật thanh tra Bộ Nội vụ đã gia hạn để thực hiện cho tốt.
Trước thực trạng "lạm phát" cấp phó kéo dài, đại biểu Bùi Thị An yêu cầu Bộ Nội vụ giải trình nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng Bình cho biết, theo số liệu tương đối đầy đủ của năm 2013, công chức hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc là 34,33%, hoàn thành tốt nhiệm vụ là 58,08%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực 4,94%, không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có 0,46%. Viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,49%, hoàn thành tốt nhiệm vụ 50,14%, hoàn thành nhiệm vụ 8,06%, không hoàn thành nhiệm vụ 0,24%. |
Bộ trưởng Bình cho biết, quy định cấp phó trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được ghi rõ trong nghị định 187, nay được thay bằng nghị định 36. Quy định này không phải cứng mà cơ động, một số cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng, nếu tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Bộ muốn tăng thêm phải có đề án báo cáo cơ quan có thẩm quyền, thông qua nhiều kênh trong đó có ban cán sự đảng của Chính phủ, Ban Tổ chức trung ương, rồi Bộ Chính trị quyết định. Thủ tướng cũng có chỉ đạo để có cơ chế mềm, Bộ Nội vụ nhiều lần đề nghị có cơ chế cứng, nhưng qua thảo luận, bỏ phiếu thì không quá bán. Bộ Nội vụ đề nghị số lượng ít, ban cán sự đề nghị số lượng nhiều nên chưa gặp nhau được. Bộ Nội vụ cho rằng cần quy định cứng, Bộ nào có bao nhiêu thứ trưởng thì quy định rõ để không còn bàn cãi.
"Tôi đồng ý bổ nhiệm nhiều cấp phó gây lãng phí ngân sách và không được đồng thuận của xã hội", Bộ trưởng nói.
Nguyên nhân là do sức ép công việc, họp hành nhiều. Có những cuộc họp không phân công cấp phó đi thì không cho tham dự. Do đặc thù một số ngành, cũng cần cấp phó để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Bộ Nội vụ khi tôi về làm Bộ trưởng có 6 thứ trưởng, sau này là 7 nhưng giờ chỉ 4.
Công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của tỉnh quyết định. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có thiếu sót cũng chỉ có kiến nghị, đề nghị, nếu không được thực hiện thì báo cáo Thủ tướng để có hướng xử lý. Việc bổ nhiệm cán bộ có một số trường hợp thiếu tính gương mẫu. Tập thể cán bộ thiếu tính chiến đấu. Thực hiện các quy định không nghiêm.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bình cho biết, nếu quy định của pháp luật chưa cứng thì Bộ sẽ tham mưu với các cấp để có quy định cứng, thực hiện cho dễ. Nếu đã quy định cứng thì yêu cầu phải thực hiện nghiêm. Phải có đề án nghiên cứu với sự tham gia của nhiều Bộ, Ban ngành.
Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu bức xúc của dư luận khi người có năng lực không vào, mà vào rồi lại đi khỏi khu vực nhà nước ngày càng nhiều, ngược lại người kém năng lực vào nhà nước ngày càng nhiều, vì vậy số người sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về càng nhiều.
"Tại sao số kém năng lực lười nhác ngày càng nhiều, số kém năng lực muốn làm lãnh đạo càng lớn, nguyên nhân là do đâu, giải pháp đột phá để giải quyết là gì và đây có phải là nguyên nhân gây tham nhũng hay không?", ông Đương đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận thực trạng việc sử dụng cán bộ công chức, viên chức hiện chưa đúng với năng lực của từng người, cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm, chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, chế độ tiền lương chậm được cải thiện, đầu vào chưa thực sự tuyển được người có năng lực, tâm huyết.
Các giải pháp Bộ nội vụ đưa ra là đổi mới cơ chế đánh giá theo hướng cấp trên đánh giá cấp dưới, sử dụng người có năng lực vào làm nhiệm vụ. Ông Bình cho biết, Bộ Nội vụ được Bộ Chính trị giao xây dựng đề án về sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo tuyển được 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vào cơ quan của đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, các giải pháp về miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác đối với người không đáp ứng được nhu cầu công việc cũng được thực hiện. "Nghị định về tinh giản biên chế có thể triển khai ngay đầu năm 2015. Cách đây vài ngày, Bộ đã thông qua tập thể Bộ Chính trị và được thông qua. Chúng tôi đang hoàn thiện để kỳ họp tới có thể trình lên trung ương", Bộ trưởng Bình nói và cho hay, trong đề án này có nhiều giải pháp mạnh, hy vọng tinh giản biên chế sẽ đạt yêu cầu, mong muốn của nhân dân.
Về chính sách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ hứa sẽ tiếp tục chỉnh lại đề án cải cách chính sách tiền lương để báo cáo cấp trên xem xét thông qua vào thời điểm thích hợp, khi có đủ điều kiện thực hiện. Trong thời gian Trung ương chưa thông qua đề án “không bổ sung các loại phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm, đặc thù theo ngành, nghề”, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội từng bước điều chỉnh tiền lương cho phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng thông tin, tháng 4 vừa qua, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự kiến điều chỉnh mức lương cơ sở từ năm 2015 đến năm 2020 tăng bình quân từ 7-8%/năm. Theo đó, đến năm 2020 mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 56,5% so với hiện nay). Đồng thời với đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng được điều chỉnh bằng với mức tăng lương cơ sở, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công bằng hoặc cao hơn mức tăng tiền lương của người tại chức.
Tuy nhiên, do khả năng ngân sách nhà nước năm 2015 không bố đủ nguồn thực hiện phương án nêu trên, ông Bình phân trần, Chính phủ đã trình Quốc hội thực hiện điều chỉnh tiền lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước tăng thêm 8% từ ngày 1/1/2015 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (tức người có mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng). Dự kiến ngân sách nhà nước bố trí khoảng 11,1 nghìn tỷ đồng để thực hiện.
VnExpress/Dân trí