.

Công nghiệp hỗ trợ thật sự có vấn đề

.

Trong phiên chất vấn chiều 17-11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết đã nhận được nhiều câu hỏi từ các đại biểu quan tâm, chủ yếu liên quan đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất chế tạo trong nước, về giải pháp quản lý thị trường và sự tham gia của doanh nghiệp trong nước về hệ thống bán lẻ...

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.  Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Đại biểu (ĐB) Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) đặt vấn đề, có phải vì thiếu chính sách cụ thể để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ nên ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thể phát triển? Và trách nhiệm Bộ trưởng ra sao trong vấn đề này?

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất như ô-tô, điện, điện tử có tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu khi mà ốc vít gần đây mới sản xuất được. “Có phải Việt Nam chỉ là bãi rác, thuê lao động phổ thông và cho hưởng ưu đãi đầu tư?”, bà Khá hỏi.

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nhận xét: “Công nghiệp chế tạo và phụ trợ còn rất yếu kém, sản xuất đa phần chỉ ở mức lắp ráp và gia công”. Chất vấn Bộ trưởng là người đứng đầu ngành công thương trong gần 10 năm qua, ĐB Đáng muốn biết rõ nguyên nhân và sự yếu kém này có phải do “thiếu tập trung của việc quản lý Nhà nước?”.

Thừa nhận lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua được nhiều ĐB Quốc hội quan tâm và “lĩnh vực này thật sự có vấn đề”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết gần đây nhất Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định để thúc đẩy chính sách công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhưng “đúng là cấp độ pháp lý của các chính sách này đang thấp, chưa có nghị định, chưa có luật, chưa đầy đủ nên chưa tạo điều kiện thuận lợi để phát triển”.

Nguyên nhân thứ hai, khi nói đến công nghiệp hỗ trợ thì hay nói đến phụ tùng linh kiện. Tuy nhiên, để phát triển được “thì phải có quy mô thị trường lớn, mới có giá thành cạnh tranh được”. Bộ trưởng Bộ Công thương dẫn chứng, như với ô-tô, hiện nay cơ sở lắp ráp chỉ sản xuất được 70.000 xe/năm nên khó có thể có doanh nghiệp nào cung cấp linh kiện, phụ tùng cho hơn 10 nhà sản xuất ô tô với nhiều chủng loại, trong khi sản lượng cần một năm 100.000/xe thì mới phát huy được công nghiệp hỗ trợ.

Riêng dệt may, da giày, các doanh nghiệp trong nước, dù đã có cố gắng, như dệt may đã lo được 50%, da giày 60% nguyên liệu, “nhưng quy mô sản xuất vẫn còn hạn chế”. Một nguyên nhân nữa, là sự phân công trong chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu tùy thuộc vào các doanh nghiệp đa quốc gia. “Chúng ta đi sau, nên việc len chân vào đây cũng đã khó khăn”, Bộ trưởng bày tỏ.

Và nguyên nhân cuối cùng, người đứng đầu Bộ công thương cho rằng công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi liên quan việc sử dụng nguyên vật liệu mới, nhưng “phần lớn chúng ta chưa sản xuất được, nên phải nhập”.

ĐB Trần Ngọc Vinh đặt câu hỏi: “Công nghiệp ô-tô của ta èo uột, nội địa hóa thì chỉ là những linh kiện đơn giản, giá bán ô tô thì cao nhất thế giới, vậy chiến lược mới cho ngành công nghiệp này là gì để không thất bại như chiến lược cũ, trong khi các nước xung quanh cạnh tranh khốc liệt?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, tỷ lệ nội địa hóa 5-10% ở ô-tô chỉ là phần cứng, chưa đạt mục tiêu, giá đắt do cơ chế chính sách khác ngoài sản xuất. Chiến lược mới đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt là động cơ, lựa chọn dòng xe chở khách làm chiến lược, ô-tô con thì là dòng xe thông dụng, nhiều người mua được, công nghệ không quá phức tạp.

Hạn chế có trách nhiệm của Bộ

ĐB Nguyễn Thị Khá nêu thực trạng, có những mặt hàng trong nước người dân và doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ không hết thì hàng gian, hàng lậu thẩm lậu qua biên giới như thuốc lá, đường, nông sản, thực phẩm... không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm... Trong nước thì sản xuất nhiều thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền...

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là vấn đề nhức nhối, tồn tại từ nhiều năm nay. Các lực lượng chức năng đã cố gắng, nhưng kết quả còn hạn chế, trong đó có lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương.

Bộ trưởng cho biết, trong báo cáo kiểm điểm cá nhân gửi các ĐBQH phục vụ lấy phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng cũng đã nhận trách nhiệm về hạn chế này. Trả lời câu hỏi của ĐB Khá “liệu Bộ trưởng có dám cam kết đến hết 2015 sẽ quét sạch hàng giả, hàng nhập lậu”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Tôi chỉ dám nói rằng sẽ hết sức cố gắng. Và chúng ta không có lý do gì để không tin rằng tình trạng trên sẽ không được cải thiện”.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa đặt câu hỏi về các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường. Các nhà bán lẻ Việt Nam phản ứng thế nào, sản xuất trong nước có bị ảnh hưởng không, hàng hóa Việt Nam có thua trên sân nhà không?

Bộ trưởng cho hay, trước khi làm thành viên WTO, Việt Nam đã nhận thức lĩnh vực này là nhạy cảm nên mở cửa có lộ trình, tạo điều kiện về thời gian cho DN trong nước vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Lộ trình khi ký WTO là khá dài và phải đến 2019 mới được lập DN 100% vốn nước ngoài và có 9 mặt hàng không được các nhà bán lẻ tiêu thụ ở hệ thống của họ như thuốc lá, gạo, văn hóa phẩm...

“Tổng kết lại 900 cơ sở bán lẻ hiện đại thì chỉ 70 của nước ngoài, còn lại của trong nước, tỉ trọng tiêu thụ hàng hóa của DN nước ngoài chỉ 3,4% ”, Bộ trưởng thông tin.

Không có chuyện nhập khẩu điện nước ngoài

Liên quan đến lĩnh vực điện, ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn: “Có ý kiến phản ánh doanh nghiệp điện Nhà nước, như thủy điện Hòa Bình, công suất lớn, nhưng hoạt động cầm chừng, trong khi ngành công thương lại nhập điện từ Trung Quốc với giá cao.

Điều này có đúng không? Có nhóm lợi ích hay không? Nếu có, trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định ý kiến này không có cơ sở. Vì trong nước đã có nhiều công trình thủy điện có công suất lớn đã và đang hoạt động, với nhiều lợi thế. Không có lý do gì không khai thác triệt để các thủy điện đã đầu tư này, có thủy điện đạt sản lượng một năm 9-10 tỷ kWh, “nên không có câu chuyện cầm chừng về phát điện”.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.