Được yêu cầu báo cáo vụ ông Trần Văn Truyền, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho hay Ban bí thư đã họp và chỉ đạo UB Kiểm tra TƯ kiểm tra đúng quy trình những vi phạm của ông Trần Văn Truyền.
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh tham gia trả lời sáng nay liên quan báo cáo của Chính phủ việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn tại 2 kỳ trước. Ông giải trình về giải pháp chống tham nhũng.
ĐB Lê Nam |
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nhắc lại vụ việc tài sản của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền và thắc mắc tại sao sự việc này đã lâu mà vẫn chưa thấy Chính phủ báo cáo với QH. Đây cũng là vấn đề được nêu ra tại phiên chất vấn Tổng TTCP tại kỳ họp trước hồi tháng 6.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng lưu ý ông Tranh đây là vấn đề Chính phủ cần báo cáo như một trong những việc cần thực hiện theo các nghị quyết của QH về chất vấn.
Đứng lên trao đổi lại với ĐB về khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng sau đó, ông Huỳnh Phong Tranh trả lời rất dài song lại "quên" nội dung này, khiến Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn phải nhắc.
"Ông Truyền là cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư. Sau phiên chất vấn lần trước, Ban Bí thư đã họp, chỉ đạo UB Kiểm tra TƯ kiểm tra đúng quy trình những vi phạm của ông Truyền. Đến nay chưa có kết luận nên chưa có thông tin để báo cáo ĐBQH" - ông Tranh báo cáo.
Lộc quan khác với ăn chặn của dân
Cùng chất vấn về tham nhũng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) hỏi các giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất.
"Từ 1949-1975, chỉ một ông quản gia kiểm kê tài sản ở dinh Bảo Đại mà không mất gì, bàn giao đầy đủ cho cách mạng. Nay ta bao nhiêu con dấu, đều do đảng viên quản lý, mà tài sản cứ mất dần mất mòn không tìm ra", ông Thuyền nói.
Vấn đề thứ hai là lòng tin. Có đồng chí lên truyền hình nói 'cán bộ không nhận mà do dân cứ đưa tiền'. Thế thì phải xem lại cán bộ, vì dân không còn niềm tin là không có tiền vẫn được phục vụ tốt, đến bệnh viện, đi xin việc... đều phải đưa tiền vì sợ không đưa thì cán bộ không công tâm" - ông Thuyền nói.
ĐB nói "đồng ý làm quan thì phải có lộc, nhưng "lộc quan khác với ăn chặn của dân", ông Thuyền nhấn mạnh trong phòng chống tham nhũng, các biện pháp trừng phạt phải đi đôi với xây dựng lòng tin.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) thì hỏi về việc khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh giải trình cho biết TTCP nhắc lại 9 giải pháp phòng, chống tham nhũng đã nêu trong báo cáo đầu kỳ họp, kêu gọi sự giám sát của ĐB và sự chỉ đạo của QH.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
'Cứ xảy ra chuyện mới đi rà soát'
Ngoài báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên họp, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát là thành viên Chính phủ thứ hai cùng ông Tranh tham gia trả lời chất vấn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu những việc đã làm trong nông nghiệp, nội vụ, thông tin truyền thông, tài chính, giáo dục đào tạo, tư pháp và thanh tra. ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho biết báo cáo này mới được chuyển đến các ĐB sáng nay và chỉ nêu những việc đã làm.
Ông đề nghị Chính phủ giải thích vì sao có nhiều sự việc xảy ra rồi mới chỉ đạo rà soát. "Cứ một cái tàu chìm thì rà soát tàu, một mỏ đá sập thì rà soát mỏ, một cái cầu treo đứt thì rà soát cầu..., thế những việc cần làm trước đó thì sao? Những việc đó Thủ tướng hay các bộ trưởng không thể quản lý hết, trách nhiệm chính là ở các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương", ĐB Quảng Trị nói.
Liên quan vấn đề nông nghiệp, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt câu hỏi cho tư lệnh ngành vì sao lợi thế lớn nhất của VN là nông nghiệp, về trồng trọt, ngư nghiệp, kinh tế biển..., nhưng bài toán phát triển chưa được đặt ra đồng bộ.
"Nông nghiệp có 3 việc: sản xuất gì, bằng cách nào và cho ai. Bộ Nông nghiệp chỉ nói được việc dễ là 'trồng cây gì, nuôi con gì', chứ không nói được hai việc sau, khó hơn nhiều", ông Lịch nói.
Lấy ví dụ với nhu cầu 6 triệu tấn ngô cho chăn nuôi trong nước mà sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long chịu thua hàng nhập khẩu vì giá thành cao, ĐB TP.HCM chỉ ra vấn đề nằm ở 'thay đổi tổ chức phương thức sản xuất', nếu không sẽ ca mãi bài muôn thuở "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
An ninh lương thực, tức nông nghiệp có hai rủi ro: từ thiên nhiên, thì phải giảm thiểu bằng chính sách bảo hiểm, và từ thị trường, thì phải có biện pháp chuyển rủi ro từ người sản xuất sang người kinh doanh, ông Trần Du Lịch phân tích vai trò của các bộ ngành khác.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết cũng có nhiều ý kiến về việc có nên tiếp tục sản xuất lúa gạo hay giảm xuống để sản xuất các cây trồng khác.
"Chủ trương đảm bảo an ninh lương thực và việc tìm cách nâng cao thu nhập cho nông dân, là hai mục tiêu không đối lập. Chính phủ tạo điều kiện cho nông dân trồng lúa chuyển đổi sang cây trồng khác có thu nhập cao hơn, đồng thời thay đổi phương thức hỗ trợ nông dân trồng lúa từ tiền sang chuyển giao kỹ thuật công nghệ", Bộ trưởng nói.
VNN