“Phải có tai mắt của nhân dân, một mình tổ trưởng (hay cán bộ) không làm nổi, cũng không đủ sức gánh vác. Từ tai mắt của nhân dân, mình có cơ sở và nắm bắt sự việc, dấn thân thực hiện và yên tâm vì có nhân dân hỗ trợ. Như thế, không có việc gì khó khăn cả”, bà Phạm Thị Mùi, tổ trưởng tổ 48, phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) bắt đầu câu chuyện với tôi về công tác điều hành tổ dân phố (TDP) như thế.
Quản lý chặt chẽ biến động nhân hộ khẩu, thực hiện tốt vệ sinh môi trường và nếp sống văn minh đô thị, không có tệ nạn xã hội, không hộ nghèo là những thành tích được duy trì từ nhiều năm nay ở “tổ bà Mùi”, cái tên quen thuộc ở phường Hải Châu 1. Khu vực tổ 48, phường Hải Châu 1 có trường đại học đóng chân, hằng ngày có khoảng 10.000 lượt sinh viên vào ra kiệt 7 Quang Trung. Có mấy hộ dân buôn bán trước cổng trường nhưng không hề xảy ra tình trạng chèo kéo khách hàng.
“Thực ra trước đây có tình trạng này, thậm chí chủ quán còn mắng chửi tổ trưởng và cảnh sát khu vực khi đến nhắc nhở. Nhưng mình xấn vào, hỏi han cụ thể, vừa nhẹ nhàng, vừa cứng rắn, thể hiện quan điểm, trách nhiệm của người điều hành TDP để họ biết và lắng nghe. Rồi họ cũng nghe, hiểu và không chèo kéo khách, không xả rác, nước thải ra đường kiệt”, bà Phạm Thị Mùi cho biết.
Chỗ nào tồn đọng rác thải hay giá hạ, bất ổn trật tự, mất mỹ quan đô thị, biến đổi nhân hộ khẩu, bà Mùi đều được người dân “mật báo” và ngay lập tức bà có mặt để nhắc nhở, xử lý. Có trường hợp rác xả ra đường kiệt nhưng “cha chung không ai khóc”, bà tự cầm chổi quét. “Trong tổ có người cứ thấy rác bẩn thì không chịu được, hay có vấn đề gì thì ngay lập tức điện cho tổ trưởng để xử lý. Một chiếc lá bàng rụng, hay vé xe đạp giữ xe sinh viên trong Trường Đại học Duy Tân rơi ra đường kiệt thì được nhắc nhở ngay để không tái diễn”, bà Mùi kể.
Có một “kỷ niệm” mà đến giờ bà nhớ rõ, đó là một thanh niên lạ mặt xuất hiện trong khu vực kiệt 7 Quang Trung để bán một chiếc xe đạp. Sau khi được người dân “mật báo”, bà đã rất mềm dẻo và truy ra nguồn gốc thanh niên lạ cũng như xuất xứ chiếc xe đạp vốn là đồ trộm ở nơi khác. “Bất kỳ biến động nào trong tổ, tôi đều được người dân báo lại. Đó là do mình tạo được niềm tin cho nhân dân, cũng như bản thân người dân rất có trách nhiệm vì cuộc sống cộng đồng. Ý thức của người dân mới là tiên quyết, một mình tổ trưởng có ba đầu sáu tay cũng chịu”.
Công việc tổ trưởng TDP vốn không tên, nhưng từ những việc nhỏ nhất như nhặt cọng rác bỏ vào thùng đựng rác để tạo nên nếp sống chung cho toàn khu dân cư, đến những việc lớn hơn cũng trở nên dễ dàng để tuyên truyền, vận động nhân dân làm theo. Vì thế, hiện Quỹ Vì người nghèo ở “tổ bà Mùi” đã vượt gần 500%, các quỹ khác đều vượt trên 200%. “Không có tai mắt nhân dân, không có sự chung tay của nhân dân, một mình mình không làm được việc gì”, bà Mùi kết luận.
TRỌNG HUY