* Tiêu chuẩn đại biểu chuyên trách phải cao hơn
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 5-11, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), được xây dựng trên cơ sở sửa đổi và hợp nhất hai luật bầu cử hiện hành, nhằm cụ thể hóa các nội dung mới của Hiến pháp, bảo đảm thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức, chuẩn bị bầu cử.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận ở tổ về xây dựng luật. Ảnh: Phạm Hữu Hoa |
Làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn Hội đồng bầu cử quốc gia
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày cho rằng, về tiêu chuẩn đối với người ứng cử đại biểu (Điều 3), ngoài các tiêu chuẩn chung cho ĐBQH và đại biểu HĐND thì cần quy định thêm các điều kiện cần và đủ cho người được cơ quan, tổ chức giới thiệu làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ở từng cấp như về độ tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm công tác…
Theo ông Phan Trung Lý, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc nên quy định về số lượng và tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới. Bởi đây là các nội dung liên quan trực tiếp đến cơ cấu, tổ chức của Quốc hội, HĐND.
Về Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật về cơ cấu, tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần được tiếp tục rà soát, làm rõ thêm các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, cơ cấu tổ chức của Hội đồng; vai trò của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử đại biểu HĐND...
Liên quan đến các bước hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành giữ quy định về các bước hiệp thương do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì như trong dự thảo Luật.
So với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã đưa vào nhiều quy định mới để cụ thể hóa hơn nữa các bước, các công đoạn của quy trình bầu cử, chuyển hóa những quy định trong các văn bản hướng dẫn bầu cử đã được thực hiện ổn định vào Luật… Tuy nhiên, với việc hợp nhất hai luật bầu cử và sửa đổi một số nội dung trong quy trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử, Ủy ban Pháp luật nhận thấy còn một số nội dung cần được cân nhắc thêm.
Cụ thể, Luật chưa quy định rõ các căn cứ, nguyên tắc để giới thiệu, phân bổ người ứng cử đến các đơn vị bầu cử cụ thể, trong đó có cả việc bảo đảm yếu tố giới trong việc xác định người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử. Việc xử lý đối với các trường hợp khuyết người ứng cử tại đơn vị bầu cử chưa được quy định trong Luật mà giao cho Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn (khoản 3 Điều 56) là chưa phù hợp vì việc khuyết người ứng cử có thể dẫn đến việc bầu thiếu số đại biểu đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc không bảo đảm đủ số dư cần thiết để cử tri lựa chọn trong quá trình bầu cử.
Chiều 5-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) (sửa đổi).
Về dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong việc tổ chức bầu cử đại biểu HĐND địa phương. ĐB đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm các hình thức vận động bầu cử khác ngoài hai hình thức đã được quy định tại Điều 66 để người ứng cử và cử tri có thêm cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu nhau.
Luật phải quy định rõ các căn cứ, nguyên tắc để giới thiệu, phân bổ người ứng cử đến các đơn vị bầu cử cụ thể, tránh trường hợp trên thực tế vừa qua khi có những đơn vị bầu 6 người để lấy 3, có đơn vị bầu 5 lấy 3, có đơn vị lại bầu 4 lấy 2 đại biểu. ĐB nhất trí không quy định vào luật vấn đề kết thúc sớm bầu cử trong ngày bầu cử vì việc này không có nhiều ý nghĩa và còn có thể dẫn đến tình trạng thúc ép cử tri đi bầu cử sớm, bầu hộ, bầu thay. ĐB đề nghị tiếp tục quy định vào luật nguyên tắc khi nhiều người có số phiếu bầu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn trúng cử, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, dự thảo luật lần này mới chỉ nhập Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐB HĐND vào thành một luật chung, nhưng chưa thấy có gì là đổi mới. ĐB thống nhất ý kiến của ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên), luật cần quy định theo hướng, đại biểu chuyên trách phải có tiêu chuẩn cao hơn các đại biểu khác, phải là những người làm được việc.
ĐB đề nghị cần đổi mới công tác hiệp thương thì mới lựa chọn được những người xứng đáng đưa vào danh sách ứng cử viên. ĐB nhất trí với ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), luật cần quy định cho phép ứng cử viên được quyền vận động bầu cử trong khuôn khổ pháp luật.
Về Luật MTTQVN (sửa đổi), ĐB Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa thống nhất quan điểm của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN theo hướng, quy định luật này chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa MTTQVN với Nhà nước, các tổ chức và nhân dân, quy định về quyền và trách nhiệm cơ bản của Ủy ban MTTQVN.
Còn những quy định cụ thể về các tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu, điều kiện, thủ tục gia nhập MTTQVN, thôi làm thành viên MTTQVN, mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống MTTQVN nên quy định trong Điều lệ và những văn bản hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQVN. Luật chỉ nên quy định có tính chất khái quát để bảo đảm sự thống nhất với quy định của Hiến pháp, pháp luật và có tính ổn định tương đối cao. ĐB đề nghị cần xây dựng cơ chế để MTTQVN tham gia giám sát và phản biện xã hội nhằm bảo đảm thực chất, tránh hình thức.
B.T - PHẠM HỮU HOA