.

Cống hiến ở tuổi 69

.

Thời chiến, ông cầm súng, anh dũng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương. Thời bình, ông hăng hái lao động, góp phần phát triển kinh tế. Dù ở mặt trận nào, độ tuổi nào, ông luôn là một chiến sĩ hết lòng vì quê hương...

Ông Phạm Văn Bạn báo cáo tại Đại hội thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” quận Hải Châu.
Ông Phạm Văn Bạn báo cáo tại Đại hội thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” quận Hải Châu.

Ông là CCB Phạm Văn Bạn (SN 1945), hiện là Bí thư Chi bộ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tiến Thắng, Ủy viên Hội Doanh nhân CCB thành phố Đà Nẵng.

Tuổi già, sức không già

Khi mới 16 tuổi, thanh niên Phạm Văn Bạn đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, hăng hái tham gia du kích. Một năm sau, người thanh niên ấy nhập ngũ, anh dũng chiến đấu đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tháng 2-1976, ông Phạm Văn Bạn chuyển ngành sang đơn vị làm kinh tế. Ở môi trường công tác mới, CCB Phạm Văn Bạn vẫn luôn tâm niệm: “Chuyển sang làm kinh tế nhưng bản thân tôi luôn giữ vững bản chất truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ”.

Năm 2004, ông về hưu nhưng không nghỉ, luôn đau đáu với các công tác xã hội,  tích cực tham gia công tác ở khu dân cư nơi cư trú. Sau đó, được tập thể tín nhiệm, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ khu dân cư tổ 21, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu.

Ở vị trí Bí thư Chi bộ, công việc bận rộn đã ngốn hết thời gian của ông. Nhưng sau thời gian dài suy nghĩ, ông bàn bạc với gia đình, bạn bè thân quen nhờ giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất để mở cơ sở sản xuất.

“Với tôi, điều này không chỉ tăng thu nhập cho bản thân và gia đình mà còn tạo việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo ở quê hương”, CCB Phạm Văn Bạn chia sẻ. Từ quyết tâm đó, ông mạnh dạn vay nhiều nguồn vốn khác nhau để xây dựng cơ sở may mặc với tên gọi Công ty TNHH Tiến Thắng, đặt trụ sở tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.

Luôn “uống nước nhớ nguồn”

Quá trình xây dựng cơ sở sản xuất bước đầu gặp không ít khó khăn, gian nan nhưng vẫn không làm CCB Phạm Văn Bạn nản chí. Với sự kiên trì học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và bản lĩnh người lính Cụ Hồ, ông đã đưa công ty có chỗ đứng nhất định trên thị trường với gần 270 lao động. Đặc biệt, có 48 người là con thương binh, gia đình liệt sĩ, 35 người có hoàn cảnh khó khăn; 24 người là bộ đội xuất ngũ hoặc con của cán bộ, bộ đội nghỉ hưu, 8 lao động là người khuyết tật.

Việc tuyển dụng, tạo công ăn việc làm cho những người có công cách mạng, những CCB là cách mà ông tri ân những hy sinh thầm lặng của họ. Phát huy mạnh mẽ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ông còn nhận phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời.

Không chỉ ghi nhớ công lao của những người đang sống, ông còn luôn tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc bằng việc ủng hộ 10 triệu đồng góp phần nâng cấp khu nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) và hỗ trợ 5 triệu đồng chung sức xây dựng bia tưởng niệm xã Điện Hòa (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Như tâm nguyện ban đầu khi thành lập công ty, người CCB 69 tuổi này luôn hết lòng với công tác xã hội, quan tâm, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Ba học sinh nghèo học giỏi nhờ sự hỗ trợ của ông đã vững tâm đến trường. Ngoài ra, ông còn ủng hộ Bệnh viện Ung thư 5 triệu đồng, Nhà văn hóa thôn của xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) 5 triệu đồng, các nạn nhân chất độc da cam 5 triệu đồng; ủng hộ chương trình “Hướng về biển đảo quê hương” 50 triệu đồng…

Từ những cống hiến đó, ông đã được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB thành phố Đà Nẵng và nhiều cấp, ngành… tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Bài và ảnh: KHA MIÊN

;
.
.
.
.