Chiều 20-11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.Ảnh: TTXVN |
Về nội dung này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) góp ý: Dự thảo lần này đã tiếp thu, hoàn chỉnh các nội dung: phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; thủ tục, quy trình lấy phiếu và hệ quả sau khi lấy phiếu tín nhiệm. Qua thảo luận, các ĐBQH khẳng định, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm là hết sức cần thiết và hiệu quả, thể hiện vai trò giám sát tối cao của Quốc hội và được đông đảo cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ.
Song, buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau của các ĐBQH xung quanh các nội dung của dự thảo nghị quyết. Cả ba ý kiến của 3 đại biểu đoàn Hà Nội đều kiến nghị chỉ nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo 2 mức “tín nhiệm và không tín nhiệm”, thay vì 3 mức “tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp và tín nhiệm” như hiện nay, để các đối tượng thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm nỗ lực, phấn đấu hơn trong quá trình thực thi nhiệm vụ, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực.
Cùng quan điểm này, đại biểu Võ Thị Dung (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc để 2 mức trên phiếu tín nhiệm hoàn toàn phù hợp với mong muốn của cử tri. Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, nên chia nhỏ mức “tín nhiệm” thành hai tiêu chí là “tín nhiệm cao và tín nhiệm”. Theo đại biểu Lê Thị Nga, quy định 3 mức như hiện nay mà không có mức “không tín nhiệm” là chưa hợp lý; gây mặc định đối với các chức danh đều được tín nhiệm trước khi lấy phiếu; đồng thời hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó thuộc diện này. Đại biểu Lê Thị Nga cũng cho rằng, quy định 3 mức chưa đồng bộ với quy định của pháp luật với 4 mức đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức; trong đó có mức độ đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, các ý kiến tại buổi thảo luận cũng đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Các đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) và Võ Thị Dung (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều cử tri phản ánh nguyện vọng nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ.
Theo đại biểu Chu Sơn Hà, mỗi nhiệm kỳ nên 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4, bởi quá trình 2 năm đầu nhiệm kỳ là đủ để các chức danh có thời gian nắm bắt tình hình, công việc, xây dựng chương trình và triển khai công tác. Việc tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ 4 là một kênh thông tin quan trọng để cấp ủy đánh giá, kiện toàn hệ thống chính trị, phục vụ Đại hội Đảng các cấp.
Buổi thảo luận cũng ghi nhận một số ý kiến khác của các đại biểu đề nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với cả các đối tượng giám đốc các sở, ngành ở HĐND tỉnh; các trưởng phòng cấp huyện; đề nghị bổ sung quy định người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tàn sản, báo cáo thu nhập của mình.
Về hệ quả lấy phiếu, các đại biểu đồng tình với việc đối với người được lấy phiếu có quá nửa số phiếu tín nhiệm thấp thì có thể thực hiện văn hóa từ chức, nhưng cũng đề nghị Quốc hội có quy định trong trường hợp người thuộc diện này không từ chức.
* Cũng trong chiều 20-11, với 381 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 76,66% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước công dân và biểu quyết, thông qua Luật Hộ tịch với 76,65% số đại biểu tán thành.
TTXVN