.

Cụ Đoàn Bá Từ, như tôi biết...

.

Tôi biết nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ khi ông còn làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Đà Nẵng, nhưng phải đến ngày ông nghỉ hưu và tôi về làm việc tại Báo Thanh Niên, tôi mới có dịp gặp gỡ, chuyện trò và học hỏi ở ông nhiều hơn.

Đó là một người đã yêu và chết sống với nghề báo từ khi còn rất trẻ. Ở ông, tính trung thực, lòng say mê học tập và căm ghét sự tham lam, ích kỷ là những yếu tố mang tính chỉ đường trong hơn 60 năm làm báo nói riêng và cả cuộc đời ông nói chung…

Ông từng tham gia quản lý tại hiệu sách Việt Quảng từ giữa thập niên 1930 thế kỷ trước của cụ Lê Văn Hiến. Ở đó, ông đã gặp gỡ nhiều trí thức lớn của cách mạng Việt Nam như: Phan Thanh, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Ngọc Huệ, Đặng Thai Mai, Phan Đăng Lưu…, và trở thành người viết báo có thẻ đầu tiên tại miền Trung được cấp từ các tờ báo lớn ở Hà Nội.

Nhưng trước đó, khi còn ngồi chung ghế nhà trường với Tế Hanh, Tố Hữu, ông đã lập riêng được tờ báo viết tay của tuổi học trò. Đến khi ở tù 5 năm tại nhà lao Đăk Glei, ông lại là người viết, làm tòa soạn và cả trình bày cho tờ báo bí mật mang tên Lazaret, rồi đổi thành Chàng Làng và Yên Chí, An Trí sau đó; trở thành cái gai nhọn trong thông tin ngôn luận trước chính quyền thực dân Pháp…

Nhiều năm sau, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tuy ông giữ các chức vụ chính quyền, mặt trận tại thành Thái Phiên (Đà Nẵng cũ) nhưng vẫn dành thời gian viết nhiều bài báo, tài liệu phục vụ chính quyền non trẻ. Đến khi được điều động ra Bắc, ông lại được bổ nhiệm làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền Hà Nội (1946).

Song, có lẽ vì “ngứa tay” với nghề cầm bút, 2 năm sau, ông vào Nam Bộ và làm đặc phái viên cho Báo Cứu Quốc, phóng viên TTXVN tại Liên khu 5 (1954), Báo Chiến Thắng của tỉnh Quảng Nam (1947) cùng cố nhà văn Nguyễn Văn Bổng và là phóng viên quốc tế đầu tiên tại Phnom Penh dưới thời chính quyền Sihanouk.Là người viết, không những ông rất chú trọng việc ghi chép, làm tư liệu mà ngay cả những tấm thẻ nhà báo từ xa xưa đó vẫn được ông giữ gìn như những báu vật…

Ngày 16-8-1945, cách mạng giao nhiệm vụ cho Đoàn Bá Từ (lúc này là Chủ nhiệm Việt Minh thành Thái Phiên, kiêm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền) đi thu ấn triện của Tri huyện Hòa Vang. Khi đi, lãnh đạo giao cho ông một cây súng đề phòng bất trắc. Nhưng do không tự tin về khả năng bắn súng của mình nên Đoàn Bá Từ tháo hộp đạn bỏ ở nhà, tay không đến gặp quan tri phủ. Nói về “lá gan” của mình thời đó, ông hóm hỉnh: “Lúc này, chính quyền phong kiến đã tan rã, nên việc cướp chính quyền diễn ra rất thuận lợi. Việt Minh đi đến đâu, đại diện tầng lớp phong kiến nộp con dấu đến đó”.

Vui nhất là khi ở Đăk Glei, Đoàn Bá Từ trở thành tác giả của ca khúc Bài ca thể dục, một phong trào rèn luyện sức khỏe của tù nhân do cụ Lê Văn Hiến khởi xướng, sau đã được phổ biến đến chiến khu Việt Bắc mà đến nay cụ vẫn nhớ: “Khi bình minh vén màn phương Đông/ Ánh dương chiếu ra tưng bừng/ Ta cùng vui hát/ Cố gắng luyện rèn thêm sức/ Tấm thân nở nang dẻo mềm/ Đời ta còn phen chiến đấu/ Sức ta sẽ đem ra dùng/ Chí hùng vang ca…”.

Từ năm 1992, khi Báo Thanh Niên có mặt tại Đà Nẵng với nhiều loạt bài viết về các sai phạm trong chính sách đất đai, việc lạm quyền của các cơ quan, quan chức Nhà nước và bảo vệ những oan sai của người dân…, cụ Đoàn Bá Từ trở thành bậc “đàn anh” thường lui tới chỗ chúng tôi. Cụ góp ý, động viên các nhà báo trẻ; sửa chữa cách dùng từ chưa chính xác và lưu ý việc làm tư liệu, lưu trữ thông tin…

Những câu cụ thường nói là “Nhà báo không có nghỉ hưu”; “Hạnh phúc nhất là suốt đời làm phóng viên để được bày tỏ quan điểm của mình, được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người…”; hoặc: “Ở trường ta chỉ học những điều cơ bản thôi; do đó, nhà báo đâu có thể biết hết mọi việc. Muốn vậy, anh phải luôn đọc và học để trau dồi cả kiến thức lẫn cách sử dụng ngôn từ sao cho mới mẻ, sinh động!”.

Có hôm cụ còn khệ nệ chở trên xe hàng chục tập tư liệu mà cụ tự sưu tầm, cắt dán, hệ thống theo từng chủ đề để hướng dẫn cách làm tư liệu cho anh em không chỉ ở Báo Thanh Niên mà còn nhiều cơ quan báo chí khác. Thỉnh thoảng cụ cũng viết thư góp ý cho các tổng biên tập, thư ký tòa soạn của nhiều tờ báo… Và tôi lại càng hiểu hơn câu nói “không có tuổi hưu” của cụ.

Có lẽ giờ đây chúng ta nhớ mãi một câu nói của cụ trong một bức thư gửi thẳng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1995: “Tôi xin cúi đầu lạy Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ba lạy. Nếu phải lạy 100 lạy tôi cũng xin lạy đủ. Xin Chủ tịch đừng để…”, khi cụ trình bày với chính phủ những bất cập, yếu kém và làm mất lòng tin của Đảng bộ, chính quyền một địa phương ở miền Trung. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi công tác ở miền Trung đã nhắc lại bức thư này và giải quyết thỏa đáng tình hình, mang lại niềm tin cho dân…

Đối với một nhà báo (xin được không nêu tên) chuyên viết tô hồng về chuyện đấu tranh chống tiêu cực, cụ Đoàn Bá Từ cũng gặp thẳng và nói thiệt: “Viết báo kiểu như anh thì coi như công cuộc chống tham nhũng hiện nay đã hoàn tất! Tôi xin chúc mừng!”. Nhà báo kia sau đó thẹn chín người và đã có những thay đổi.

Chỉ 5 năm lại đây, khi đi lại khó khăn, cụ Đoàn Bá Từ mới thôi ra biển mỗi sáng. Cụ vốn xem sức khỏe là hết sức quan trọng để làm việc. Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ký hiệp định thương mại Việt - Mỹ, tôi thấy cụ Đoàn Bá Từ vui hẳn lên và một hôm cụ nói: “Mình cố sống đến 90 tuổi để chứng kiến đất nước đổi thay, dân tộc phú cường!”…

Và cụ đã chừng nào thỏa nguyện ra đi khi đã bước vào tuổi 98 mà người xưa vẫn bảo là Thánh tuế! Cầu mong một giấc ngủ yên lành với cụ!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.
.