Hầu hết các thanh-thiếu niên (TTN) hư, vi phạm pháp luật trong diện cảm hóa theo chủ trương của thành phố Đà Nẵng có hoàn cảnh rất đáng thương. Để làm tốt công tác cảm hóa, giúp các em trở thành người tốt, cần đến với các em bằng cả tấm lòng.
Đại diện Quận Đoàn Sơn Trà hỏi thăm, động viên một trường hợp trong diện cảm hóa. |
Theo thống kê của Công an thành phố Đà Nẵng, chỉ riêng từ năm 2008 đến 2013, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.086 vụ phạm pháp hình sự với đối tượng phạm tội là các TTN hư, trong đó trẻ em vi phạm pháp luật dưới 16 tuổi là 796 em.
Dấu hiệu tích cực
Trước tình hình TTN vi phạm pháp luật, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 10-8-2009 về việc “giúp đỡ học sinh bỏ học và thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật”, giao nhiệm vụ cho 3 cơ quan gồm: Công an thành phố, Hội Cựu chiến binh và Thành Đoàn thực hiện.
Từ năm 2009 đến cuối năm 2013, có 499 em được đưa vào danh sách cảm hóa, giáo dục và có 431 em tiến bộ, đạt trên 86%; tỷ lệ tội phạm ở lứa tuổi chưa thành niên giảm rõ rệt. Năm 2009 có 262 vụ án do người chưa thành niên gây ra; năm 2010 còn 206 vụ; đến năm 2013 chỉ còn 180 vụ.
Riêng đối với Thành Đoàn, với mô hình “3+1” (1 TTN chậm tiến do 1 cán bộ Thành Đoàn, 1 cán bộ Quận đoàn và 1 cán bộ đoàn phường phụ trách), các cán bộ đã đến tận nhà các em động viên, thăm hỏi, tìm hiểu nguyện vọng của từng em để có biện pháp kèm cặp, giúp đỡ phù hợp. Cụ thể, hỗ trợ học phí để các em học nghề, chủ động làm việc với các trung tâm giới thiệu việc làm để tìm việc cho các em; hỗ trợ sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, xe đạp cho các em thật sự có nhu cầu… Nhờ sự giúp đỡ, động viên như vậy, nhiều em đã trở lại trường học; nhiều em đang theo học nghề may mặc, cơ khí, sửa xe…; một số em tìm được việc làm, tham gia tích cực phong trào Đoàn tại địa phương và không tái phạm.
Đến với các em bằng cả tấm lòng
Anh Lê Văn Tân, chuyên viên Ban Tuyên giáo Thành Đoàn Đà Nẵng, phụ trách công tác cảm hóa TTN hư cho biết: “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy, năm 2014, Thành Đoàn đảm nhận giúp đỡ 48 học sinh bỏ học và TTN vi phạm pháp luật. Hầu hết các em trong diện này đều có hoàn cảnh rất đáng thương: gia cảnh nghèo khó, ba mẹ ly hôn, ba hoặc mẹ mất, hoặc mồ côi cả ba mẹ phải sống với ông, bà. Hành vi vi phạm pháp luật của các em chủ yếu rơi vào trường hợp trộm cắp, đánh nhau, số ít sử dụng ma túy”.
Theo các cán bộ Đoàn đến gia đình em Võ Thị Hiền (SN 1997, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), chúng tôi khá chạnh lòng. Hiền sống với mẹ; một mình mẹ của em với gánh bánh bèo bán cho người dân trong xóm nuôi ba chị em. Mấy mẹ con không có nhà để ở, không có tiền thuê nhà trọ, bà con trong xóm thương tình cho mượn một khoảnh đất nhỏ, dựng tạm cái chòi đủ che nắng, che mưa. Hoàn cảnh khó khăn, Hiền đâm ra chán nản, học hành yếu kém rồi bỏ ngang chừng lớp 11. Em xin đi làm công nhân, rồi trộm cắp tài sản, được đưa vào diện cảm hóa trong năm nay. Qua nhiều lần tìm hiểu, các cán bộ Đoàn đã đến nhà lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Hiền, định hướng tư tưởng, giúp em chọn học một ngành nghề phù hợp để sau này có công việc ổn định. “Đối tượng học sinh bỏ học và TTN vi phạm pháp luật nếu nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ phía gia đình thì dễ dàng cảm hóa và tiến bộ nhanh. Khó khăn mà chúng tôi gặp phải là các em bỏ nhà đi lang thang, rời khỏi địa phương, rất khó gặp; hoặc trường hợp gia đình đi làm ăn xa, không có thời gian quan tâm đến các em nên nhiều trường hợp các em rất ngang bướng, lì lợm, bất hợp tác...”, anh Lê Văn Tân cho biết thêm.
Khó khăn là vậy, nhưng các cán bộ Đoàn không ngần ngại, quyết giúp các em trở thành người tốt. “Đảm nhận công tác này đã 6 năm, tiếp xúc với nhiều trường hợp, tôi nhận ra rằng hoàn cảnh đã xô đẩy các em đến với con đường sai trái. Các em vẫn khá nhỏ (từ 14-18 tuổi), độ tuổi nhận thức chưa rõ ràng và còn ham chơi, đua đòi. Vì vậy, nếu có người để các em tin tưởng, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, mở cho các em con đường thì sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời. Các cán bộ Đoàn chúng tôi tự nhủ cố gắng dành thời gian hỏi thăm, giúp đỡ, đến với các em bằng cả tấm lòng để các em thấy rằng mình vẫn được quan tâm”, anh Hà Đồng Tịnh, Bí thư Quận Đoàn Sơn Trà nói.
Ngoài sự nhiệt tình, sự cảm thông, chia sẻ, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã lên kế hoạch cụ thể để công tác cảm hóa đạt hiệu quả cao nhất. “Quan trọng nhất là sự quan tâm thường xuyên, kịp thời, hỗ trợ kinh phí và xử lý linh động từng trường hợp. Đối với các em có nhu cầu học nghề, cán bộ được phân công theo dõi chủ động tìm địa chỉ học nghề có ngành theo sở thích của các em, trực tiếp nộp học phí cho các em học. Đối với các em trở lại trường đi học, cán bộ được phân công theo dõi phối hợp với chi đoàn giáo viên trường tổ chức kèm cặp, phụ đạo kiến thức để các em theo kịp chương trình, tránh tình trạng chán nản do không hiểu bài vì bỏ học thời gian dài. Riêng đối với trường hợp chây ì, không có biểu hiện tiến bộ, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết kiến nghị đưa đi giáo dục cải tạo. Ngoài ra, cách hỗ trợ cũng phải thiết thực, chặt chẽ; quần áo, sách vở, xe đạp… đều tự tay cán bộ Đoàn mua và trao cho các em trước sự chứng kiến của gia đình. Với các gia đình quá khó khăn, Thành Đoàn cử cán bộ trực tiếp khảo sát và kiến nghị các cấp liên quan giải quyết để các em có chỗ ở ổn định”, anh Lê Văn Tân nói về nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên trong công tác cảm hóa TTN thời gian tới.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ